1.1.LỊCH SỬ VÀ CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP HÀ NỘI (1956-1995)

Năm 1954, sau ngày ký hiệp định Geneve, các cơ quan đầu não kháng chiến lần lượt trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Các trung tâm đại học ở các vùng kháng chiến lần lượt trở về Hà Nội cùng với một số cơ sở đại học được tiếp quản Thủ đô để lập thành bốn trường đại học: Đại học Văn Khoa, Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm Văn khoa và Khoa học, Đại học Y - Dược.

Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu sự nghiệp xây dựng CNXH. Trước yêu cầu phát triển khoa học cần có một nền giáo dục đại học phát triển, ngày 04/06/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2183/TC thành lập 15 trường trung học chuyên nghiệp và 5 trường đại học: Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Y - Dược, Đại học Nông - Lâm. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Trường Đại học Khoa học cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

1.1.1 GIAI ĐOẠN 1956 - 1965: Chặng đường phát triển đầu tiên.

Ngày 15/10/1956, lễ khai giảng năm học đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được tổ chức tại Đại giảng đường của khu Đại học Việt Nam (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội ngày nay) với 430 sinh viên ở ba khoa chuyên ngành: Toán - Lý, Hóa - Vạn; Văn - Sử. Do đó, ngày 15/10 được chọn là ngày truyền thống của Trường.

Cuối năm học 1958 - 1959, có 219 sinh viên khóa I được công nhận tốt nghiệp và phần lớn những sinh viên tốt nghiệp các khóa đầu tiên đều trở thành những cán bộ nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học còn non trẻ của Việt Nam sau này. Trong những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên, không ít người trước đó còn là công nhân, nông dân hoặc anh lính cụ Hồ; khi tham gia vào “mặt trận mới” đã có được những thắng lợi đầu tiên, báo hiệu sự ra đời của thế hệ trí thức cách mạng xuất thân từ công nông, tự tin chiếm lĩnh trận địa khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập ngay sau khi thoát khỏi sự đô hộ của phong kiến thực dân.

Năm học 1960 - 1961, Nhà trường tuyển mới 967 sinh viên khóa V và đón sinh viên quốc tế đến học. Trong thời gian này, công tác nghiên cứu khoa học mới triển khai nhưng đạt kết quả đáng khích lệ và được đánh dấu bằng các sự kiện: Thành lập Hội đồng Khoa học cấp trường (1960); Hội nghị khoa học cấp trường lần thứ Nhất (1960); Hội nghị khoa học sinh viên (1961),.. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong các hội nghị khoa học này đã trở thành xuất phát điểm cho các luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) sau này của cán bộ, sinh viên.

Những năm 1964 - 1965, một số sinh viên khóa đầu tiên được gửi đi đào tạo tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã lần lượt bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ và trở về, bổ sung vào đội ngũ cán bộ giảng dạy đang trưởng thành của Nhà trường. Tinh thần và phong cách làm việc của các chuyên gia quốc tế trong việc giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ, sinh viên đã cổ vũ các nhà khoa học trẻ của Nhà trường tự tin bước đi trên mặt trận khoa học kỹ thuật - một lĩnh vực còn rất mới đối với Việt Nam lúc bấy giờ.

Ở giai đoạn này, dù điều kiện cơ sở vật chất khiêm tốn, nhưng với phương châm “thắt lưng buộc bụng”, Nhà trường đã cố gắng xây dựng một số phòng thí nghiệm cho khoa Vật lý, Hóa học, Sinh học, thành lập bảo tàng động thực vật, bảo tàng khảo cổ, xưởng cơ - vô tuyến, xây dựng nhà in, mở rộng thư viện...

Năm 1965, đất nước bước vào một giai đoạn mới của Cách mạng. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội kết thúc năm học 1964 – 1965, cũng là kết thúc giai đoạn đầu tiên trong tiến trình xây dựng và phát triển Nhà trường - giai đoạn phát triển trong hòa bình.

1.1.2 GIAI ĐOẠN 1965 - 1975: Xây dựng và phát triển Trường trong điều kiện chiến tranh

Sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, chiến tranh đã leo thang ra miền Bắc. Trong tình hình cả nước có chiến tranh, tháng 8/1965, toàn thể cán bộ, sinh viên “gánh cả trường trên vai” sơ tán lên Đại Từ (Bắc Thái). Sau thời gian dựng nhà, dựng lớp, ngày 15/10/1965, lễ khai giảng năm học mới được diễn ra giữa đại ngàn Việt Bắc. Dù khó khăn nhưng năm học 1965 – 1966 kết thúc với 75% tổng số sinh viên đã đạt điểm khá giỏi. Đặc biệt, tháng 9/1965, Chính phủ quyết định mở lớp cấp 3 phổ thông dạy học sinh năng khiếu toán học bậc Trung học Phổ thông cho Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khối phổ thông chuyên toán A0).

