Giữa tháng 5/2016 sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu lần thứ 3 nhằm vinh danh những nhà khoa học Việt có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tầm quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản.

Được trao giải lần đầu vào năm 2014, giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.

Qua hai lần trao giải, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã vinh danh 6 nhà khoa học với sáu công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc. Theo GS. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các công bố khoa học xuất sắc mang tầm thế giới với Hội đồng xét chọn bao gồm các nhà khoa học tiêu biểu.  Để biết thêm về Giải thưởng khoa học danh giá này cũng như lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản nhiều khởi sắc những năm gần đây, Báo Tiền phong phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải thưởng Tạ Quang Bửu – Vinh danh những công trình nghiên cứu Việt mang tầm quốc tế”.

Cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào 14h ngày thứ Tư 16 tháng 3 năm 2016 tại tòa soạn báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Khách mời giao lưu gồm có:

1. GS.TSKH Đinh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

2. GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein. 

3. GS.TS Nguyễn Đức Chiến, giảng viên cao cấp của Viện Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

4. PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

5. Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Đúng 14h, buổi giao lưu chính thức bắt đầu. Mở đầu cuộc giao lưu, nhà báo Trần Thanh Lâm, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đã gửi lời cảm ơn và tặng hoa các vị khách mời.

Nói về mục đích của cuộc giao lưu, nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong, cho biết: "Mục đích buổi giao lưu trực tuyến về "Giải thưởng Tạ Quang Bửu - Vinh danh những công trình nghiên cứu Việt mang tầm quốc tế" hôm nay là nhằm quảng bá, vinh danh giải thưởng khoa học mang tên một nhà khoa học rất có uy tín, đồng thời là cuộc trao đổi, đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để phục vụ phát triển nhu cầu hội nhập quốc tế, khích lệ động viên nền khoa học nước nhà".

Tại cuộc giao lưu, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cho biết: "Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ KH&CN nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Các hồ sơ đề xuất giải thưởng Tạ Quang Bửu được đánh giá qua Hội đồng khoa học chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng khoa học chuyên ngành là các Hội đồng ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Hội đồng Giải thưởng gồm các nhà khoa học có uy tín đại diện các Hội đồng khoa học ngành, và các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, làm việc trong và ngoài nước.

Năm 2014 là năm đầu tiên Giải thưởng được tổ chức với 52 hồ sơ đăng ký tham dự. Qua 2 năm tổ chức, các nhà khoa học được trao tặng giải thưởng bao gồm GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng 2014) và PGS.TS Nguyễn Bá Ân (Lĩnh vực Vật lý – Giải thưởng 2014). GS. TSKH. Đinh Dũng (Lĩnh vực Khoa học máy tính và thông tin – Giải thưởng 2015), GS. TSKH. Nguyễn Đông Yên (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng 2015), PGS. TS Trần Thanh Hải (Lĩnh vực Khoa học trái đất và môi trường – Giải thưởng 2015), PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng NKH trẻ 2015)".

GS. TS Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

giao lưu trực tuyến với bạn đọc về Giải thưởng Tạ Quang Bửu tại Báo Tiền phong

Vân Anh, vananhho92@gmail.com - 14:15

Là người nghiên cứu khoa học nhiều năm, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa đánh giá như nào về Giải thưởng Tạ Quang Bửu? Bản thân ông có dự định sẽ tham dự giải thưởng này không ạ?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa - 15:21

Là người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và cũng đã được Bộ KHCN 2 lần mời tham gia Hội đồng xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tôi đánh giá rất cao mục tiêu, ý nghĩa cũng như các tiêu chí, quy trình, cách thức tổ chức xét chọn của giải thương.

Chính vì vậy, những nhà khoa học được tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu thật sự là những người đã có những công trình nghiên cứu rất nổi bật và họ xứng đáng được vinh danh.

Bản thân tôi và nhóm nghiên cứu hàng năm cũng có những công trình công bố trên tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, với những điều kiện nghiên cứu thực nghiệm hiện tại, chúng tôi chưa thể công bố các công trình trên tạp chí đỉnh cao. Vì vậy, trong một vài năm tới, chúng tôi chưa thể có những công trình đỉnh cao để tham gia giải thưởng.

