Bộ môn Vật lý Lý thuyết

A. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

     Bộ môn Vật lý lý thuyết (VLLT) được thành lập ngay sau khi Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà nội được thành lập năm 1956, người đứng đầu khi đó là cố GS.TS.NGƯT. Nguyễn Hoàng Phương, một người luôn suy nghĩ và hoạt động tích cực cho việc đào tạo và phát triển ngành Vật lý nói chung và VLLT nói riêng. Đây là một trung tâm đầu tiên của Việt Nam làm nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu VLLT. Tuy lúc đó chưa có Giáo sư (GS) và Tiến sĩ khoa học (TSKH) nhưng ngày nay Bộ môn VLLT đã có số GS và TSKH nhiều nhất Khoa Vật lý. Các thầy giáo, cô giáo, trong đó một số được đào tạo tại các nước XHCN trở về, đã mang hết nhiệt huyết và kinh nghiệm của mình vào xây dựng Bộ môn.

     Ngay từ đầu, Bộ môn VLLT đã đảm nhiệm dạy tất cả các môn về toán cho Vật lý và các môn về VLLT như Cơ học lý thuyết, Điện động lực học, Vật lý thống kê, Cơ học lượng tử cho chương trình đào tạo của Khoa Vật lý. Cố GS.TS.NGƯT. Nguyễn Hoàng Phương, trong nhiều năm với cương vị Chủ nhiệm Bộ môn đầu tiên đã có những đóng góp to lớn cho việc viết các giáo trình Vật lý lý thuyết, giảng dạy và phát triển Bộ môn. Người có nhiều đóng góp ban đầu cho việc viết các giáo trình và dạy các môn toán cho sinh viên Khoa Vật lý là PGS. Phạm Công Dũng (đã nghỉ hưu), một người thầy tận tụy, có nhiều khả năng sư phạm, trong nhiều năm đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm Bộ môn. Tiếp theo, các sách giáo trình về toán cho Vật lý đã được PGS.TS. Lê Văn Trực, GS.TSKH.NGƯT. Nguyễn Văn Hùng, GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Báu, PGS.TS. Nguyễn Đình Dũng, GVC. Phan Huy Thiện, GVC Nguyễn Chí Thành viết và xuất bản. Các sách giáo trình về VLLT đã được GS.TSKH.NGƯT. Nguyễn Xuân Hãn, GS.TSKH. NGƯT. Nguyễn Văn Hùng, GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Báu, GS.TS. Nguyễn Văn Thỏa, PGS.TS. Nguyễn Đình Dũng và một số thầy giáo khác viết và xuất bản. Một nhà khoa học có uy tín, một người thầy tận tụy là PGS.TSKH.Nguyễn Văn Hướng, người đã nhiều năm làm Chủ nhiệm Bộ môn, Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý. Hai cô giáo rất sổi nổi và năng động của Bộ môn là cô Nguyễn Thị Tú Uyên (đã nghỉ hưu) và cố TS. Nguyễn Thị Hoài Châu. Cô Tú Uyên đã nhiều năm tham gia Đảng ủy, bí thư Đảng ủy và chủ tịch công đoàn Khoa Vật lý. Cố thầy giáo Bùi Bằng Đoan là người có nhiều khả năng sư phạm và là thầy giáo đầu tiên viết giáo trình và dậy môn Vật lý thống kê cho Khoa Vật lý, TS. Trần Văn, một cán bộ của Bộ môn, nguyên là Giám đốc Xưởng in ĐHQGHN, TS. Nguyễn Duy Thắng sau thời gian chuyển sang công tác tại Viện năng lượng nguyên tử nay đã nghỉ hưu nhưng đã tham gia xây dựng và trở thành Hiệu trưởng của một trường đào tạo nhân lực kỹ thuật tại Hà nội. TS. Nguyễn Đình Thảo, nguyên là một cán bộ của Bộ môn, đã tham gia xây dựng và trở thành Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông dân lập Văn lang.

     Bộ môn VLLT đã trải qua những bước phát triển cùng với Khoa Vật lý trong suốt hơn 60 năm qua. Chúng tôi đã cùng nhau đi sơ tán lên núi rừng Bắc Thái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi đã cùng các sinh viên vào rừng chặt tre làm lớp học, tăng gia sản xuất trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn. Chúng tôi đã cầm súng trong các đơn vị tự vệ góp phần bảo vệ đất nước. Chúng tôi đã tổ chức đoàn nghiên cứu truyền sóng để tính toán các đường bắn máy bay tối ưu cho các đồng chí bộ đội. Chúng tôi luôn luôn tiến lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hàng loạt các sinh viên Vật lý trong đó có nhiều em về VLLT được chúng tôi đào tạo đã ra trường phục vụ đất nước, kể cả trong quân đội. Một số em đã trở thành ThS, TS, PGS, và GS.

