Ngày 18/8/2017, trường ĐHKHTN tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phát triển mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với Biến đổi khí hậu" tại Hội trường Đảng ủy- HĐND - UBND xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Ngày 18/8/2017, trường ĐHKHTN tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phát triển mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với Biến đổi khí hậu" tại Hội trường Đảng ủy- HĐND - UBND xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hội thảo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc phát triển mô hình cộng đồng cacbon thấp. Hội thảo mong muốn những kiến thức này sẽ từ xã Lam Điền lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội.

Ban tổ chức hội thảo và khách mời

Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo huyện - ông Nguyễn Đức Học - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ; đại diện lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, HĐND, UBMTTQ và các ban, ngành, đoàn thể của xã Lam Điền và 4 xã lân cận (Thuỵ Hương, Hoàng Diệu, Đại Yên, Hợp Đồng). Về phía dự án có PGS.TS. Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng trường ĐHKHTN - Chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên dự án đến từ trường ĐHKHTN cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng trường ĐHKHTN - Chủ nhiệm đề tài

Giới thiệu chung về đề tài, PGS.TS. Nguyễn Văn Nội cho biết nhóm dự án đã bắt đầu triển khai các công việc cần thiết và đang tích cực xây dựng quy trình phát thải cacbon thấp. Nhóm dự án đang nỗ lực để đi đến kết quả cuối cùng của đề tài là các mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với biến đổi khí hậu để triển khai ở các xã nhằm bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo phát triển kinh tế địa phương, đồng thời đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ở mức thấp nhất. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Lam Điền khẳng định: "Dự án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp địa phương nông thôn như chúng tôi hưởng lợi. Chúng tôi và các xã bạn thuần nông đều sẵn sàng tham gia chuỗi hoạt động của đề tài, đón nhận các thành tựu khoa học công nghệ, cùng chung tay giảm thiểu lượng cacbon, hiệu ứng nhà kính, từ đó có biện pháp khắc phục để phát triển kinh tế bền vững". Bí thư Đảng ủy xã Lam Điền đề nghị các lãnh đạo, cán bộ địa phương sắp xếp thời gian để tiếp tục phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả hơn với nhóm dự án. 

Bí thư Đảng ủy xã Lam Điền đánh giá cao ý nghĩa của đề tài và cam kết phối hợp thực hiện

Sau đó, hội thảo tập trung theo dõi các phần trình bày của chuyên gia. TS. Bạch Quang Dũng đến từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chia sẻ về Biến đổi khí hậu, sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và Phát triển cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với biến đổi khí hậu. TS. Phương Thảo, Phòng thí nghiệm Hóa môi trường, trường ĐHKHTN đã giới thiệu về mô hình phân loại rác theo phương pháp giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng (3R) và lợi ích của việc phân loại rác.

TS. Bạch Quang Dũng và TS. Phương Thảo

Tại hội thảo, trường ĐHKHTN còn phát các vật dụng cần thiết, đồng thời hướng dẫn thực hành phân loại rác theo mô hình 3Rcho các đơn vị và hộ gia đình tham gia thí điểm.

Những chia sẻ chi tiết và dễ hiểu của các chuyên gia đã thu hút sự chú ý và nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các khách mời.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài: “Nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã cacbon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ” (Mã số: BĐKH.02/16-20), thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.Đề tài dự kiến thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2019). Các tổ chức phối hợp chính thực hiện đề tài là Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xã Lam Điền - huyện Chương Mỹ - Hà Nội, xã Hải Đông - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định là các địa phương trực tiếp tham gia thử nghiệm và đánh giá mô hình này.

Xã Lam Điền là địa phương chăn nuôi trọng điểm của huyện Chương Mỹ, với hàng chục trang trại chăn nuôi lợn, gà lớn. Ông Đặng Văn Tới - chủ một trang trại lợn với diện tích 17.000m2 và 1.200 concủa xã Lam Điền cho biết: "Ban đầu, tôi không hiểu thế nào là phát thải nhà kính, cũng chưa thấy được tầm quan trọng của việc xử lý rác thải trong chăn nuôi, trồng trọt đối với biến đổi khí hậu. Sau các đợt tập huấn các cấp và được lựa chọn tham gia thí điểm đề tài này, tôi hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và vui mừng, ủng hộ mô hình này".

Ông Đặng Văn Tới - chủ trang trại tham gia thí điểm

Việc xây dựng mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH ở vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Qua đó, giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng về BĐKH, tác động của BĐKH, các giải pháp hạn chế tác động của BĐKH, cũng như cách sống chung thích ứng với BĐKH. Các hoạt động được triển khai trong mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH tập trung vào các lĩnh vực quản lý chất thải, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống và nhận thức của người dân... Mục tiêu chung và cũng là đích cuối cùng hướng tới của mô hình cộng đồng cacbon thấp chống chịu cao với BĐKH là giảm thiểu và thích ứng với BĐKH dựa trên cơ sở sự phát triển bển vững, tổng thể và hài hoà các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường.

Cộng đồng cacbon thấp được hiểu là một xã hội/cộng đồng phát triển bền vững trên cơ sở mối quan hệ gần gũi, hợp lý, hài hoà giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Trong cộng đồng, người dân đã hình thành hoặc điều chỉnh lối sống và hoạt động kinh tế theo hướng ít phụ thuộc vào các hoạt động gây phát thải cacbon. Việc cải thiện năng suất tài nguyên, tăng khả năng sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn hạn chế và giảm ô nhiễm trong hoạt động sản xuất cũng dẫn đến một xã hội với đời sống chất lượng cao hơn, môi trường sạch và khỏe mạnh hơn. Hơn thế nữa, xã hội cacbon thấp đặt mục tiêu giảm lượng khí thải mà không gây ra tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế.

Trên thế giới, mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH đã và đang được áp dụng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu, một số nước đang phát triển ở châu Á như Sri Lanka, Bangladesh, Ấn Độ, Myanma, Indonesia,.... và không ngừng được nhân rộng. Ở Bangladesh, áp dụng hệ thống chuyển hoá chất thải chăn nuôi trên 52 trang trại có thể tạo ra lượng điện 1.600MWh/năm, đồng thời, ước tính có thể cắt giảm 10.650 triệu tấn khí thải cacbon đioxit tương đương (CO2tđ)/năm.

Huyền Linh