Trong công tác nghiên cứu khoa học, bên cạnh những đề tài cơ bản của lớp cán bộ giảng dạy trẻ đang trong thời kỳ tự đào tạo, các đề tài nghiên cứu những vấn đề khoa học liên quan tới thực tiễn nóng bỏng của đời sống xã hội, sản xuất chiến đấu được triển khai ở hầu hết các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường. Các đề tài gắn chuyên môn của mình vào sự nghiệp Cách mạng thiêng liêng của Tổ quốc như: Khoa Toán giải quyết vấn đề vượt sông phục vụ giao thông vận tải; tính toán dòng chảy phục vụ công tác thủy lợi;… Khoa Vật lý nghiên cứu về truyền sóng phục vụ thông tin liên lạc. Khoa Hóa học nghiên cứu cao su chịu dầu phục vụ quốc phòng và giao thông vận tải. Khoa Sinh học ứng dụng vi sinh vào sản xuất nước chấm, nghiên cứu rau rừng phục vụ quân đội. Khoa Địa lý - Địa chất triển khai đề tài: điều tra tài nguyên thiên nhiên Việt Bắc; điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ phục vụ công tác phân vùng kinh tế, quy hoạch địa lý và phát triển kinh tế địa phương,...

Cuối năm 1968, sau những thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam - Bắc, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom vô điều kiện ở miền Bắc nước ta. Thầy trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lại “gánh trường trên vai” trở về Hà Nội. Cho đến giữa năm 1970, toàn trường đã trở về làm việc tại các cơ sở cũ.

Giữa lúc đang dần đi vào hoạt động ổn định tại Hà Nội thì đế quốc Mỹ lại ồ ạt đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Nhà trường một lần nữa phải rời Thủ đô, sơ tán về Ứng Hòa (Hà Tây cũ), sau đó chuyển về Hiệp Hòa (Hà Bắc cũ) và Phú Bình (Bắc Thái) với trang thiết bị, đồ dùng dạy học được vận chuyển bằng phương tiện thô sơ. Tại vùng sơ tán, các lớp học được chia nhỏ thành từng ca đảm bảo sự gọn nhẹ, cơ động theo nếp sống thời chiến với khẩu hiệu “an toàn tối đa, chất lượng đảm bảo, thi cử nghiêm túc”. Đến đầu năm 1973, toàn trường về Hà Nội.

Song song với giảng dạy và học tập, việc nghiên cứu khoa học phục vụ thực tế đã được thầy trò Nhà trường thực hiện tích cực. Thầy trò của trường đã tổ chức 78 đoàn với 1.250 người triển khai các đề tài phục vụ thực tế sản xuất và chiến đấu, hoạt động trên 85 địa bàn trải dài từ khu IV đến Lạng Sơn. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng bằng khen, huân chương về thành tích nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Năm 1974, thầy giáo Hoàng Hữu Đường, cán bộ giảng dạy khoa Toán - Cơ (nay là Toán - Cơ - Tin học) là người đầu tiên bảo vệ luận án phó tiến sĩ trong nước tại Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước được tổ chức tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiều bản nhận xét của các nhà toán học nước ngoài đánh giá cao chất lượng khoa học của luận án này. Sự kiện đã ghi dấu ấn trong công tác đào tạo sau đại học của Nhà trường.

Năm 1974 cũng là năm Việt Nam bắt đầu cử học sinh trung học phổ thông dự thi Olympic Toán quốc tế, với nòng cốt là học sinh lớp chuyên toán A0 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam thuộc về Hoàng Lê Minh, học sinh của Nhà trường. Bảng vàng thành tích này được làm dày thêm bằng thành tích của các Khối THPT Chuyên sau này. Năm học 1974 - 1975 đã kết thúc thắng lợi trong niềm vui đại thắng của toàn dân tộc: miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 1.333 cán bộ và sinh viên “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc; có những người đã ngã xuống bên chiến hào, làm nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định,... Biết bao sinh viên ưu tú khác của trường như Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao đã ra đi, ngã xuống hóa thân vào màu xanh của dáng hình xứ sở “mãi mãi tuổi hai mươi”, mãi ghi vào truyền thống Nhà trường như một khúc hùng ca bi tráng của những năm tháng kháng chiến.

1.1.3 GIAI ĐOẠN 1975 - 1985: Ổn định và phát triển Trường sau chiến tranh

Năm học 1975 - 1976, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khai giảng trong không khí cả nước hân hoan mừng chiến thắng, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Nhà trường được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ: vừa thực hiện xây dựng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước, vừa thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc khôi phục và xây dựng các trường đại học ở miền Nam.

