Hấp dẫn cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học hiện trở thành một lĩnh vực quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, dược phẩm, nông nghiệp và môi trường.

Hấp dẫn cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên kiểm tra mẫu nuôi cấy mô thực vật. 

Từ ngành học này cũng như các ngành học liên quan đến khoa học sự sống đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Học tập cũng cần có “chiến thuật”

Theo Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, đến năm 2025, nước ta sẽ cần ít nhất 35.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Thế nhưng, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, do đó cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ sinh học chất lượng cao là rất lớn.

Nguyễn Linh Giang, sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Em chọn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học ngoài thỏa mãn điều kiện là được ứng dụng những kiến thức từ môn Sinh học mình đam mê, em còn xét đến các yếu tố như đầu ra, việc làm, nhu cầu của xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Với ngành học này, em được biết ngoài điều kiện được làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ sở y tế, em có thể làm tại doanh nghiệp hay phát triển các ý tưởng nghiên cứu của mình để khởi nghiệp, vì vậy cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai rất rộng mở”.

Chính vì xác định ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường, Linh Giang đã chuẩn bị cho mình một tâm thế học tập rất nghiêm túc.

Để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong quá trình học, Linh Giang ưu tiên hoàn thành sớm các môn đại cương từ năm thứ nhất đến hết kỳ I năm hai. Sau đó, nữ sinh sẽ căn cứ vào năng lực của mình tập trung nghiên cứu một lĩnh vực chuyên sâu.

“Từ năm thứ ba, em chủ động tìm đến các phòng thí nghiệm để nghiên cứu cũng như xin đi kiến tập, thực tập tại các cơ sở nhằm giúp bản thân có cơ hội nắm bắt được xu thế phát triển của ngành mình học”, Linh Giang cho biết.

Với những kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua, PGS.TS Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra lời khuyên: “Trong quá trình học, sinh viên phải xác định nắm vững kiến thức chuyên môn cơ bản của khoa học tự nhiên và khoa học sự sống để làm cơ sở tiếp nhận những kiến thức, kỹ thuật chuyên sâu của lĩnh vực công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, các bạn nên tham gia vào dự án nghiên cứu và công việc liên quan đến ngành học mình theo đuổi, nhằm tích luỹ kinh nghiệm thực tế, phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, cách làm việc nhóm, xây dựng thương hiệu cá nhân. Có được nền móng đó rồi, các em sẽ thiết lập mạng lưới các mối quan hệ sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như đáp ứng được các yêu cầu vị trí việc làm mà mình đảm nhận”.

Không những vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thành Nam, sinh viên cần xác định tinh thần liên tục học hỏi, học tập suốt đời để cập nhật kiến thức nhằm đáp ứng với tốc độ phát triển ngày càng nhanh, không ngừng của khoa học nói chung và khoa học về công nghệ sinh học nói riêng.

Hấp dẫn cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học

Ảnh minh họa ITN.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học sẽ có cơ hội làm việc trong nhiều môi trường hiện đại như nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tại viện nghiên cứu, hoặc tại công ty công nghệ sinh học, dược phẩm, các cơ sở y tế liên quan đến công tác kiểm định chất lượng, phát triển sản phẩm, cải tiến công nghệ…

“Đồng thời, các bạn có thể khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp liên quan đến công nghệ sinh học trong các lĩnh vực như ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học với dòng thực phẩm chức năng, dược phẩm, công nghệ tế bào gốc, công nghệ gen, chế phẩm sinh học trong nông nghiệp, thủy sản…”, PGS.TS Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Dược Thiên Phúc cho biết: “Sinh viên để có cơ hội việc làm tốt, khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn cần xác định rõ con đường đi cho bản thân.

Để làm được điều đó, quá trình học cần tập trung nghiên cứu, cập nhật các công nghệ sinh học ứng dụng mới của thế giới như công nghệ gen, tế bào, vi sinh, hóa sinh, chế biến sau thu hoạch… chú trọng học đi đôi với hành, dành nhiều thời gian đến phòng thí nghiệm thực hiện những nghiên cứu nhỏ”.

Bà Hồng cũng lưu ý thêm, một trong những kỹ năng mà người học ngành này cần đặc biệt chú trọng, đó chính là thực hành để ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế trong lĩnh vực mình theo đuổi cũng như rèn luyện, đào sâu tư duy về nghề nghiệp.

Khi mới ra trường, các bạn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực hơn so với quá trình học đại học. Vì vậy, bạn cần kiên trì theo đuổi mục tiêu bản thân đưa ra cũng như tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để theo kịp với tiến bộ của nước ngoài cũng như áp dụng vào thực tiễn sản xuất cho phù hợp với mô hình tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bạn phải nắm bắt xu hướng của thị trường để đưa ra sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp. Bạn là người chăm chỉ, chịu khó, cầu thị, ham học hỏi thì ở bất kỳ môi trường nào bạn cũng có thể làm việc hiệu quả và phát triển được.

“Nguồn nhân lực đối với lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng từ khoa học sự sống (sinh học) nói chung và công nghệ sinh học nói riêng đang được quan tâm trên toàn thế giới. Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Công nghệ sinh học bắt đầu đào tạo từ năm 1996 và đây là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam đào tạo ngành học này”. - PGS.TS Nguyễn Thành Nam

Theo GD&TĐ.

  • Website cựu sinh viên