     Có thể nói Bộ môn VLLT là cái nôi đào tạo và trưởng thành của nhiều cán bộ về VLLT của đất nước. Các nhà VLLT thuyết có tên tuổi như VS. GS. TSKH. Nguyễn Văn Hiệu, Nguyên UV BCH TW ĐCSVN, VS. GS.TSKH. Đào Vọng Đức đã là thầy giáo giảng dạy VLLT cho Bộ môn chúng tôi. Các thầy giáo của Bộ môn VLLT như: Trần Hữu Phát, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Xuân Hãn đã trưởng thành từ Bộ môn và được đào tạo thành TSKH. Bộ môn VLLT đã đóng góp nhiều cán bộ khoa học và quản lý tốt cho đất nước: VS.GS.TSKH. Nguyễn Duy Quý đã trở thành Bí thư Đảng ủy Trường ĐHTH Hà nội, UV BCH TW ĐCSVN, Phó trưởng Ban Khoa Giáo TW, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn; GS.TSKH. Trần Hữu Phát đã trở thành viện trưởng Viện Năng lượng Quốc gia; GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao đã trở thành Hiệu trưởng trường ĐHTH Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Tp. Hồ Chí Minh; cố PGS.TS. Nguyễn Tiến Nguyên đã trở thành Viện trưởng Viện Năng lượng Hạt nhân; GS.TS. Đào Tiến Khoa hiện đang đứng đầu nhóm VLLT tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân; PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh đã đảm nhiệm các chức vụ Bí thư BCH TW Đoàn TNCSHCM, Vụ trưởng vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo TW và Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT. Ngày nay, được kế thừa và phát huy truyền thống đó, các cán bộ trẻ TS. Cao Thị Vi Ba, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TS. Nguyễn Đình Nam,  TS. Đỗ Tuấn Long và CN. Đoàn Minh Quang luôn giàu tâm huyết nghiên cứu và giảng dạy, góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ sinh viên ưu tú.

B. ĐÔI NÉT VỀ TỔ CHỨC VÀ THÀNH TỰU

1. Chủ nhiệm Bộ môn qua các thời kỳ:

1. Cố GS. TS. NGƯT. Nguyễn Hoàng Phương

2. GS. TS. NGƯT. Nguyễn Văn Hùng

3. PGS. TSKH. Nguyễn Văn Hướng

4. GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn

5. PGS. TS. Nguyễn Đình Dũng

6. GS. TS. Nguyễn Quang Báu

2. Số cán bộ hiện ngay: 9 cán bộ (gồm 2 GS, 1 PGS, 5 TS, 1 CN )

     GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Báu, GS.TSKH.NGƯT. Nguyễn Xuân Hãn, PGS. Nguyễn Đình Dũng, TS. Cao Thị Vi Ba, TS. Phan Huy Thiện, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TS. Nguyễn Đình Nam, TS. Đỗ Tuấn Long, CN. Đoàn Minh Quang.

3. Chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ môn:

- Giảng dạy các môn học đại cương của Khoa Vật lý, các môn chuyên đề về Vật lý lý thuyết, các môn toán cho Vật lý cho sinh viên hệ chính quy, hệ đào tạo Khoa học tài năng.

- Giảng dạy các môn học cho học viên Cao học và Nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán.

- Hướng dẫn các luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ thuộc chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán.

- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.

4. Một vài thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học:

- Đào tạo: Bộ mônVLLT góp phần tích cực trong đào tạo đại học và sau đại học: trung bình mỗi năm, Bộ môn hướng dẫn 04 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 10-15 học viên cao học bảo vệ luận văn thạc sĩ và 10-12 cử nhân bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Bộ môn đã viết đầy đủ các giáo trình khoa học cho các môn mà cán bộ của Bộ môn giảng dạy.

- Nghiên cứu khoa học: Trung bình mỗi năm, Bộ môn công bố khoảng 5-7 bài báo ISI, 15 bài báo trong nước và quốc tế, 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước NAFOSTED và cấp ĐHQG HN.

Nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết của Bộ môn là Nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Hợp tác quốc tế: Bộ môn có quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin khoa học với nước ngoài như Mỹ, Đức, Nga, Ý, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, … Các cán bộ của Bộ môn đã cùng viết bài với các nhà khoa học có tên tuổi của các nước trên và đăng trên các tạp chí quốc tế.

5. Một số đóng góp xây dựng tập thể và xã hội:

     Các cán bộ Bộ môn VLLT đã tham gia tích cực vào phát triển Nhà trường, Khoa Vật lý và các công tác xã hội: cố GS. TS. NGƯT. Nguyễn Hoàng Phương đã là  “Sáng lập công thần” của Khoa Vật lý và Bộ môn Vật lý lý thuyết; GS. TSKH. Nguyễn Văn Hùng đã là Chủ nhiệm Bộ môn, Bí thư liên chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng ủy viên, Chủ tịch công đoàn Khoa Vật lý, Trưởng phòng đối ngoại trường ĐH THHN; PGS. TSKH. Nguyễn Văn Hướng, đã là chủ nhiệm Bộ môn, Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý; GS.TSKH.NGƯT. Nguyễn Xuân Hãn đã là Chủ nhiệm Bộ môn và hiện là UV BCH Hội Vật lý Việt Nam; GS. TS. Nguyễn Văn Thỏa là nguyên Giám đốc NXB ĐHQGHN; TS. Phạm Thúc Tuyền là nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý; GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Báu đã là Bí thư Chi bộ Khoa Vật lý  và nguyên phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý, hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý lý thuyết, Chủ tịch Chi hội Vật lý Trường ĐHKHTN; PGS. TS. Lê Văn Trực đã là Phó Chủ nhiệm Bộ môn; TS. Nguyễn Thu Giang đã là UV BCH Công đoàn Khoa Vật lý; TS. Nguyễn Đình Nam là Bí thư Đoàn Trường; GVC. Nguyễn Chí Thành đã phục vụ trong quân đội, bảo vệ Tổ quốc trước khi là cán bộ của Bộ môn. Chúng tôi luôn là tập thể lao động xuất sắc của Nhà trường.

     Một số nét tóm tắt trên có thể chưa đầy đủ về quá trình phát triển của một chuyên ngành lớn của Nhà trường nhưng mong rằng có thể là một tư liệu nhỏ để nhìn lại sự hình thành và phát triển của Bộ môn VLLT trong hơn 60 năm qua mà chúng tôi đã và đang quyết tâm xây dựng và phát triển dưới mái trường ĐH THHN Nà Nội trước đây và là trường ĐHKHTN, ĐHQGHN ngày nay.

Khoa Vật lý
  • Website cựu sinh viên