Nhiều người con miền Nam đã trưởng thành trên đất Bắc, trên cương vị một cán bộ giảng dạy, một nhà khoa học giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tế trở về chi viện cho miền Nam. Trong đợt chi viện hơn 100 cán bộ giảng dạy cho miền Nam, 3 cán bộ của Trường đã được giao trọng trách giữ chức vụ Hiệu trưởng của 3 trường đại học cơ bản lớn nhất ở miền Nam: Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tổng hợp Huế, Trường Đại học Đà Lạt. Cùng với con người, hơn 23.000 cuốn sách giáo khoa, chuyên khảo tiếng Việt và tiếng Nga, hàng nghìn cuốn tạp chí khoa học và dụng cụ thiết bị khoa học phục vụ giảng dạy, nghiên cứu đã được chi viện cho các trường đại học ở miền Nam. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tiếp nhận sinh viên xuất sắc từ các trường đại học phía Nam để đào tạo trở thành những cán bộ giảng dạy cho các trường đại học này.

Năm 1976, kỷ niệm 20 năm thành lập, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã khẳng định vượt qua nhiều khó khăn thử thách để không ngừng vươn lên cả về quy mô và chất lượng. Với uy tín khoa học của mình, Trường mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo danh tiếng trên thế giới: Đại học Tổng hợp Lomonosov, Novosibirk (Liên Xô), Humboldt (Đức), Lodz (Ba Lan), Amsterdam (Hà Lan), Paris Sud VII (Pháp),... Việc mở rộng hợp tác quốc tế đã cho phép Nhà trường có điều kiện trao đổi, hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các nước có trình độ khoa học tiên tiến, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, kỹ thuật của bạn bè quốc tế.

Đầu năm 1979, trước cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của đất nước, hơn 300 cán bộ, sinh viên Nhà trường lại tạm “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ; hơn 1.000 cán bộ, sinh viên tham gia xây dựng phòng tuyến Sông Cầu bảo vệ Thủ đô với phiên hiệu Trung đoàn 10 - Đoàn Nguyễn Huệ.

Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đứng trước thách thức vô cùng to lớn, đặc biệt là trong đời sống của cán bộ, sinh viên, nhưng thầy trò vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, học sinh khối THPT Chuyên Toán vẫn mang về những giải quốc gia, quốc tế cao nhất.

Có thể nói, trong 10 năm (từ 1975 đến 1985), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đứng trước những thử thách và khó khăn vô cùng to lớn. Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, sinh viên, Trường đã vượt qua được thời kỳ sóng gió nhất để tự khẳng định vai trò tiên phong, là “cánh chim đầu đàn” trong nền giáo dục đại học Việt Nam.

1.1.4 GIAI ĐOẠN 1985 - 1995: Đổi mới và phát triển

Tháng 12/1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra “Đường lối đổi mới” nhằm đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng. Đó là cơ sở để Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, tăng cường kinh phí xây dựng Nhà trường, giải quyết một phần khó khăn cho đời sống cán bộ.

Năm 1987, Nhà trường triển khai nhiều hoạt động thay đổi tích cực như: mở một số khoa, bộ môn và ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời kỳ đổi mới (ngành Tin học, khoa Pháp lý,…). Công tác nghiên cứu khoa học được chuyển hướng, trong đó, một số đề tài được định hướng để phục vụ ba chương trình kinh tế lớn của đất nước và các vấn đề kinh tế, xã hội của thủ đô Hà Nội - đặc biệt là các đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của khái niệm “đổi mới tư duy”.

Giai đoạn 1988 - 1992, Nhà trường chủ trương triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với tiềm năng khoa học cơ bản. Trường hình thành các chương trình nghiên cứu tổng hợp lớn như: Môi trường; điều tra tổng hợp các tỉnh ven biển miền Trung,... cùng với các đề tài khoa học hướng vào các vấn đề phục vụ yêu cầu dân sinh (chế tạo cảm biến, chế tạo nam châm đất hiếm, xây dựng quy trình sản xuất màng siêu lọc máu,...). Đặc biệt, Trường được Nhà nước giao nghiên cứu những đề tài có tính chiến lược như: “Tổng kết 30 năm hợp tác hóa nông nghiệp nước ta trong thời kỳ đổi mới”, “Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ”,...

Trong suốt chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh về cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất. Từ khi mới thành lập, Trường có 3 khoa. Đến cuối năm 1993, Trường đã có 15 khoa, 1 bộ môn trực thuộc, 3 khối trung học phổ thông chuyên, 7 phòng chức năng, 14 viện, trung tâm nghiên cứu và 11 đơn vị phục vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức của Trường có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao với 1.236 cán bộ, viên chức; trong đó có 791 cán bộ giảng dạy gồm: 35 tiến sĩ khoa học, 324 phó tiến sĩ, 38 giáo sư, 164 phó giáo sư, 188 giảng viên chính, 401 giảng viên; đội ngũ cán bộ nghiên cứu có 14 nghiên cứu viên chính, 107 nghiên cứu viên. Đây chính là lực lượng đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao của đất nước.

