Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phổ gamma tự nhiên đánh giá tính phóng xạ đất đá trên bề mặt tại Miền Trung nước Lào

Đây là tên đề tài vừa được nghiên cứu sinh Somsavath Leuangtakoun (giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Quốc gia Lào) bảo vệ thành công tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phổ gamma tự nhiên đánh giá tính phóng xạ đất đá trên bề mặt tại Miền Trung nước Lào

Nghiên cứu thuộc chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân, khoa Vật lý, được thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Bùi Văn Loát và TS. Phan Việt Cương.

Nghiên cứu sinh đã tiến hành lấy 202 mẫu đất trên 30 huyện thuộc 3 tỉnh miền trung Lào, theo 7 nhóm có nền địa chất khác nhau. Mẫu được chọn ở khu vực đông dân, nơi du lịch và nông nghiệp.

Theo báo cáo từ Nghiên cứu sinh: “Chiều sâu lấy mẫu 5 cm đến 30 cm.  Mỗi điểm  mẫu đất được lấy 5 vị trí trên hình vuông cạnh 60 cm. Sau đó nghiền sơ bộ, dàn đều theo hình vuông, bề dày 1 đến 2 cm. Tiếp tục chia mẫu thành 4 phần bằng 2 đường chéo, lấy 2 phần đối diện để tiếp tục rút gọn mẫu, sau đó trộn đều và chia thành 4 phần, cho đến khi mẫu còn lại cỡ từ 1 kg đến 2 kg. Nghiên cứu sinh ghi đầy đủ vị trí tọa độ, thời gian lấy mẫu rồi mang về phòng thí nghiệm để xử lý tiếp”.

Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phổ gamma tự nhiên đánh giá tính phóng xạ đất đá trên bề mặt tại Miền Trung nước Lào
Hội đồng thảo luận.

Luận án sử dụng hệ phổ kế gamma nhấp nháy NaI (Tl) tại Bộ môn Vật lý hạt nhân Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các hệ phổ kế gamma bán dẫn HPGe (tại Viện Vật lý, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Y học phóng xạ và Ung bướu quân đội, Viện Hóa học Môi trường Quân sự) làm thiết bị thực nghiệm.

Somsavath Leuangtakoun cho biết: Con người luôn bị chiếu xạ ở khắp mọi lúc, mọi nơi. Các bức xạ chiếu vào con người có nguồn gốc từ tia vũ trụ, từ các đồng vị phóng xạ tự nhiên và từ chính các đồng vị phóng xạ có trong cơ thể con người.

Trong 2 thập kỷ gần đây đã có nhiều công trình công bố kết quả đánh giá  tính chất phóng xạ và hệ số nguy hiểm bức xạ do đất ở trong một vùng hoặc một địa phương gây ra. Tổng hợp các số liệu thu được từ  nhiều công trình của các tác giả khác nhau có thể thu được bức tranh về phông phóng xạ nói chung và tính chất phóng xạ của đất nói riêng của một quốc gia và của quốc tế.

Tại Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, số liệu về tính phóng xạ của đất còn rất ít. Nhóm tác giả Sonexay, Lê Hồng Khiêm (2018)  mới đưa ra số liệu về hoạt độ phóng xạ riêng của 10 mẫu đất tại khu vực  huyện Thoulakhom, Tỉnh Viêng Chăn của Lào được lấy để làm gạch. Bên cạnh đó, khu vực miền trung nước CHDCND Lào là khu vực đông dân nhất trong cả nước Lào; có cả đồng bằng và miền núi, chứa 2 mỏ vàng đều đã được khai thác, là khu vực có nền địa chất phong phú. Chính vì những lý do trên, Somsavath Leuangtakoun đã chọn đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phổ gamma tự nhiên đánh giá tính phóng xạ đất đá trên bề mặt tại miền trung nước Lào” làm đề tài Luận án của mình.

Kết quả: Luận án đã đưa ra bức tranh Tổng quan về tính chất phóng xạ của đất đá và tình hình nghiên cứu xác định tính phóng xạ trong đất. Từ việc tiến hành xác định hoạt độ phóng xạ riêng trong 202 mẫu đất được lấy tại 3 tỉnh miền trung  Lào, được phân loại theo 7 nhóm có nền địa chất khác nhau, nghiên cứu sinh đã đưa ra bản đồ các nơi có hoạt độ phóng xạ từ thấp đến cao,... Nghiên cứu sinh cũng đưa ra một số kiến nghị như: Triển khai thu thập các mẫu đất trên lãnh thổ nước CHDCND Lào tiến hành đo hoạt độ phóng xạ riêng trên hệ phổ kế gamma nhấp nháy và xác định các chỉ số nguy hiểm bức xạ từ đất, làm cơ sở  cho việc xây dựng một bản đồ tổng thể về hoạt độ phóng xạ tự nhiên và nhân tạo của nước CHDCND Lào.

Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phổ gamma tự nhiên đánh giá tính phóng xạ đất đá trên bề mặt tại Miền Trung nước Lào
Hệ phổ kế gamma nhấp nháy NaI (Tl) được đặt tại Bộ môn Vật lý hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Từ nghiên cứu trong Luận án của mình, anh Somsavath đã có 6 công trình khoa học công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó có 02 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI.

Anh Somsavath cho biết: “Trường ĐHKHTN là một trường nổi tiếng, là nơi đào tạo rất có uy tín và chất lượng cao. Trường có nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Với bản thân em, trong quá trình học tập và nghiên cứu, các thầy cô luôn nhiệt tình và tạo điều kiện giúp đỡ em, đặc biệt là thầy hướng dẫn, các thầy cô bộ môn Vật lý hạt nhân, khoa Vật lý. Em rất vui vì đã hoàn thành việc nghiên cứu trong 4 năm, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ. Em hi vọng sẽ được tiếp tục làm việc với thầy hướng dẫn trong các công việc nghiên cứu sắp tới”.

Với tư cách là người phản biện, GS.TS. Lê Hồng Khiêm, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có nhận xét: “Mục tiêu của Luận án là đánh giá phông phóng xạ trong các mẫu đất thu thập tại 3 tỉnh miền Trung nước Lào. Số liệu này rất cần cho việc đánh giá tác động của môi trường lên sức khỏe của người dân và là các số liệu cơ sở để đánh giá biến đổi phóng xạ tự nhiên trong đất tại khu vực đã khảo sát, vì vậy Luận án có ý nghĩa ứng dụng cao. Nghiên cứu sinh xứng đáng nhận học vị Tiến sĩ”.

 

“Ban đầu, nghiên cứu sinh còn bỡ ngỡ về chuyên môn nhưng sau đó đã tích cực bổ sung kiến thức về Vật lý hạt nhân. Đặc biệt, nghiên cứu sinh rất chủ động trong công việc, chăm chỉ, chịu khó trong lấy mẫu và xử lý mẫu theo đúng quy trình của IAEA (cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế). Sự chịu khó đã giúp nghiên cứu sinh từng bước nâng cao kỹ năng phân tích phổ và viết bài báo. Tôi đánh giá cao ý thức làm việc của nghiên cứu sinh” - PGS.TS. Bùi Văn Loát, Bộ môn Vật lý Hạt nhân, khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN.

 

  • Website cựu sinh viên