Còn khi điều kiện nghiên cứu thực nghiệm tốt hơn, thì tôi nghĩ chúng tôi có thể có những công trình xứng tầm.

Truong Anh Tuan, tuanta@habeco.com.vn - 14:37

Kính gửi Giáo sư Phan Tuấn Nghĩa, xin anh cho biết Hội đồng Khoa học đánh giá yếu tố công trình có yếu tố nước ngoài (được thực hiện ở nước ngoài) căn cứ vào những tiêu chuẩn nào?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa - 15:25

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein.

Thứ nhất, Hội đồng sẽ căn cứ vào tập thể những người thực hiện các đề tài đó, cũng như vị trí, vai trò của các tác giả trong công trình công bố.

Ngoài ra, Hội đồng cũng sẽ căn cứ vào nguồn quỹ tài trợ cho nghiên cứu được ghi rõ trong công trình công bố.

Một yếu tố quan trọng nữa là khi xem xét nội dung và kết quả của công trình thì các nhà khoa học đều biết rằng một số nội dung nghiên cứu chỉ có thể thực hiện khi có các hệ thống phân tích phù hợp và đủ hiện đại, có chuyên gia thích hợp.

Trần Thế, tranthe68@gmail.com - 14:18

Thưa GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, năm nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều công trình tham gia xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu không ạ? Ông có nghĩ trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục có giải hay không?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa - 15:29

Trường đại học KHTN – ĐH QG Hà Nội từng có GS, TS Khoa học Nguyễn Hữu Việt Hưng được tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu về lĩnh vực Toán học năm 2014.

Trong năm 2015, trường cũng có 1 nhà khoa học gửi công trình tham gia giải thưởng trẻ. Tuy vậy, công trình này không được trao giải.

Năm 2016, trường có 2 nhà khoa học đăng kí tham gia xét thưởng. Một nhà khoa học đăng kí giải thưởng chính lĩnh vực Khoa học trái đất và môi trường, và một nhà khoa học đăng kí giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ lĩnh vực Toán học.

Theo thông tin từ Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia, một công trình đăng kí giải thưởng chính đã được Hội đồng đề cử xét chọn. Kết quả của việc xét chọn sẽ được Bộ KH&CN công bố trong thời gian tới.

Mai Hạnh, truongmaihanhNT@gmail.com - 16:14

Thưa GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, tôi nhớ nhiều năm trước đây, Đại học Tổng hợp (bây giờ là Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là lựa chọn hàng đầu cho các thí sinh thi đại học. Điểm thi vào cũng khá cao. Tuy nhiên, bây giờ tôi thấy xu hướng có vẻ ngược lại. Ngày càng ít thí sinh lựa chọn thi vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Phải chăng những người đam mê nghiên cứu ngày càng ít hay cơ chế chính sách của chúng chưa thu hút được những người giỏi đam mê nghiên cứu?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa - 15:49

Đúng, trường ĐH Tổng hợp trước đây, nay là trường ĐH KHTN – ĐH QGHN là niềm mơ ước và tự hào của nhiều thế hệ sinh viên. 

Cũng dễ hiểu thôi, trong một nền kinh tế thị trường, khi mức thu nhập của người dân còn thấp thì người học thường tìm đến những ngành học dễ tìm việc làm và có thu nhập tốt.

Mặc dù, số thí sinh chọn các ngành khoa học cơ bản ở các trường ĐH có giảm so với trước đây nhưng Trường ĐH KHTN cũng rất mừng và tự hào là vẫn có một tỉ lệ cao các sinh viên xuất sắc (tức là những sinh viên đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, những sinh viên có kết quả thi ĐH cao) chọn Trường để học tập.

Thực tế, Trường chúng tôi cũng có một số ngành cơ bản có tỉ lệ thí sinh dự thi chưa cao. Nhưng, bên cạnh đó, cũng có nhiều ngành như: Công nghệ sinh học, Hóa dược, Công nghệ môi trường… vẫn có sự cạnh tranh đầu vào rất cao.