Đứng trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng trong mọi lĩnh vực, ngày 10/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 97/CP quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội - một đại học mang tầm quốc gia và vươn lên đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Sự ra đời của Đại học Quốc gia Hà Nội là sự tiếp nối quá trình phát triển của một số trường đại học lớn ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 9/1995, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được chia tách thành Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được trao trách nhiệm kế thừa truyền thống, kế thừa tư cách pháp nhân của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày 16/8/1995, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định bổ nhiệm GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Qua gần 40 năm tồn tại và phát triển, tên gọi “Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội” đã gắn bó với nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên, sinh viên Nhà trường và xã hội. Ngày nay, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn tồn tại trong tâm tưởng của nhiều cán bộ, cựu sinh viên và nhân dân như một “biểu tượng hoàng kim đầy vững chãi” của nền giáo dục đại học Việt Nam. Những năm tháng gian khổ nhưng đầy vẻ vang của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đọng lại trong miền hoài niệm đã chắp cánh để toàn thể cán bộ, sinh viên xây dựng một Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vươn lên tầm khu vực và quốc tế, góp phần đổi mới toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước trên tầm cao mới.

1.2.SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI (1995 - 2021)

1.2.1 GIAI ĐOẠN 1995 - 2005: Xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên theo định hướng nghiên cứu

Từ tháng 9 năm 1995, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chính thức đi vào hoạt động với tư cách là một trường đại học thành viên nòng cốt của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với phương châm duy trì sự ổn định để phát triển, Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên lần thứ nhất vào tháng 12/1995 đã xác định mục tiêu của giai đoạn 1996 - 2000 là “Xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành một trường khoa học cơ bản và công nghệ có tiềm lực mạnh. Giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, trở thành trường đầu đàn trong khối các trường khoa học cơ bản và côngnghệ trong cả nước; phục vụ thiết thực, hiệu quả công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô Hà Nội”.

Trong hơn hai năm hoàn thiện cơ cấu và phát triển trong hệ thống tổ chức mới, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tự khẳng định mình như là một thành viên chủ chốt của Đại học Quốc gia Hà Nội trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Thời điểm này, việc định hướng công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học được Nhà trường chú trọng. Các chương trình đào tạo công nghệ hóa học, công nghệ sinh học và sau này là công nghệ hạt nhân, công nghệ môi trường được triển khai thực hiện. Bên cạnh nghiên cứu cơ bản, các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao.

Từng bước hiện đại hóa thiết bị máy móc phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã xây dựng nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực như: hóa học dầu mỏ, hóa vật liệu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, phân tích môi trường... nên điều kiện nghiên cứu khoa học, chất lượng nghiên cứu và khả năng công bố kết quả trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín của Trường được tăng lên đáng kể. Số lượng đề tài nghiên cứu, số kinh phí thu được từ nghiên cứu khoa học, số công trình khoa học được công bố, số hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Trường đã được tăng rõ rệt hàng năm. Đây là tiền đề quan trọng cho những bứt phá về nghiên cứu khoa học ở giai đoạn tiếp theo.

Năm 1997, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là đơn vị đầu tiên của cả nước đề xuất và triển khai đề án đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng. Chất lượng đào tạo của chương trình này đã được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, ngang với các trường đại học tiên tiến của thế giới. Sự thành công của chương trình khẳng định: Tiên phong trong đào tạo chất lượng cao là truyền thống, là bản sắc văn hóa riêng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Với chất lượng đội ngũ cán bộ và truyền thống trên nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường phấn đấu xây dựng trở thành Trường Đại học nghiên cứu tiên tiến, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

1.2.2 GIAI ĐOẠN 2006 - 2016: Xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến

Đây là giai đoạn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tiếp tục khẳng định là trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo cán bộ khoa học cơ bản cho đất nước với chất lượng đội ngũ cán bộ của Nhà trường cao nhất cả nước (số giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 92%; số có chức danh giáo sư, phó giáo sư gần 40%).

Trong bối cảnh khó khăn trong tuyển sinh, với phương châm đào tạo trình độ cao và chất lượng cao, không chạy theo số lượng, Trường là đơn vị duy nhất trong cả nước thực hiện đào tạo sau đại học với tỷ lệ học viên sau đại học bằng 30% tổng số sinh viên đại học chính quy và phát triển theo hướng ngày càng phù hợp với tiêu chí của một đại học nghiên cứu.

Bên cạnh các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng đã được khẳng định chất lượng, để thực hiện đổi mới giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới hội nhập trình độ khu vực và quốc tế, Nhà trường triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đào tạo đặc biệt như: Đề án đào tạo chương trình tiên tiến ngành Hóa học với đối tác là Trường Đại học Illinois at Urbana and Champaign, ngành Toán học với đối tác là Trường Đại học Washington, Seattle, ngành Khoa học Môi trường với đối tác là Trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ). Các chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế được triển khai với đối tác đều là những trường đại học nổi tiếng có chất lượng cao của thế giới như: ngành Vật lý với đối tác là Đại học Brown; ngành Sinh học với đối tác là Đại học Tufts; ngành Địa chất với đối tác là Đại học Illinois at Urbana and Champaign (Hoa Kỳ); chuyên ngành Hóa hữu cơ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ với đối tác là Đại học Rennes I (Pháp).

Trong thời kỳ này, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong đào tạo của Trường được đẩy mạnh với nhiều dự án phối hợp đào tạo sau đại học như: đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hợp tác với Đại học Greifswald của Đức; chuyên ngành khoa học và công nghệ nano hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) của Nhật Bản; chuyên ngành khoa học và công nghệ môi trường với Viện GIST của Hàn Quốc; chuyên ngành quản lý chất thải và xử lý vùng ô nhiễm với Đại học Kỹ thuật Dresden của Đức; chuyên ngành Hóa vật liệu hữu cơ với Đại học Toulon (Pháp); chuyên ngành Công nghệ hạt nhân và Vật lý hạt với Đại học Bordeaux (Pháp); chuyên ngành Địa chính với Viện ITC của Hà Lan; đào tạo cử nhân ngành Hoá học với Đại học Toulon của Pháp, do phía Pháp cấp bằng,... Thông qua thực hiện các đề án này, Trường đã cử nhiều cán bộ đi trao đổi, thực tập chuyên môn ngắn hạn tại các trường đại học đối tác. Trình độ chuyên môn và tiếng Anh của cán bộ giảng dạy được tăng cường, giáo trình đào tạo được đổi mới. Sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, đạt trình độ quốc tế của Trường có trình độ chuyên môn cao, trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng khả năng làm việc và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn này, Trường đã kiểm định thành công 6 chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN (Asean University Network), trong đó có 2 chương trình đào tạo cử nhân ngành Hóa học và Địa chất đạt điểm cao nhất Việt Nam, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Năm 2010, trên cơ sở của các khối trung học phổ thông chuyên, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên được thành lập và tiếp tục duy trì là nơi phát hiện bồi dưỡng nhân tài về khoa học tự nhiên. Học sinh của Trường vẫn giữ được truyền thống về chất lượng đào tạo, thông qua kết quả thi tuyển sinh đại học và các kỳ thi Olympic quốc gia, quốc tế.

Phát huy thế mạnh của một trường khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước, công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được nâng cao cả về chất lượng khoa học và giá trị thực tiễn theo hướng tiếp cận trình độ quốc tế. Các hướng nghiên cứu tập trung vào 3 hướng chính: Nghiên cứu cơ bản cập nhật và từng bước hội nhập trình độ quốc tế, nghiên cứu công nghệ định hướng ứng dụng, nghiên cứu triển khai ứng dụng thực tiễn. Kết quả cho thấy Trường thuộc nhóm trường đại học cao nhất cả nước có số lượng bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín. Từ những công trình nghiên cứu khoa học đó, nhiều tập thể và cá nhân được nhận giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng Tạ Quang Bửu,... Nhiều cán bộ của Trường là chuyên gia tư vấn chính sách cho các bộ, ban, ngành, địa phương và Chính phủ về các lĩnh vực: phòng chống thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Chặng đường từ 1995 - 2016 đã đánh dấu nhiều bước thay đổi quan trọng về chất của Nhà trường (cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng nghiên cứu khoa học và tiên phong trong nâng cao chất lượng đào tạo). Kế thừa truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với những thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng đơn vị và phục vụ xã hội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý: “Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” (năm 2000), hai lần đón nhận “Huân chương Hồ Chí Minh” (năm 2001, 2016), “Huân chương Độc lập hạng Nhất” (năm 2011), Khối THPT Chuyên Toán - Tin là “Đơn vị Anh hùng Lao động” (năm 2005), Khoa Hóa học là “Đơn vị Anh hùng Lao động” (năm 2014)…

GIAI ĐOẠN 2016 - 2021: Tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế

Trong giai đoạn 2016 - 2021, đứng trước những thách thức đối với giáo dục đại học nói chung và đối với một trường đại học khoa học cơ bản nói riêng, Đảng ủy và Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ năm học trên cơ sở bám sát kế hoạch chiến lược phát triển Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và chiến lược phát triển được điều chỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Mục tiêu phấn đấu của lãnh đạo và tập thể cán bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là xây dựng Trường trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến có chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trên một số lĩnh vực ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực từng bước giải quyết các vấn đề, tạo ra những đổi mới và bước tiến trên mọi lĩnh vực. Có thể điểm những nét chính của sự phát triển Nhà trường trong giai đoạn 2016 - 2021 như sau:

a) Chuyển giao thế hệ và sự chuẩn bị sẵn sàng của đội ngũ cán bộ kế cận: Thế hệ cán bộ gắn liền với giai đoạn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và giai đoạn đầu xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã nghỉ công tác và dần được thay thế bởi thế hệ cán bộ trẻ hơn. Việc chuyển giao thế hệ được thể hiện cả trong đội ngũ quản lý và đội ngũ cán bộ khoa học. Rất nhiều cán bộ thế hệ 8x, tốt nghiệp đại học sau năm 2000 đã thực sự trưởng thành, có những công trình và giải thưởng khoa học có uy tín, đạt tiêu chuẩn chức danh, dần thay thế cho thế hệ các Giáo sư, Phó giáo sư lớn tuổi.

b) Sự điều chỉnh tích cực trong danh mục ngành và chương trình đào tạo: Nếu như những năm 2015, 2016 Nhà trường còn phần nào lúng túng trong công tác phát triển chương trình đào tạo do các đề án chương trình tiên tiến, quốc tế đã kết thúc và công tác tuyển sinh khi Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực thì đến những năm 2018 - 2020, Nhà trường đã chủ động chuyển đổi một số chương trình đào tạo có nhu cầu xã hội cao thành chương trình đào tạo Chất lượng cao theo Thông tư 23, bổ sung nguồn lực cho Nhà trường và các khoa. Đặc biệt, trong hai năm 2019-2020 Nhà trường đã xây dựng và triển khai tuyển sinh 07 chương trình đào tạo thí điểm mới, đều là các chương trình đào tạo mang tính liên ngành, gắn liền với CMCN 4.0, tận dụng thế mạnh khoa học cơ bản, nhưng quan trọng hơn là đã cải thiện rõ rệt kết quả công tác tuyển sinh cả về chất và lượng.

c) Sự chuyển biến mạnh mẽ trong số lượng công bố quốc tế và bằng sở hữu trí tuệ: Số lượng công bố trên các tạp chí ISI/SCOPUS của Nhà trường từ ngưỡng 300 bài năm 2016 đã đạt xấp xỉ và sau đó vượt ngưỡng 500 bài/năm vào năm 2020. Số lượng bằng độc quyền sở hữu trí tuệ cũng tăng mạnh. Đặc biệt, tỷ lệ bài báo trong nhóm tạp chí Q1, Q2 hay trong top 5% của lĩnh vực cũng tăng mạnh và phần lớn các tác giả là các nhà khoa học trẻ, tạo niềm tin về sự phát triển bền vững của Nhà trường trong KH&CN.

d) Hoàn thành xuất sắc kế hoạch kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA: Năm 2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là trường đại học đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện đánh giá ngoài và được công nhận Đạt theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA. Đến năm 2021, Nhà trường đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra với số CTĐT đã được kiểm định là 16/16 chương trình đào tạo cử nhân đủ điều kiện kiểm định.

e) Trường THPT chuyên KHTN sau giai đoạn ban đầu thành lập đã phát triển ổn định về mọi mặt. Thầy và trò Nhà trường tiếp tục gặt hái những thành tích rực rỡ trong các kì thi Olympic quốc tế, giữ vững vị thế số một trong các trường chuyên trong cả nước. Sự thành công của các cựu học sinh trong mọi lĩnh vực đã khẳng định sự đúng đắn của mô hình phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu.

 1.ĐÀO TẠO

Qui mô đào tạo đại học chính quy và THPT chuyên được duy trì khá ổn định trong giai đoạn 2016 - 2021. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính qui ổn định ở mức 1500-1600 sinh viên/năm, chỉ tiêu THPT chuyên 540 học sinh/năm. Trong các năm 2015, 2016 Nhà trường thực hiện phương thức tuyển sinh bằng hình thức thi Đánh giá năng lực theo chủ trương chung của Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2017 đến nay, Trường triển khai mở rộng nhiều phương thức xét tuyển, chủ yếu theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia với nguồn tuyển sinh rộng hơn, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhóm xét tuyển miền Bắc.

Trong 2 năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, Nhà trường đã xây dựng 5 đề án chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học. Đó là chương trình đào tạo các ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, Máy tính và Khoa học thông tin và Hóa Dược. Bên cạnh đó, Trường cùng các Khoa cũng chủ động xây dựng các đề án mở mới các chương trình đào tạo có nhu cầu xã hội cao và theo kịp các yêu cầu mới của nền công nghiệp 4.0 như Khoa học thông tin Địa không gian (2018), Tài nguyên và Môi trường Nước (2019) và 5 ngành thí điểm được phê duyệt, tuyển sinh từ năm 2020 là: Quản lý phát triển Đô thị và Bất động sản, Công nghệ quan trắc và giám sát Tài nguyên Môi trường, Khoa học và Công nghệ Thực phẩm, Khoa học Dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học.

