Hội nghị sơ kết đào tạo các ngành khoa học cơ bản

Hội nghị sơ kết đào tạo các ngành khoa học cơ bản Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được tổ chức vào chiều ngày 31/3/2015.

Hội nghị sơ kết đào tạo các ngành khoa học cơ bản Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức vào chiều ngày 31/3/2015. Phó Hiệu trưởng PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo; Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm 8 khoa cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng của Trường ĐHKHTN.

Hội nghị nhằm sơ kết, đánh giá chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản (KHCB) theo đề án áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị triển khai đề án trong thời gian tới.

Do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ yếu mang tính xã hội như ảnh hưởng của cơ chế thị trường, dư luận xã hội mà sinh viên theo học các ngành KHCB trong mấy năm trước đây có xu hướng giảm dần, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cán bộ KHCB nói chung, nguồn cán bộ phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản tại các viện, cơ quan, trung tâm nghiên cứu,… nói riêng. Vì vậy, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo ngành KHCB. Và, từ năm học 2011 – 2012 Trường ĐHKHTN có 8 ngành KHCB được đầu tư kinh phí tham gia Đề án Áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo, gồm: Địa lý tự nhiên, Kỹ thuật địa chất, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học đất, Hải dương học, Thủy văn học, Khoa học vật liệu, Máy tính và khoa học thông tin.

Trong báo cáo sơ kết quá trình triển khai, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết, so với trước thời điểm tham gia đề án, điểm tuyển sinh và quy mô tuyển sinh 8 ngành nói trên đã được cải thiện. Với nguồn kinh phí hỗ trợ của đề án, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ công tác giảng dạy và NCKH thuộc các ngành KHCB đã được cải thiện từng bước; góp phần tạo động lực để cán bộ, giảng viên gắn bó với nghề, tích cực NCKH. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án cũng gặp một số hạn chế như học bổng cho sinh viên ngành KHCB còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của sinh viên, chưa tạo sức hút với sinh viên; đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nhất là hỗ trợ thực tập còn hạn chế,…

Các đại biểu tham gia hội nghị đã thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến cho kế hoạch triển khai đề án trong thời gian tới. Một số đề xuất được đưa ra như: tiếp tục ổn định quy mô tuyển sinh với 8 ngành; tăng kinh phí đầu tư hỗ trợ đào tạo, đặc biệt chú trọng các hạng mục học bổng cho sinh viên, cơ sở vật chất phục vụ thực hành, thí nghiệm, thực tập,…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả thực hiện đề án Trường ĐHKHTN đã đạt được trong thời gian qua. Phó Giám đốc chia sẻ, bên cạnh những ngành KHCB truyền thống, Nhà trường cần xây dựng những chương trình, ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội; cần có giải pháp tổng thể, lâu dài, tiến tới phát triển bền vững.

 

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên