Hội thảo khoa học quốc tế về "Công nghệ chế tạo và ứng dụng thiết bị phân tích"

Hội thảo khoa học quốc tế về "Công nghệ chế tạo và ứng dụng thiết bị phân tích" do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp cùng JAIMA, Đại học Tokyo tổ chức tại Hà Nội ngày 04/8/2015.

Ngày 04/8/2015, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp cùng Hiệp Hội Chế tạo thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA) và Trường Đại học Tokyo tổ chức Hội thảo “Công nghệ chế tạo và ứng dụng thiết bị phân tích”.

Tham dự Hội thảo có GS Takehiko Kitamori – Trường Đại học Tokyo, Ngài Hisashi Sugisawa – Chủ tịch Hiệp hội chế tạo thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA) và 110 nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Tokyo, Trung tâm nghiên cứu Toray, JAIMA và các chuyên gia thuộc Chương trình đào tạo tại chỗ về hóa học phân tích OEPAC (On-site Education Program in Analytical Chemistry).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, Trường ĐHKHTN vinh dự được phối hợp với Trường ĐH Tokyo và Hiệp hội JAIMA tổ chức hội thảo này với hy vọng tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, chế tạo thiết bị phân tích để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu tại Việt Nam và Nhật Bản.

OEPAC thuộc khuôn khổ dự án Global Super Fund do Trường ĐH Tokyo phối hợp với Hiệp hội JAIMA là một chương trình đào tạo lớn, có ý nghĩa thực tế cao trong việc đào tạo nhằm nâng cao năng lực về thực nghiệm nói chung và hóa học phân tích ứng dụng nói riêng tại Việt Nam.

Mục tiêu của hội thảo nhằm giới thiệu lộ trình xây dựng và triển khai các hoạt động của chương trình OEPAC; tăng cường sự hiểu biết, đánh giá nhu cầu, tiềm năng giữa các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong nước với hiệp hội JAIMA và các công ty sản xuất, phân phối thiết bị phân tích. Có 8 báo cáo được trình bày tại hội thảo, cung cấp những thông tin hữu ích nhằm phát triển hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong chương trình đào tạo OEPAC, nâng cao chương trình đào tạo về lý thuyết và thực hành về hóa học phân tích của bậc đại học và sau đại học tại các trường đại học tại Việt nam lên tầm quốc tế; và nâng cao vai trò của khoa học chế tạo và ứng dụng thiết bị phân tích trong nghiên cứu và ứng dụng.

Hội thảo là sự mở đầu tốt đẹp cho các hoạt động tiếp theo của chương trình đào tạo OEPAC; tạo diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực chế tạo và ứng dụng các thiết bị phân tích trong các nghiên cứu chuyên sâu về môi trường, vật liệu, thực phẩm, y sinh,...

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên