Lễ khởi động dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 23/5/2018.

Lễ khởi động dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 23/5/2018. Đây là dự án đầu tiên về quản lý và tái chế nhựa của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu tại Việt Nam và Lào, có tổng trị giá 1 triệu euro do Liên minh châu Âu Eramus+ tài trợ, dự kiến triển khai trong 3 năm.

Các đối tác kí kết thỏa thuận hợp tác

Hiện diện tại buổi lễ có đại diện Liên minh châu Âu, Đại sứ quán các nước Đức, Áo, Đan Mạch, đại diện lãnh đạo ĐHQGHN và đại diện 10 đối tác tham gia dự án. Trong đó có 04 đại học thuộc các nước Áo, Đức, Đan Mạch, Lào; 02 đại học tại Việt Nam là Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cùng các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Văn Nội đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát biểu

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, GS. TS. Nguyễn Văn Nội khẳng định Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa cho các dự án hợp tác quốc tế nói chung và dự án Quản lý và tái chế nhựa nói riêng. Giáo sư cũng cho biết, sau buổi lễ khởi động, dự án sẽ thăm quan một số nhà máy xử lý nhựa tại Việt Nam để hiểu rõ hơn tình hình thực tế của việc tái chế nhựa ở Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp tốt trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho tái chế nhựa.

Các đại biểu trao đổi về dự án

Trong khuôn khổ buổi Lễ, dự án nhận được sự quan tâm, trao đổi từ đại biểu và báo chí tham dự buổi lễ. Đại diện các đối tác đã tích cực giải đáp các câu hỏi đó và chia sẻ sâu hơn về hoạt động và mục tiêu của dự án.

Giám đốc dự án - GS. Stefan Petrus Salhofer trả lời báo chí và các đại biểu

Phát biểu và trả lời báo chí tại buổi lễ, Giám đốc dự án - GS. Stefan Petrus Salhofer, Trường Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna, Áo cho biết dự án nhằm thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng nhựa, hạn chế lãng phí và ảnh hưởng môi trường; tập trung đào tạo, nâng cao trình độ nghiên cứu, nhận thức của người dân, nhà quản lý cũng như các công ty tái chế nhựa. Giáo sư nhấn mạnh, sản lượng của nhựa dẻo (plastics) toàn thế giới tăng một cách nhanh chóng (từ 15 triệu tấn năm 1964 lên 311 triệu tấn năm 2014). Song song với việc tăng lượng sản xuất là sự gia tăng không kiểm soát của việc phát thải plastics vào môi trường. Trong 53% tổng số plastics sản xuất ra được thu hồi, có 10% được tái sử dụng, 10% phải đốt, còn lại 33% thì chôn lấp.

“Với sự tham gia của 10 đối tác, trong đó có Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ thành công”, Giám đốc dự án khẳng định.

Ông Thomas Schuller-Gotzburg - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Áo và bà Catja Majborn Goodhew, đại diện đại sứ quán Đan Mạch phát biểu tại buổi lễ

03 mục tiêu tổng quát của dự án: (1) Hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Lào trong việc hiện đại hóa và nâng cao giáo dục đại học tại các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên bằng cách thiết lập khái niệm giáo dục về tái chế nhựa và quản lý chất thải. (2) Nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường và tinh thần kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp và cho cán bộ của các trường. (3) Kết nối thế giới học thuật và công nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.

06 hoạt động chính của của dự án: (1) Hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có. (2) Thành lập hai trung tâm đào tạo qui mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa. (3) Mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải. (4) Chương trình đào tạo giảng viên. (5) Đưa khái niệm phát triển bền vững vào môn học quản lý chất thải trong đào tạo Thạc sỹ. (6) Nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ.

09 mốc chính của dự án: (1) Khởi động dự án. (2) Dự thảo các khung và chương trình đào tạo. (3) Dự thảo, xây dựng mô hình cho các trung tâm đào tạo qui mô khu vực. (4) Xây dựng các phương pháp và kỹ thuật đào tạo mới cho các trường đại học ở Việt Nam và Lào. (5) Phát triển khái niệm bền vững. (6) Triển khai các chương trình đào tạo. (7) Thành lập các trung tâm đào tạo. (8) Thiết lập mạng lưới đào tạo liên quốc gia. (9) Kết thúc dự án.

Đại diện các đối tác trả lời đại biểu và báo chí tại buổi lễ

Trong hoạt động hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có, các học phần sẽ được xây dựng dựa trên kinh nghiệm sâu rộng của các trường đại học đối tác châu Âu trong lĩnh vực này và đáp ứng các yêu cầu cụ thể của các trường đại học và sinh viên mỗi quốc gia. Các hoạt động này nhằm cải thiện khả năng được tuyển dụng khi sinh viên tốt nghiệp và chuẩn bị cho họ những thách thức trong tương lai liên quan đến quản lý chất thải (tập trung vào tái chế nhựa). Bên cạnh các khía cạnh kỹ thuật, các kỹ năng kinh doanh như các vấn đề kinh tế như: kế toán, quản trị kinh doanh, lập kế hoạch nhân sự và nguồn lực, phát triển kế hoạch kinh doanh, quản lý dự án sẽ được nhấn mạnh.

Giám đốc dự án trình bày chi tiết về dự án

Các chương trình Cử nhân và Thạc sĩ sau đây của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được xác định là mục tiêu để đưa vào các môn học về tái chế nhựa và quản lý chất thải: Cử nhân/Thạc sĩ Khoa học vật liệu tiên tiến và môi trường; Cử nhân/Thạc sĩ Hóa học môi trường; Cử nhân/Thạc sĩ kỹ sư Hóa học; Cử nhân/Thạc sĩ khoa học Môi trường. Ngoài ra, một chương trình Thạc sĩ về ô nhiễm và phòng ngừa ô nhiễm môi trường sẽ được cập nhật trực tiếp bởi các mô-đun mới.

Đại diện Đại học Quốc gia Lào trình bày tại buổi lễ

Việc thành lập hai trung tâm đào tạo qui mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa làm nền tảng cho việc phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) phục vụ các công ty tái chế và các cơ quan chức năng trong khu vực. Điều này sẽ nằm trong khuôn khổ hợp tác với các trường đại học châu Âu và thực hiện tại một trường Đại học tại Việt Nam và một trường đại học ở Lào. Các trung tâm cung cấp các khóa học và chứng chỉ theo các cấp độ khác nhau (Thạc sĩ, Đại học, Cao đẳng) và các lĩnh vực khác nhau: công nghệ thu gom và tái chế chất thải, kiểm soát phát thải và quản trị kinh doanh. Các trung tâm đào tạo qui mô khu vực đóng vai trò là trung tâm tri thức về tái chế nhựa. Các trung tâm đào tạo khu vực nhằm mục đích liên kết các trường đại học, công ty và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa. Mục tiêu là cung cấp các kiến thức hiện đại cho các học viên để nâng cao khả năng cạnh tranh và kỹ năng kinh doanh.

Đại diện Công ty CITENCO trả lời đại biểu và báo chí

Bên cạnh việc tham gia đào tạo cho sinh viên, học viên ở các trường đại học đối tác ở Việt Nam và Lào, chương trình còn góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ cho các công ty quản lý chất thải, các cơ sở tái chế, thu gom chất thải cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Chương trình được tiến hành thông qua việc cung cấp các khóa học theo yêu cầu và nhu cầu của các học viên. Khung chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên kinh nghiệm, kĩ năng của các đối tác châu Âu trong lĩnh vực quản lý chất thải và tái chế nhựa, các yêu cầu cụ thể được xác định bởi các đối tác địa phương. Hình thức đào tạo tương đối đa dạng bao gồm đào tạo từ xa, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, các công ty tái chế, các cơ quan quản lý... Các khóa học đặt mục tiêu truyền đạt một cách tối đa các kiến thức cần có, các kĩ năng cần thiết cho các học viên.Việc lựa chọn chương trình và phương thức đào tạo sẽ dựa trên việc xem xét một cách chi tiết các cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện đặc trưng của từng cơ sở sản xuất, của từng địa phương riêng biệt. Chứng chỉ đào tạo sẽ được cung cấp cho các học viên sau mỗi khóa học. Các chuyên gia Việt Nam ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ tham gia tập huấn, hướng dẫn học viên sử dụng thành thạo các máy móc, thiết bị cần thiết trong lĩnh vực tái chế nhựa. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cung cấp cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết cho việc đào tạo từ xa. Các chuyên gia bên phía Việt Nam cũng sẽ thiết kế các cuộc thi theo chủ đề về tái chế nữa nhằm nâng cao sự hiểu biết, sự quan tâm của công chúng, cộng đồng về hoạt động tái chế nhựa.

Đại diện Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM

Các chuyên gia ở Đại học Quốc gia Lào chủ yếu tham gia đào tạo lý thuyết, giúp học viên có nền tảng cơ sở khoa học vững chắc về tái chế nhựa. Các chuyên gia từ các trường đại học châu Âu sẽ phụ trách mảng chuyên môn sâu của khóa học và quản lý trang web quảng bá...

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

10 đối tác tham gia dự án:

STT

Tên viết tắt

Tên đầy đủ

Quốc gia

1

BOKU

University of Natural Resources and Life Sciences Vienna

(Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna)

Áo

2

TUD

Dresden University of Technology

(Đại học công nghệ Dresden)

Đức

3

AAU

Aalborg University

(Đại học Aalborg)

Đan Mạch

4

IUH

Industrial University of Ho Chi Minh City

(Đại học công nghiệp thành phố HCM)

Việt Nam

5

HUS

University of Science, Vietnam National University Hanoi

(Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)

Việt Nam

6

CITENCO

CITENCO Tp. HCM

(Công Ty TNHH MTV Môi Trường Đô Thị Tp. HCM)

Việt Nam

7

NUL

National University of Laos

(Đại học Quốc gia Lào)

Lào

8

VNCPC

Vietnam Cleaner Production Centre Company

(Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam)

Việt Nam

9

GREEN

Green Environment Import

(Công ty xuất nhập khẩu môi trường xanh)

Lào

10

CO. LTD. 26.3

Công ty TNHH Da Giầy 26.3 KT

Việt Nam