Những thành tựu chính

Được thành lập từ năm 1956, Khoa Vật lí trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Tổng hợp cũ), ĐHQG Hà Nội là đơn vị có truyền thống, một trung tâm đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đào tạo các chuyên gia Vật lí và nghiên cứu Vật lí của nước ta.

  1. ĐÀO TẠO

Đào tạo đại học

Khoa Vật lí đào tạo 03 ngành ở bậc đại học với 06 chương trình đào tạo sau:

  • Chương trình đào tạo chuẩn ngành Vật lí

  • Chương trình đào tạo đạt chuẩn Quốc tế ngành Vật lí

  • Chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng

  • Chương trình đào tạo Ngành Khoa học Vật liệu

  • Chương trình đào tạo Ngành Công nghệ Hạt nhân

  • Chương trình đào tạo Công nghệ Hạt nhân định hướng ứng dụng bức xạ hạt nhân.

Bên cạnh 06 chương trình trên, Khoa Vật lí vẫn tiếp tục phối hợp với trường ĐHGD tham gia đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Vật lí.

Riêng ngành Vật lí gồm 03 chương trình đào tạo với số chuyên ngành bao trùm được hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu Vật lí (Vật lí Lý thuyết, Vật lí Chất rắn, Vật lí Quang lượng tử, Vật lí Hạt nhân, Vật lí Vô tuyến, Vật lí Địa cầu, Vật lí Nhiệt độ thấp, Vật lí Đại cương, Tin Vật lí, Vật lí Năng lượng cao và Vũ trụ học, Khoa học Vật liệu, Tính toán trong Khoa học Vật liệu). Khoa Vật lí có thể xem là một trong những cơ sở đào tạo về Vật lí có số lượng các chuyên ngành đầy đủ nhất trong các cơ sở đào tạo về Vật lí trong cả nước.

Điểm nổi bật thứ hai, từ năm 1998, Khoa Vật lí là cơ sở đầu tiên trên toàn quốc thực hiện chương trình đào tạo Cử nhân khoa học tài năng ngành Vật lí. Cho đến nay, mô hình đào tạo này đã chứng minh được sự thành công, đóng góp phần rất lớn trong việc đào tạo ra các nhà khoa học, giảng viên đại học có trình độ cho khắp nơi trong và ngoài nước. Hiện nay, mô hình đào tạo này đã được cùng thực hiện ở nhiều trường đại học khác trên cả nước.

Trong nhiều năm gần đây, Khoa Vật lí luôn đóng góp những thành tích rất lớn trong các kỳ thi Olympic Vật lí sinh viên toàn quốc. Riêng trong hai năm gần đây, năm 2013, năm 2014 đội tuyển của Khoa Vật lí lại đều đạt giải đặc biệt. Năm 2014, tất cả các thành viên trực tiếp tham gia dự thi đều được nhận được giải nhất cho các nội dung thi, cụ thể như sau:

+ Giải nhất giải bài tập (01 bằng khen của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT):

+ Giải nhì bài tập (01 Hội Vật lí trao tặng)

+ Giải nhất thi thực hành (02 bằng khen của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT):

+ Giải nhất thi trắc nghiệm (03 bằng khen của Hội Vật lí Việt Nam):

+ Giải đặc biệt toàn đoàn của Bộ Giáo dục Đào tạo

+ Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Trường có thành tích xuất sắc nhất cuộc thi.

Đào tạo sau đại học:

Khoa Vật lí là một trong các đơn vị có số lượng chuyên ngành đào tạo đầy đủ nhất trên cả nước, không chỉ ở bậc đại học, mà rất quan trọng là sự liên thông trực tiếp lên cả hai bậc đào tạo sau đại học là thạc sỹ và tiến sỹ. Hiện tại, Khoa Vật lí có tất cả 14 chuyên ngành đào tạo sau đại học, 7 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và 7 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ. Trong số 7 chuyên ngành sau đại học đang được đào tạo tại Khoa, 2 chuyên ngành mạnh của Khoa (Vật lí lý thuyết, Vật lí Chất rắn) đã đăng ký thực hiện đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ đạt trình độ Quốc tế tại Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Khoa Vật lí cũng đang tham gia Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020 (Đề án 911) ở 5 chuyên ngành:Vật lí Lý thuyết, Vật lí Hạt nhân, Vật lí Chất rắn, Vật lí Nhiệt độ thấp, Quang học. Hàng năm đều có 3 đến 5 thí sinh thi tuyển vào chương trình đào tạo Tiến sĩ tại Khoa theo Đề án 911 (đào tạo giảng viên cho chính Khoa Vật lí và các trường Đại học khác).

Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2014), Khoa Vật lí hiện đang đào tạo khoảng 300 học viên cao học và 65 - 70 nghiên cứu sinh trong tất cả các chuyên ngành trên.

Từ năm 2007 Khoa Vật lí đã mở hệ đào tạo quốc tế tiếng Pháp thạc sỹ hạt nhân ứng dụng do ĐHTH Bordeaux (Pháp) cấp bằng. Mỗi khóa tuyển từ 10-15 học viên hiện nay đang đào tạo Khóa thứ 3 và đã có 3 học viên nước ngoài bảo vệ thành công luận án thạc sỹ theo chương trình này. Khoa đã đào tạo được 2 Tiến sĩ và 4 thạc sỹ quốc tế.

Cũng từ năm 2007 Khoa Vật lí phối hợp với một số đơn vị khác trong ĐHKHTN mở hệ đào tạo quốc tế Khoa học và công nghệ nano liên kết với Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST). Hàng năm hệ đào tạo này tuyển khoảng 10 học viên cao học và 5 NCS (học viên có 1 năm học tại trường ĐHKHTN và 1 năm học (2 năm đối với NCS) sau đó bảo vệ luận văn, luận án tại Nhật Bản).

Khoa Vật lí đã thực hiện thành công nhiều đề án hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với nhiều trường Đại học và Trung tâm khoa học hàng đầu trên thế giới như: Trung tâm Vật lí Lý thuyết Thế giới TRIESTE, Đại học Tổng hợp AMSTERDAM, Đại học Tổng hợp OSAKA, JAIST (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Minnesota, Đại học Brown (Hoa Kỳ), Đại học Tổng hợp Chungbuk (Hàn Quốc)...

  1. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Nghiên cứu Khoa học cơ bản định hướng ứng dụng là định hướng chung về nghiên cứu khoa học xuyên suốt các thời kỳ của Khoa Vật lí.Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước Khoa Vật lí đã có nhiều đề tài phục vụ các đơn vị kỹ thuật quốc phòng, giao thông vận tải và Bộ công an. Cán bộ và sinh viên bộ môn Vật lí Vô tuyến, Vật lí Chất rắn đã cùng phối hợp nghiên cứu phục vụ cho xí nghiệp quốc phòng M3. Nhóm nghiên cứu VH1 đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3, nhiều cán bộ Khoa Vật lí được Chính phủ tặng huân chương về thành tích nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất và chiến đấu.

 

Các thế hệ thầy trò Khoa Vật lí mãi mãi khâm phục, biết ơn sự hy sinh của nhiều cựu cán bộ sinh viên Khoa Vật lí đã chiến đấu vì nền độc lập tự do của đất nước mà tiêu biểu là gương hy sinh của thầy giáo Nguyễn Văn Hùng cán bộ bộ môn VLHN, gương hy sinh của hai liệt sỹ phá bom từ trường Hoàng Kim Giao, liệt sĩ Lê Hoài Tuyên (sinh viên Khoa Vật lí khoá 1961-1965, 1965-1970) và liệt sĩ Hoàng Kim Giao là anh hùng lực lượng vũ trang.

Nghiên cứu khoa học cơ bản (NCKHCB) có định hướng làm cơ sở cho phát triển, ứng dụng công nghệ cao là thế mạnh truyền thống và có ý nghĩa đặc biệt đối với Khoa Vật lí, bởi vì nó không những góp phần phát triển chính lĩnh vực KHCB, nâng cao trình độ cán bộ, mà còn trực tiếp tác động đến chất lượng đào tạo.

Hàng năm các cán bộ Khoa Vật lí công bố rất nhiều các công trình trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Riêng trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2012, số lượng các công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI của cán bộ khoa Vật lí đã tăng một cách nhảy vọt, góp phần rất lớn cho thành tích nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, và hơn cả là nâng được thứ hạng cho toàn bộ Đại học Quốc gia Hà nội. Năm 2013, số bài ISI là 102 bài. Năm 2014, số bài ISI là 175 bài.

Một số đề tài KHCN quan trọng được thực hiện tại Khoa Vật lí

STT

Tên Đề tài

Mã số

Chủ trì Đề tài

Năm thực hiện

1

Nghiên cứu chế tạo một số vật liệu dùng làm sensor.

