Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững (IYBSSD2022) sẽ chính thức được khai mạc với Hội nghị “Khoa học, Đạo đức học và Sự phát triển con người” tổ chức ngày 30/6/2022 – ngày 01/7/ 2022 tại trụ sở UNESCO (Paris). Các sự kiện và hoạt động sẽ được tổ chức trên khắp thế giới cho đến ngày 30/6/2023.

Nghị quyết về việc ban hành năm 2022 là Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 2/12/2021.

Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn năm 2022 là Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản

Với nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đề nghị các quốc gia thành viên, các tổ chức của hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức toàn cầu cũng như các bên liên quan, các cá nhân khác nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên quốc gia. Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản sẽ giúp tăng cường sự tham gia toàn diện vào khoa học, tăng cường giáo dục và đào tạo khoa học, tăng cường tài trợ cho khoa học cơ bản, và phổ biến Khoa học Mở.

Đề án Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản vì phát triển bền vững được xây dựng từ năm 2018, dưới sự chủ trì của ông Michel Spiro, Chủ tịch được chỉ định của Liên đoàn Quốc tế về Vật lý Thuần túy và Ứng dụng (IUPAP) và GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp), với sự tham gia của 40 Viện Hàn lâm, Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế trên thế giới. Đề án còn có sự bảo trợ cấp cao về khoa học của 28 nhà khoa học đạt giải Nobel và giải Field. GS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam duy nhất trong Hội đồng Bảo trợ cấp cao về khoa học cho Đề án này. Việt Nam là quốc gia đầu tiên chấp nhận đồng tác giả dự thảo bản đề án trình lên Liên hợp quốc.

UNESCO sẽ đóng vai trò là cơ quan chủ trì và đầu mối của Năm quốc tế Khoa học cơ bản. Chương trình của Năm quốc tế Khoa học cơ bản sẽ được phát triển với sự cộng tác của các tổ chức có liên quan khác của hệ thống Liên hợp quốc, IUPAP, CERN và các tổ chức, liên đoàn liên quan của họ trên toàn thế giới.

Là một trường đại học có nền tảng về khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tích cực trong công tác đào tạo, nghiên cứu về khoa học cơ bản và khoa học công nghệ.

Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn năm 2022 là Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản

Sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong phòng máy.

Trường hiện có 08 khoa (Toán - Cơ - Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng Thủy văn và Hải dương học) với 27 ngành đào tạo ở bậc đại học, 47 chuyên ngành bậc đào tạo thạc sĩ, 43 chuyên ngành bậc đào tạo tiến sĩ. Các ngành đào tạo của Nhà trường mang đặc trưng của khoa học cơ bản, khoa học công nghệ và khoa học liên ngành, hướng tới công nghiệp 4.0 và sự phát triển bền vững.

Sinh viên, học viên của nhà trường được đào tạo và rèn luyện để có tư duy vững chắc, sự sáng tạo và đam mê với khoa học. Đây là bệ phóng quan trọng để sinh viên, học viên có sự nghiệp tốt trong tương lai, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tìm hiểu về các ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại đây