Ở bậc sau đại học, chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học Dữ liệu là chương trình đào tạo liên ngành-liên lĩnh vực đã thu hút được số lượng học viên đáng kể ngay từ khóa đầu tiên đào tạo (2018). Đặc biệt, vừa qua chương trình nhận được tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBDI) thuộc chương trình Hợp tác đào tạo Thạc sĩ khoa học và công nghệ các ngành liên quan đến khoa học dữ liệu và học máy. Chương trình đào tạo bậc thạc sĩ chuyên ngành Vật liệu tiên tiến, thông minh và bền vững liên kết với Đại học Toulon, Cộng hòa Pháp đã duy trì từ nhiều năm nay. Năm 2018, Nhà trường đã điều chỉnh, cập nhật lại đề án theo qui định về liên kết đào tạo quốc tế và được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt. Năm 2019, Trường đã triển khai xây dựng đề án triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc thạc sĩ, chuyên ngành Công nghệ Bán dẫn giữa Đại học Quốc gia Giao thông Đài Loan và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do Đại học Quốc gia Giao thông Đài Loan cấp bằng. Đề án đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua và chương trình triển khai tuyển sinh từ năm 2020. Nội dung luận văn, luận án đều gắn liền với các dự án, đề tài khoa học. Nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh đã có bài báo trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI/SCOPUS trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Nhà trường luôn coi việc kết hợp đào tạo với nghiên cứu và NCKH sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hội nghị Khoa học Sinh viên Trường được tổ chức hàng năm đã thu hút sự tham gia của trên 500 sinh viên/năm với số lượng và chất lượng báo cáo khoa học tăng rõ rệt.

Công tác tư vấn hướng nghiệp việc làm cho sinh viên đã được Trường chủ động quan tâm hơn; triển khai qua nhiều hình thức khác nhau như gặp mặt nhà tuyển dụng, ngày hướng nghiệp của các đơn vị, chủ động tìm kiếm và cập nhật các thông tin tuyển dụng. Trong năm học 2018 - 2019, dưới sự hỗ trợ của Đề án đổi mới công tác hỗ trợ sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và các cựu sinh viên, Văn phòng hỗ trợ khởi nghiệp đã đi vào hoạt động và triển khai một số công việc tương đối hiệu quả trong công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp, liên kết với cựu sinh viên, tìm kiếm nguồn học bổng tài trợ, tổ chức cho sinh viên tham quan các cơ sở sản xuất, gặp mặt, giao lưu với cựu sinh viên là nhà tuyển dụng. Theo khuyến cáo của AUN-QA, từ năm 2018, Trường thực hiện khảo sát thông tin việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng. Hàng năm, Trường nhận được câu trả lời khảo sát của khoảng 85% cựu sinh viên; qua khảo sát cho thấy: tỷ lệ sinh viên có việc làm 01 năm sau tốt nghiệp đạt 85 - 90%, trong đó tỷ lệ việc làm ở khối doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, và liên doanh ngày càng cao, hiện chiếm khoảng 70%.

2.NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Trong giai đoạn 2016 - 2021, Nhà trường luôn đặt trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động KH&CN, coi đây là thế mạnh truyền thống của Nhà trường. Đảng bộ đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đến năm 2020, căn cứ vào đó để triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN của Trường theo hướng gia tăng quy mô và nâng cao chất lượng nghiên cứu, tiếp cận trình độ quốc tế.

Số lượng các đề tài cấp Nhà nước và đề tài Quỹ NAFOSTED ngày càng cao đã thể hiện thế mạnh của Trường trong hoạt động nghiên cứu cơ bản và năng lực tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng kinh phí của các đề tài, dự án là 527 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.

Đối với dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ, trong giai đoạn 2016 - 2021, Trường đã ký kết 323 hợp đồng thực hiện dịch vụ khoa học và 05 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí 133,4 tỷ đồng. Nhà trường đã chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ: tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển sản phẩm ứng dụng, tăng cường hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả tham gia và giới thiệu các sản phẩm KH&CN tại các sự kiện trình diễn, giới thiệu công nghệ như TechMart, TechDemo,…

Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đề xuất và xây dựng các dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ cho NCKH. Trên cơ sở các trang thiết bị được đầu tư, Trường đã thành lập mới được 05 phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhờ những giải pháp đồng bộ mà Trường đã triển khai, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các nhà khoa học, sự hỗ trợ của Bộ KH&CN và ĐHQGHN, số lượng công bố khoa học quốc tế trên các tạp chí ISI/SCOPUS của Trường đã tăng mạnh trong 05 năm vừa qua, từ 250 bài năm 2015, đạt mốc trên 300 bài vào năm 2016 và lên tới 516 bài trong năm 2020, đóng góp khoảng 60% số lượng công bố quốc tế của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội. Một điểm sáng nổi bật nữa trong giai đoạn 2016 - 2021 là số lượng đăng ký SHTT của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tăng lên nhiều lần.

Trường đã ban hành Hướng dẫn xét chọn và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tổ chức đăng ký xét chọn hàng năm và đến nay đã có 10 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường đã bố trí nguồn lực, mặc dù còn khá khiêm tốn, để hỗ trợ và động viên các nhóm nghiên cứu mạnh. Năm 2021, Nhà trường đã công nhận thêm 02 nhóm nghiên cứu mạnh.

Các nhà khoa học của Trường đã được nhận nhiều giải thưởng danh giá về KH&CN từ năm 2016 đến nay, tiêu biểu là: Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho nhóm nghiên cứu của GS.TSKH. Thân Đức Hiền; 02 Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh, TS. Đỗ Quốc Tuấn (Giải cho nhà khoa học trẻ); Giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể cán bộ nữ Bộ môn Công nghệ Môi trường; 02 giải thưởng của Viện Toán học cho PGS.TS. Ngô Quốc Anh và PGS.TS. Lê Quý Thường; 03 giải thưởng Đại học Quốc gia Hà Nội về khoa học và công nghệ cho các công trình của GS.TS. Phạm Hùng Việt và các đồng tác giả, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa và các đồng tác giả, PGS.TS. Lê Quý Thường.

3.CÔNG TÁC TỔ CHỨC, XÂY DỰNG ĐỘI  NGŨ

Trong giai đoạn 2017 - 2021, Trường đã triển khai thực hiện đề án “Điều chỉnh, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên” nhằm hướng tới hiệu quả hoạt động tốt nhất, đáp ứng những điều chỉnh trong đào tạo và nghiên cứu, và đã có những kết quả cụ thể: thành lập 14 đơn vị mới trực thuộc cấp Khoa và tương đương, thành lập 02 phòng chức năng trực thuộc Trường trên cơ sở sáp nhập các bộ phận của 02 phòng chức năng cũ, sáp nhập 02 phòng/ban chức năng trực thuộc Trường, giải thể 03 trung tâm nghiên cứu trực thuộc Trường, điều chuyển 02 trung tâm dịch vụ KH&CN về trực thuộc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên.

Từ năm 2016, Trường tiếp tục chính sách ký hợp đồng tạo nguồn cán bộ với những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và giỏi, đặc biệt là từ các chương trình Cử nhân Khoa học Tài năng, Chất lượng cao, Quốc tế, Tiên tiến, tạo điều kiện để cán bộ trẻ đi học sau đại học và thực tập sau tiến sĩ tại nước ngoài. Bên cạnh đó Trường thu hút và khuyến khích những nhà khoa học trẻ tài năng về công tác tại Trường. Trong thời gian này, Trường đã tuyển mới, tiếp nhận 57 tiến sĩ ngạch giảng viên, 06 tiến sĩ ngạch nghiên cứu viên. Từ năm 2016 đến nay, Trường đã cử đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài 45 tiến sĩ, 19 thạc sĩ. Mỗi năm trung bình 300 lượt cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy được chuyên môn bằng tiếng Anh của Trường hiện nay khoảng 55%.

Nhà trường cũng quan tâm phát triển đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư, tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ trẻ sớm đạt tiêu chuẩn chức danh. Trong 5 năm từ 2016 - 2021, Trường đã có 56 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư và 04 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh Giáo sư. Mặc dù, thời gian qua nhiều Giáo sư, Phó giáo sư đã nghỉ hưu, tỷ lệ Giáo sư, Phó giáo sư trên tổng số giảng viên cơ hữu của Trường đạt 45%, dẫn đầu các trường đại học trong cả nước.

4.KIỂM ĐỊNH VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

Nhà trường luôn xác định yếu tố “chất lượng” luôn là mục tiêu và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL), kiểm định chất lượng (KĐCL) và xếp hạng đại học được lãnh đạo các cấp của Nhà trường đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đăng ký KĐCL giáo dục và được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp cơ sở đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) vào năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, Trường đã có 13 ngành đào tạo đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) và 03 ngành đã thực hiện đánh giá, đang đợi kết quả.

Theo bảng xếp hạng Nature Index, trong những năm gần đây, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đều đứng trong top 5 các tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, góp phần quan trọng vào thứ hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội trong các bảng xếp hạng đại học thế giới như QS, THE,... Theo bảng xếp hạng QS năm 2021, lĩnh vực Toán học được xếp hạng với vị trí trong nhóm 401 - 450 thế giới, số 1 ở Việt Nam; lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học được xếp trong nhóm 501 - 550 thế giới, số 1 ở Việt Nam. Theo bảng xếp hạng THE WUR by Subject 2022, ĐHQGHN đứng trong nhóm 601- 800 lĩnh vực Khoa học tự nhiên.

NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT

1. DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC VÀ DANH HIỆU THI ĐUA

- Anh hùng Lao động cho Trường THPT Chuyên KHTN, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (2020)

- Cờ thi đua Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2014 - 2015

- Anh hùng Lao động cho Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (2014)

- Cờ thi đua của Chính phủ vì có thành tích xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2012 - 2013

- Anh hùng Lao động cho Khối THPT Chuyên Toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (2005)

- Cờ thi đua Chính phủ vì đạt thành tích xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo năm học 2003 - 2004

- Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (2000)

2. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

- Huân chương Lao Động HẠNG BA  (lần 2) năm 2021

- HUÂN CHƯƠNG HỒ CHÍ MINH  (lần 2) năm 2016

- HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHẤT năm 2011

- HUÂN CHƯƠNG HỒ CHÍ MINH năm 2001

- HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHÌ năm 1995

- HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG BA năm 1986

- HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHẤT năm 1981

 - HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHÌ năm 1977

- HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA năm 1961.

 

Giới thiệu
  • Website cựu sinh viên