Theo thống kê, năm nay có khoảng 15 phương thức tuyển sinh và tất cả các trường đều sử dụng từ 2 phương thức xét tuyển trở lên. Vậy thí sinh nên lựa chọn phương thức nào để "chắc suất" vào đại học?

Cách để tăng cơ hội trúng tuyển trong mùa tuyển sinh 2022

Hầu hết các trường đại học hiện nay đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Ảnh: Hải Nguyễn

"Mạnh về phương thức nào thì chủ động lựa chọn phương thức đó"

Chia sẻ với Lao Động, GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - cho biết, hầu hết các trường đại học hiện nay đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Đó là một thuận lợi để thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mà mình mơ ước.

Theo GS Sơn, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh không ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn của thí sinh. Về cơ bản, phương thức xét tuyển chủ đạo của các trường vẫn dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, các bạn thí sinh có năng lực ở khía cạnh nào hãy mạnh dạn đăng ký xét tuyển ở khía cạnh đó. 

"Ví dụ như thí sinh có sự đầu tư và đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT thì lựa chọn đó là tiền đề đăng ký nguyện vọng. Nếu thí sinh có các tiêu chí đáp ứng quy định xét tuyển thẳng của trường cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mạnh dạn đăng ký. Nếu có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì thí sinh có ưu thế khi đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/ học lực.

Bên cạnh đó, việc tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực cũng tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh" - GS Sơn đưa ra lời khuyên.

GS.TS Lê Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, với cách thức xét tuyển như hiện nay, thí sinh nên đặt ngành, trường yêu thích ở nguyện vọng 1. Các nguyện vọng sau là ngành và trường vừa tầm với năng lực cá nhân để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.

Lời khuyên dành cho thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực

GS.TS Lê Thanh Sơn cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tiến hành từ năm 2015 và quay trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên năm 2021 chỉ có khoảng 1000 thí sinh tham dự, năm nay có đến 70.000 thí sinh tham dự.

Theo đó, bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội có sự khác biệt là đánh giá năng lực dựa trên 3 khối kiến thức: Thứ nhất là tư duy định lượng toán học; Thứ hai là tư duy định tính văn học và ngôn ngữ; Thứ ba là tư duy khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Theo đó, để có thể thi tốt kỳ thi này thí sinh cần học vững kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị từ năm lớp 10 đến lớp 12. Bên cạnh đó, có thể làm thử các bài thi mẫu để hình dung về thời gian, số câu hỏi và các nội dung kiến thức liên quan. Với thí sinh học chuẩn theo kiến thức của chương trình phổ thông sẽ làm tốt bài thi.

Theo Lao Động.