Nhận định cho rằng “những người đam mê nghiên cứu ngày càng ít hay cơ chế chính sách chưa thu hút được những người giỏi đam mê nghiên cứu” cũng đúng một phần. Người làm khoa học hay nghệ thuật hay bất cứ một loại hình nghề nghiệp nào cũng cần một môi trường, điều kiện phù hợp mới phát triển tốt.

Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt chương trình nghiên cứu cơ bản trong Toán học, Vật lý, và sắp tới, như tôi biết, Bộ KH&CN sẽ trình để Chính phủ phê duyệt chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất. Những chương trình này cùng với những chương trình đầu tư của Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học cơ bản phát huy tốt những năng lực và thế mạnh của mình, qua đó có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của đất nước.

Thành, hathanh77@gmail.com - 16:13

Bản thân vừa là một nhà quản lý, vừa là một nhà nghiên cứu, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa đánh giá như nào về những khó khăn mà các nhà nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam đang gặp phải? Theo ông cần có những chính sách như nào để tháo gỡ khó khăn cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa - 15:51

Khó khăn chính mà các nhà khoa học cơ bản Việt Nam gặp phải là kinh phí đầu tư cho nghiên cứu cơ bản còn thấp. Chính vì vậy, sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia là sự hỗ trợ có tính đột phá cho các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.

Tuy nhiên, mức đầu tư của Quỹ cho nghiên cứu cơ bản vẫn rất thấp so với đầu tư cho nghiên cứu cơ bản ở các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Khó khăn thứ hai, đối với các nghiên cứu cơ bản liên quan đến thực nghiệm, mặc dù, trong những năm gần đây, một số cơ sở đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn thiếu những hệ thống thiết bị, phòng thí nghiệm đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cơ bản cũng cần những hệ thống mẫu chuẩn. Ví dụ như trong lĩnh vực Khoa học sự sống thì hệ thống các sinh vật chuẩn, các sinh vật biến đổi các gen xác định để làm mô hình cho nghiên cứu là hết sức cần thiết. Thiếu những điều kiện này, thì các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực thực nghiệm khó có được những công trình mang tính hệ thống và chất lượng cao.

Theo tôi, để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà nghiên cứu cơ bản, trước hết nghiên cứu cơ bản cần được đánh giá đúng vị trí, vai trò của nó. Đó là khoa học nền tảng, hết sức cần thiết cho sự phát triển khoa học công nghệ hay là khoa học ứng dụng. 

Theo đó, cần có sự tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất, đủ đồng bộ và hiện đại, đi cùng việc tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà khoa học.

Nguyễn Hằng, maihangnguyen@gmail.com - 16:12

Thưa GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, công tác nghiên cứu được coi trọng như nào so với công tác giảng dạy. Những năm trở lại đây, nhà trường có nhiều công trình nghiên cứu được công bố quốc tế không ạ?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa - 15:54

Trường ĐH KHTN từ khi thành lập luôn luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học. Bởi vì, đẳng cấp của một trường ĐH phụ thuộc rất nhiều vào nghiên cứu khoa học.

Ở Trường ĐH KHTN, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học có thể nói là được coi trọng như nhau. Việc đánh giá cán bộ giảng dạy hàng năm, bên cạnh tiêu chí về kết quả hoạt động, giảng dạy, đào tạo thì kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học như chủ nhiệm hay tham gia các đề tài nghiên cứu, số lượng công trình công bố, đặc biệt là các công bố quốc tế đều được xem là những tiêu chí chính.

Trong những năm gần đây, mỗi năm, Trường có khoảng 250 công trình công bố trên tạp chí quốc tế. Trong đó, có trên 200 công trình công bố trên tạp chí quốc tế ISI. Xét về tỉ lệ số công bố quốc tế/cán bộ khoa học, có thể nói Trường ĐH KHTN là trường đứng ở vị trí top đầu trong cả nước, mặc dù, con số này còn khá khiêm tốn so với các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Cuộc giao lưu kết thúc vào lúc 16h hôm nay. Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong gửi lời cảm ơn tới các vị khách mời.

(Trích dẫn từ nguồn Báo Tiền phong tại địa chỉ: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/giao-luu-truc-tuyen-giai-thuong-ta-quang-...)

Chi tiết về cuộc giao lưu trực tuyến về Giải thưởng Tạ Quang Bửu  tại báo Tiền Phong xem tại đây.