Giới thiệu chung

     

     Khoa Địa chất được thành lập từ năm 1966, là một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học có uy tín trong nước. Nhiều cán bộ, sinh viên đã học tập, công tác tại Khoa hiện là các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, khoa học công nghệ và ứng dụng trong các lĩnh vực quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu khí, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tai biến thiên nhiên,…

     Khoa Địa chất hiện có 40 cán bộ viên chức, trong đó có 33 cán bộ giảng viên, 7 cán bộ nghiên cứu và chuyên viên. Đội ngũ cán bộ có trình độ cao (02 giáo sư, 10 phó giáo sư, 18 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 08 thạc sĩ). Cán bộ giảng dạy của Khoa luôn gắn kết chặt chẽ công tác giảng dạy với yêu cầu thực tế của xã hội, kết hợp với các nhà quản lý, nhà khoa học có uy tín trong các lĩnh vực dầu khí, môi trường, xây dựng, khai thác khoáng sản và quản lý tài nguyên, góp phần nâng cao tính cập nhật, khả năng thích ứng với công việc thực tế của người học. Mối liên kết đào tạo này đồng thời cũng là cầu nối quan trọng giúp sinh viên hiểu và tìm được công việc thích hợp sau khi tốt nghiệp. Trong những năm qua, nhiều sinh viên của Khoa đã được trao học bổng và nhận vào công tác tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và Viện nghiên cứu lớn trên cả nước.

     Thông qua các dự án đầu tư chiều sâu với nguồn kinh phí lớn, Khoa đã và đang có một hệ thống phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại phục vụ tốt cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đáp ứng tốt các yêu cầu đa dạng của thực tiễn. Khoa là đơn vị mạnh trong việc xây dựng và triển khai các đề tài, dự án, hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ lớn trong nước và hợp tác Quốc tế, tạo điều kiện rất thuận lợi cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập chuyên môn và khóa luận tốt nghiệp. Các sinh viên có kết quả học tập tốt có nhiều cơ hội tiếp tục theo học thạc sĩ và tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở các Trường là đối tác truyền thống của Khoa tại Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

     Hiện nay, Khoa đang đào tạo gần 200 sinh viên thuộc ba ngành: Địa chất, Kỹ thuật Địa chất, Quản lý tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó bắt đầu từ năm 2020, Khoa sẽ bắt đầu chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ Quan trắc và Giám sát Tài nguyên Môi trường thay thế cho ngành Kỹ thuật Địa chất.
"Học tập chủ động, học đi đôi với hành"
1. Ngành Địa chất học

     Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản ngành Địa chất, kiến thức chuyên sâu và cập nhật những tiến bộ khoa học Địa chất thế giới và Địa chất Việt Nam. Rèn luyện cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập, kỹ năng tổ chức hợp tác thực hiện nhiệm vụ và khả năng trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ.

     Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên được đào tạo theo chương trình Quốc tế của Trường Đại học Illinois (Mỹ) bằng tiếng Anh nên sau khi tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) giỏi, đủ năng lực làm việc ở trong các viện, cơ quan nghiên cứu về lĩnh vực Khoa học Trái Đất, Dầu khí, cơ quan quản lý nhà nước, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp thi công xây dựng cơ sở hạ tầng, các công ty thăm dò, khai thác khoáng sản ở trong và ngoài nước. Tham gia thực hiện các dự án điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, các dự án và đề tài quản lý, đánh giá tác động môi trường, phát triển bền vững lãnh thổ và lãnh hải phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị của Nhà nước và doanh nghiệp, hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước.

     Các hướng đào tạo đang tập trung: Nghiên cứu phân tích các cấu trúc địa chất và các quá trình địa chất phục vụ tìm kiếm khai thác dầu khí, xây dựng các cầu cảng, các công trình thuỷ điện, đường giao thông, quy hoạch lãnh thổ; công nghệ khai thác tài nguyên, kiểm định, gia công chế tác các loại ngọc và đá quý; kiến thức hiện đại về hệ thống thông tin địa lý và viễn thám, phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

2. Ngành Kỹ thuật địa chất

     Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên kiến thức và thực nghiệm chuyên sâu, liên ngành về địa kỹ thuật – địa môi trường – quản lý tài nguyên – ứng phó biến đổi khí hậu – phát triển bền vững phục vụ nghiên cứu, điều tra khảo sát, thiết kế cải tạo đất đá, xử lý nền móng cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; quản lý và giảm nhẹ thiên tai; ứng phó biến đổi khí hậu; địa sinh thái và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; địa môi trường và phát triển bền vững.

     Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại các viện, các trung tâm, các tổng công ty về xây dựng, giao thông, thủy lợi, các sở giao thông, khoa học – công nghệ, tài nguyên – môi trường của các tỉnh và thành phố, tham gia thực hiện các dự án về địa chất công trình và địa chất thủy văn, đánh giá tác động môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững lãnh thổ và lãnh hải. Giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

     Các hướng đang tập trung đào tạo, nghiên cứu: cấu trúc nền móng công trình, giải pháp xử lý các nền đất yếu, khắc phục sự cố công trình (cầu, cảng, đập thuỷ điện, móng nhà cao tầng); ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí và công nghệ xử lý; các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu các tai biến như động đất, núi lửa, lũ lụt, trượt lở, nứt đất, sóng thần; vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường phục vụ cho quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý phát triển bền vững hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuât – kinh tế – xã hội, đô thị, nông thôn, các vùng lãnh thổ và bảo vệ môi trường địa chất.

3. Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường

    Nước ta là một quốc gia giàu có về tài nguyên (tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên địa chất,…) nhưng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao về quản lý tài nguyên thiên nhiên còn rất hạn chế và chưa được đào tạo theo một hệ thống. Trước đòi hỏi của đất nước và xu thế hội nhập khu vực và Quốc tế, Khoa Địa chất được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Quản lý tài nguyên và Môi trường từ năm 2008. Chương trình đào tạo được liên kết với Trường Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội cho phép sinh viên có nhu cầu học bổ sung các kiến thức cần thiết để cấp hai bằng “Quản lý Tài nguyên và môi trường” và ”Kinh tế phát triển”.

      Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên kiến thức khoa học và thực nghiệm về quản lý tài nguyên và môi trường; Kinh nghiệm làm việc thực tế trong nghiên cứu, điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên môi trường; Năng lực tư duy sáng tạo, có khả năng làm việc và nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực có liên quan.

     Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý kinh tế và khoa học cấp Trung ương đến các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên: Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, thành phố, phòng Tài nguyên và môi trường cấp huyện, thị trong cả nước, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước Các hướng đang tập trung đào tạo, nghiên cứu: các khoa học Trái Đất, tài nguyên thiên nhiên, khoa học quản lý.

     Các hướng đang tập trung đào tạo, nghiên cứu: 1/ Quản lý tài nguyên, môi trường đất và nước: cung cấp kiến thức, phương pháp nghiên cứu, các công cụ quản lý tài nguyên đất và nước, ô nhiễm và xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường đất và nước. 2/ Quản lý tài nguyên và môi trường biển: cung cấp kiến thức và phương pháp nghiên cứu đánh giá, khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên biển, ô nhiễm và xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường biển, các công cụ quản lý tài nguyên và môi trường biển. 3/ Quản lý tài nguyên địa chất: cung cấp kiến thức và phương pháp nghiên cứu đánh giá, khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên địa chất, bảo tồn các di sản địa chất phục vụ phát triển du lịch và khai thác khoáng sản bền vững.

4. Công nghệ Quan trắc và Giám sát Tài nguyên Môi trường

     Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường - Ngành học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tài nguyên - môi trường tại Việt Nam.

