Hội thảo Đánh giá và rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng

Chiều ngày 18/12/2014, Trường ĐHKHTN tổ chức Hội thảo Đánh giá và rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng.

Chiều ngày 18/12/2014, Trường ĐHKHTN tổ chức Hội thảo Đánh giá và rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình đào tạo (CTĐT) Cử nhân Khoa học Tài năng. Tham dự hội thảo có GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng cùng các giáo sư, nhà giáo đã và đang tham gia Ban Điều hành, giảng dạy hệ Cử nhân Khoa học Tài năng (CNKHTN), đại diện Ban Chủ nhiệm các Khoa có CTĐT này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh báo cáo tình hình thực hiện chương trình tài năng giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Qua đó các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về CTĐT, quản lý CTĐT CNKHTN trong giai đoạn tới.

Là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước tổ chức CTĐT CNKHTN từ năm 1997 (lúc đầu chỉ có ngành Toán học), đến nay CTĐT này đã khẳng định được thương hiệu và uy tín trong nước cũng như với các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Sinh viên được tuyển chọn vào chương trình CNKHTN (Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học) chủ yếu là các học sinh đạt giải Olympic quốc tế, học sinh đạt giải trong các kỳ thi HSG quốc gia, vùng, thủ khoa, á khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Trong giai đoạn 2008 – 2012, các chương trình đào tạo tài năng được tích hợp cùng các chương trình tiên tiến (Toán học, Hóa học) và các chương trình đạt chuẩn quốc tế (Vật lý, Sinh học) với khung chương trình và chương trình chi tiết dựa trên chương trình của trường đối tác Hoa Kỳ và chuẩn đầu ra của ĐHQGHN trong khuôn khổ nhiệm vụ chiến lược. Sinh viên có thêm 2 kỳ dự bị học Tiếng Anh và khối kiến thức khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, thời gian đào tạo kéo dài 4,5 – 5 năm. Từ khóa QH.2013.T, sinh viên CTĐT CNKHTN được tổ chức theo lớp riêng theo ngành đào tạo và ngôn ngữ giảng dạy hầu hết là Tiếng Việt. Chương trình được tổ chức theo thứ tự từ đại cương, cơ bản và chuyên ngành, được chia thành 4 năm.

Trong thời gian học chương trình đại cương và chuyên ngành, sinh viên có thể tham gia các chương trình trao đổi quốc tế hoặc trong nước, hoặc chuyển sang bất kỳ trường đại học nào khác để tiếp tục học các chương trình liên quan.

Từ năm 2008 đến nay đã có 474 sinh viên nhập học các CTĐT CNKHTN các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Trong năm 2012 – 2014, các giảng viên và sinh viên thuộc CTĐT CNKHTN đã công bố nhiều công trình khoa học tiêu biểu: ngành Toán học (160 công trình), ngành Vật lý (220 công trình), ngành Hóa học (tỉ lệ 0,75 – 1,2 bài báo khoa học/ sinh viên tài năng), ngành Sinh học (khoảng 40 công trình),… Sinh viên CTĐT CNKHTN giành nhiều giải thưởng tại các kỳ thi Olympic sinh viên quốc gia và quốc tế; phần lớn sinh viên học tiếp ở nước ngoài trước khi tốt nghiệp/ hoặc tiếp tục làm tiến sĩ sau tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng như ĐH MIT, Illinois, Chicago, Maryland (Hoa Kỳ); Bách khoa Paris, Lyon (CH Pháp), Imperial College London (Anh); Osaka, Tokyo, Kyoto (Nhật Bản), NTU (Singapore), v.v…

Tại hội thảo, các giáo sư, đại diện Ban Chủ nhiệm các khoa đã phát biểu, trình bày tham luận, thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm “chấn hưng” CTĐT CNKHTN – chương trình đã có thương hiệu và uy tín của Trường ĐHKHTN. GS. Đàm Trung Đồn – người đã từng tham gia Ban Điều hành CTĐT CNKHTN từ khóa đầu tiên chia sẻ: Cần phải hiểu CTĐT CNKHTN không chỉ là nơi đào tạo học sinh thành tài năng mà là nơi học sinh tự đào tạo mình thành tài năng, do đó cần tạo môi trường học tập mà ở đó học sinh tự học, tự phát huy được khả năng của mình dưới sự hướng dẫn của các nhà giáo giỏi. Chính cái tên “tài năng” của chương trình đã thu hút học sinh giỏi, học sinh cảm thấy tự hào khi được học chương trình này. Do vậy, cần thu hút được sinh viên giỏi, mời được các nhà khoa học nối tiếng đỡ đầu, cộng tác với chương trình. Giáo sư Trần Thanh Vân – Việt kiều Pháp là một trong những người có công rất lớn trong việc mời các nhà khoa học nổi tiếng, các giáo sư đạt giải Nobel về nước thuyết trình, giảng dạy.

Phần lớn các ý kiến đều đề xuất: bên cạnh việc thu hút học sinh giỏi; cần xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi cho CTĐT này (có thể mời ngay các cựu sinh viên thành đạt từ chương trình này về dạy); xây dựng giáo trình riêng cho CTĐT; có sự tích hợp (sinh viên các ngành cùng học môn chung, có các hoạt động ngoại khóa gắn kết sinh viên CNKHTN giữa các khoa); củng cố và mở rộng các mối quan hệ quốc tế,… sẽ giúp nâng cao chất lượng cũng như quảng bá được sinh viên tài năng của chương trình với quốc tế, từ đó sẽ khẳng định nâng cao uy tín của Nhà trường.

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên