Bộ môn Vật lý Chất rắn

BỘ MÔN VẬT LÝ CHẤT RẮN (1961-2014)

 Giới thiệu chung

Các Cán bộ đã tham gia lãnh đạo bộ môn từ khi mới thành lập đến nay:

  • Từ năm 1961 đến năm 1988

Chủ nhiệm Bộ môn: GS. Đàm Trung Đồn

Phó chủ nhiệm bộ môn: GS.TSKH Nguyễn Châu, TS. Phan Liêm

  • Từ năm 1988 đến năm 1991:

Chủ nhiệm Bộ môn: GS. Đàm Trung Đồn

Phó chủ nhiệm bộ môn: PGS.TS Tạ Đình Cảnh, TS. Đỗ Xuân Thành

  • Từ năm 1991 đến năm 1998:

Chủ nhiệm Bộ môn: PGS. TS. Bạch Thành Công

Phó chủ nhiệm bộ môn: PGS.TS Tạ Đình Cảnh, TS. Đỗ Xuân Thành

  • Từ năm 1999 đến năm 2009:

Chủ nhiệm Bộ môn: PGS.TS. Tạ Đình Cảnh

Phó chủ nhiệm bộ môn: PGS.TS Đặng Lê Minh

  • Từ năm 2009 đến nay:

Trưởng Bộ môn: TS. Phạm Nguyên Hải

Phó trưởng bộ môn: TS. Nguyễn Ngọc Đỉnh

Từ năm 1961 đến nay:

Bộ môn Vật lý Chất rắn (VLCR) được thành lập năm 1961 theo quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp nay là Đại học khoa học Tự nhiên. Với đội ngũ cán bộ còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết, Bộ môn Vật lý chất rắn đã khắc phục được những khó khăn ban đầu và có nhiều thành tích nổi bật ngay sau khi được thành lập. Với hoàn cảnh ra đời là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, Bộ môn Vật lý Chất rắn đã góp phần công sức của mình vào nghiên cứu và chế tạo các khí tài quân sự phục vụ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Những nghiên cứu của Nhóm Bán dẫn và Nhóm Từ, bộ môn Vật lý Chất rắn phục vụ quốc phòng, chống B52, rà phá bom mìn được nhà nước đánh giá cao. Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba cho tập thể Bộ môn Vật lý chất rắn và 1 huân chương chiến công cho cá nhân (GS Đàm Trung Đồn) năm 1973. Sau chiến tranh, trong tinh thần nô nức thi đua xây dựng Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa, Bộ môn Vật lý Chất rắn với những phong trào thi đua sôi nổi đã vinh dự là một trong số ít các đơn vị được công nhận là tổ lao động Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên của cả nước. Tiếp theo đó là các huân chương lao động hạng 3 (1987) và Huân chương Lao động hạng 2 (2001), giải thưởng VIFOTEX (1997) đã phần nào chứng minh cho sự phấn đấu liên tục để luôn là lá cờ đầu trong nghiên cứu khoa học của Khoa Vật lý.

Đối với sự nghiệp giáo dục, trong những năm qua đã có 18 cán bộ công nhân viên của bộ môn được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ. Đặc biệt không thể không nhắc tới các thành tích cá nhân xuất sắc của các cán bộ của bộ môn như: Giáo sư, Nhà giáo Nhân Dân Nguyễn Châu đã được tặng huân chương lao động hạng 1, hạng 2, hạng 3; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đàm Trung Đồn được tặng huân chương lao động hạng 2, hạng 3; Giáo sư, nhà giáo ưu tú Nguyễn An đã được tín nhiệm bầu làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp nhiệm kỳ 1988 – 1992; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ của PGS. Bạch Thành Công và PGS. Tạ Đình Cảnh; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005) với đề tài: “Một số thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu vật liệu từ tính: Ferit, perovskite, vật liệu từ vô định hình và vật liệu từ có cấu trúc nano của tập thể tác giả: GS.TSKH. Nguyễn Châu, PGS.TS. Bạch Thành Công; PGS.TS. Đặng Lê Minh.

Qua hơn 50 năm hoạt động, bộ môn Vật lý Chất rắn đã đào tạo được hơn 1000 cử nhân trong đó có  14  của nhân khoa học tài năng, hơn 160 thạc sỹ, 38 tiến sỹ và đang hướng dẫn  12  nghiên cứu sinh hệ chính quy. Các cán bộ do Bộ môn VLCR đào tạo đã phát huy tốt năng lực chuyên môn, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước, nhiều cán bộ thành đạt đã trở thành cán bộ chuyên môn chủ chốt ở các trường Đại học, các Viện khoa học, các cơ sở sản xuất. Hàng chục sinh viên được chuyển tiếp đào tạo Thạc Sỹ, Tiến sỹ, sau Tiến sỹ tại các nước Mỹ, Nhật, vương quốc Anh, Hàn Quốc, Đài Loan… Trong công tác đào tạo, Bộ môn VLCR luôn tìm cách cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng. Bộ môn VLCR đã mềm hóa trong cách thức đào tạo, mở thêm ngành Khoa học Vật liệu để tăng thêm lượng sinh viên vào học chuyên ngành VLCR và tối ưu hóa quy trình đào tạo, ngoài các môn bắt buộc còn có nhiều môn tự chọn, để sinh viên lựa chọn phù hợp với yêu cầu công tác sau này.

Trong nhiên cứu khoa học, các cán bộ Bộ môn VLCR đã công bố hơn 460 bài báo khoa học chuyên ngành trong đó có 232 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí và hội nghị quốc tế. Đã có hơn 30 đề tài Cấp nhà nước, 15 đề tài cấp bộ, 14 đề tài cấp trường được tập thể cán bộ Bộ môn thực hiện thành công.

Ngoài ra, bộ môn VLCR còn tham gia cộng tác với các đơn vị bên ngoài thực hiện 41 hợp đồng kinh tế sản xuất và chế tạo các sensor, thiết bị đo trong công nghệ vật liệu…

Bộ môn đã động viên các cán bộ trẻ phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt. Nhiều cán bộ đã đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều cán bộ của bộ môn được đào tạo từ 6 đến 36 tháng ở Nhật, Thụy Điển…, nhiều cán bộ đã bảo vệ Luận án Tiến sĩ ở nước ngoài. Nhiều Cán bộ tự nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, có đủ năng lực để hợp tác về khoa học với nước ngoài. Tính từ năm 2000 đến nay đã có hàng chục lượt người đi trao đổi, hợp tác khoa học với các trường việc ở Mỹ, Anh, Nhật, Pháp….

Ngành Vật lý là ngành về khoa học thực nghiệm, do đó Bộ môn rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất để duy trì và nâng cao chất lượng trong nghiên cứu và đào tạo.

Bộ môn Chất rắn có sáng kiến xây dựng Trung tâm Khoa học vật liệu, thuộc Khoa Vật lý. Đây là trung tâm mạnh về chuyên môn do OPEC tài trợ, các cán bộ quản lý trung tâm và cán bộ kiêm nhiệm phụ trách các thiết bị chính, đắt tiền đều là cán bộ của bộ môn VLCR. Chính nhờ các thiết bị mới đáng tin cậy này mà chất lượng và số lượng các bài báo của bộ môn VLCR được nâng cao rất nhiều, được đăng tải trên nhiều Tạp chí và Hội nghị khoa học Quốc tế (nhất là chuyên ngành Từ học).

Hiện nay Bộ môn được trang bị thêm thiết bị mới từ chương trình của Ngân Hàng thế gới (Thiết bị đo Hall bằng phương pháp van der Pauw của hãng Lake Shore, trị giá trên 3 tỷ đồng), tăng cường khả năng đo các tính chất điện của vật liệu, mở ra khả năng mới cho bộ môn tiếp tục phát triển.

Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí do nhà trường phân phối, cũng như nguồn kinh phí của các Đề tài cấp nhà nước, Bộ môn đã duy trì được sự hoạt động bình thường của các phòng thí nghiệm, phục vụ tốt công tác nghiên cứu và đào tạo sau đại học cũng như việc học tập của sinh viên. Ngoài ra Bộ môn cũng sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí khác để nâng cấp phòng thí nghiệm khang trang và sạch đẹp hơn.

Bộ môn cùng Tổ công đoàn luôn luôn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên thông qua các đợt sinh hoạt tập thể và làm tốt việc hiếu hỉ.

Bộ môn động viên và tạo điều kiện để cán bộ tăng thêm thu nhập chính đáng thông qua giảng dạy và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp, thông qua lao động chất xám để có thêm thu nhập. Đến nay hầu hết các cán bộ trong bộ môn đều là chủ trì đề tài khoa học các cấp.

Quá trình khen thưởng

  • 18 cán bộ, công nhân viên của Bộ môn VLCR được tặng huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ.

  • Bộ môn VLCR đã được công nhận trên 25 năm là Tổ Lao động XHCN

  • Bộ môn VLCR đã được tặng:

    • Huân chương kháng chiến hạng 3 (năm 1973)

    • Huân chương lao động hạng 3 (năm 1987)

    • Huân chương lao động hạng 2 (năm 2001)

  • Các cán bộ Bộ môn:

    • GS.TSKH Nguyễn Châu được tặng huân chương lao động hạng I, hạng 2, và hạng 3. GS Đàm Trung đồn được tặng huân chương lao động hạng 2, hạng 3.

    • PGS.TS. Bạch Thành Công, PGS.TS Tạ Đình Cảnh được tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ.

  • Các nhà giáo được tặng danh hiệu:

    • Nhà giáo nhân dân: GS.TSKH Nguyễn Châu, GS. Đàm Trung Đồn

    • Nhà giáo ưu tú: , PGS.TSKH Nguyễn An, PGS.TS. Tạ Đình Cảnh, PGS.TS. Đặng Lê Minh.

  • Huy chương Vàng hội chợ triển lãm Khoa học kỹ thuật: Máy đo từ trường, tác giả: Phạm Văn Nho.

  • Giải thưởng VIFOTEC dành cho các công nghệ ưu tiên năm 1997 (giải khuyến khích) với đề tài: “ Chế tạo và ứng dụng máy đo nhiệt độ hiện số để đo từ xa nhiệt độ của môi trường” Tập thể tác giả: PGS.TSKH Nguyễn An, TS. Đỗ Xuân Thành, PGS.TS. Lê Văn Vũ, PGS.TS. Tạ Đình Cảnh.

  • Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005) với đề tài: “Một số thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu vật liệu từ tính: Ferit, perovskite, vật liệu từ vô định hình và vật liệu từ có cấu trúc nano” Tập thể tác giả: GS.TSKH. Nguyễn Châu, PGS.TS. Bạch Thành Công, PGS.TS. Đặng Lệ Minh.

Navigation - ShowPageSub

Khoa Vật lý
  • Website cựu sinh viên