     Trong nhiều năm qua, công tác quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước,… Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, lĩnh vực quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường cần phát triển và ứng dụng các công nghệ hiện đại như: mạng lưới quan trắc tự động, quan trắc theo thời gian thực, công nghệ địa không gian (GIS, RS, GPS, UAV,...), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data),… để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và liên tục về hiện trạng tài nguyên và môi trường phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường. Do vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường trong tương lai là rất lớn để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, các cơ sở nghiên cứu và trường đại học.

     Đứng trước nhu cầu chiến lược đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Hà Nội đã chính thức được phép đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ Quan trắc và Giám sát Tài nguyên Môi trường - cơ sở đào tạo sớm nhất và uy tín nhất trong lĩnh vực Khoa học Trái đất nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý tài nguyên, môi trường các cấp từ bộ, ngành, sở, phòng; trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.

     Chương trình đào tạo Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của một số trường đại học tiên tiến trên thế giới như: ĐH Cardiff, Vương Quốc Anh, ĐH Bang Colorado, Hoa Kỳ, ĐH Gdansk, Ba Lan, Viện Công nghệ Cork, Ireland. Bên cạnh đó, Chương trình đào tạo còn tham khảo các chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ liên quan đến công nghệ quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường tại các trường đại học ở Việt Nam.

     Mục tiêu chung của chương trình đào tạo cử nhân ngành công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường là cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản và hiện đại về (i) tài nguyên và môi trường, (ii) công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường, xử lý thông tin phục vụ quản lý sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường và (iii) đào tạo sinh viên có năng lực tổ chức lãnh đạo, hội nhập, học tập suốt đời và trách nhiệm xã hội đối với công tác phát triển khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức về lĩnh vực chuyên môn được đào tạo.

     Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Quan trắc và Giám sát Tài nguyên môi trường có cơ hội việc làm như sau:
• Cán bộ làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, các công ty tư vấn môi trường, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ,... 
• Cán bộ làm việc trong các doanh nghiệp tư vấn phát triển công nghệ quan trắc môi trường, công nghệ giám sát tài nguyên và thiên tai.
• Cán bộ làm việc tại các trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường của các Bộ/ngành liên quan tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn,...
• Cán bộ các tổ chức phi chính phủ liên quan đến tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu.

• Các cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học trong nước.

     Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp đại học, cử nhân ngành Công nghệ Quan trắc và giám sát Tài nguyên môi trường có thể tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực về giám sát tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường, tác động của tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

     Các cử nhân có cơ hội lớn để tiếp tục học các bậc học Thạc sĩ và Tiến sĩ về các chuyên ngành liên quan của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc các ngành học tương tự tại các trường đại học khác trong nước và quốc tế.
     Các hướng tập trung đào tạo nghiên cứu:
+ Phát triển và ứng dụng công nghệ quan trắc và giám sát biến đổi môi trường: phát hiện sớm các sự cố môi trường; phân tích dữ liệu và mô hình hóa lan truyền ô nhiễm; giám sát tự động; thành lập bộ bản đồ giám sát thời gian thực các hợp phần môi trường tự nhiên phục vụ truy xuất nguồn ô nhiễm; lập kế hoạch ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm, phát triển công nghệ địa môi trường để giảm thiểu ô nhiễm,..
+ Phát triển và ứng dụng công nghệ giám sát biến động tài nguyên thiên nhiên: phân tích xu hướng và nguyên nhân gây suy thoái tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, các hệ sinh thái; đề xuất phương án khai thác, phân phối và phát triển tối ưu tài nguyên thiên nhiên; giám sát các hoạt động/ quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên tại các vùng khai thác mỏ,...
+ Phát triển và ứng dụng công nghệ giám sát diễn biến và tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu: theo dõi diễn biến của thiên tại; dự báo không gian và thời gian tác động của tai biến; giám sát tác động của biến đổi khí hậu,...

  • Website cựu sinh viên