KHCN-03-13

PGS.TSKH. Nguyễn An

1998-2000

2

Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu từ tính cao cấp.

KHCN-03-15

GS.TSKH. Nguyễn Châu

1999-2000

3

Nghiên cứu tiếp thu công nghệ thiết kế, chế tạo một số loại thiết bị điện tử dùng trong đo lường, kiểm tra, điều khiển và cảnh báo.

KHCN-01-04 B

PGS. Nguyễn Hữu Xý

1999-2000

4

Vật liệu từ tính mới dạng khối, dạng màng mỏng và nano tinh thể.

KC-02-13

GS.TSKH. Nguyễn Châu

2002-2004

5

Nghiên cứu Công nghệ chế tạo vật liệu, linh kiện cảm biến và các thiết bị đo các thông số môi trường, các hệ bảo vệ điện áp và bộ đốt nóng tự điều chỉnh.

KC-02-12

PGS.TS.

Nguyễn Ngọc Long

2001-2003

6

Nghiên cứu tổng hợp và khảo sát tính chất của các hạt nano trên cơ sở các vật liệu bán dẫn, vật liệu từ, kim loại bước đầu thử nghiệm trong sinh học, y dược học.

Đề tài nghị định thư, hợp tác KHCN Việt Nam – Israel

PGS.TS.

Nguyễn Ngọc Long

3/2008-3/2010

Nhiều đề tài nghiên cứu KH của cán bộ, sinh viên Khoa Vật lí đã giành được các giải thưởng nhà nước cũng như của các tổ chức trong nước và quốc tế:

  • Huy chương vàng hội chợ triển lãm khoa học kỹ thuật năm 1987 cho tác giả PGS.TS. Phạm Văn Nho về “Máy đo từ trường”.

  • Giải thưởng VIFOTEC dành cho các công nghệ ưu tiên năm 1997 cho tập thể tác giả: PGS.TSKH. Nguyễn An, TS. Đỗ Xuân Thành, PGS.TS. Lê Văn Vũ, PGS.TS. Tạ Đình Cảnh (giải khuyến khích) với đề tài “Chế tạo và ứng dụng máy đo nhiệt độ hiện số để đo từ xa nhiệt độ môi trường”.

  • Giải thưởng nhà nước về Khoa học & Công nghệ năm 2005 cho tập thể tác giả GS.TSKH.NGND. Nguyễn Châu, GS.TS. Bạch Thành Công, PGS.TS. Đặng Lê Minh với đề tài ”Một số thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu vật liệu liệu từ tính”.

  • Giải thưởng Khoa học công nghệ ĐHQGHN lần thứ nhất năm 2006 cho GS.TSKH. Nguyễn Văn Hùng về đề tài “Mô hình Einstein tương quan phi điều hòa trong lý thuyết XAFS’.

  • Giải thưởng Khoa học công nghệ ĐHQGHN lần thứ nhất năm 2006 tập thể các tác giả: GS.TSKH. Nguyễn Phú Thùy, PGS.TS. Nguyễn Thế Hiện, GS.TS. Lưu Tuấn Tài, PGS.TS. Trần Quang Vinh, TS. Đỗ Thị Kim Anh, ThS. Ngô Văn Nông với đề tài “Nghiên cứu các vật liệu liên kim loại có hiệu ứng từ nhiệt khổng lồ dùng trong các thiết bị làm lạnh từ thế hệ mới”.

  • Giải thưởng Kovalevskai về nghiên cứu khoa học 2007 cho tập thể tác giả PGS.TS. Lê Hồng Hà, PGS.TS. Nguyễn Thị Thục Hiền, PGS.TS. Lê Thị Thanh Bình, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long “Giảng dạy nghiên cứu tích chất Quang của vật liệu bán dẫn và điện môi”.

  • Giải thưởng KHCN ĐHQGHN 2008 cho tập thể tác giả: PGS.TS. Hoàng Nam Nhật, TS. Huỳnh Đăng Chính, ThS. Nguyễn Thùy Trang, GS.TSKH. Nguyễn Châu với đề tài Hệ nano dây spin Ca­2CuO3.

  • Giải thưởng nhà Khoa học trẻ của Đại học QGHN năm 2008 cho PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải.

Với những thành tích đào tạo và nghiên cứu, Khoa Vật lí đã được khen thưởng: Huân chương Lao động hạng 3 (năm1998), Huân chương Lao động hạng 2 (năm 2003) và nhiều bằng khen của Bộ giáo dục và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khoa Vật lý
  • Website cựu sinh viên