Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh

“Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh” là chủ đề của Phiên toàn thể Hội nghị khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQGHN diễn ra vào ngày 26/10/2018 vừa qua.

Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh” là chủ đề của Phiên toàn thể Hội nghị khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQGHN diễn ra vào ngày 26/10/2018 vừa qua.

Toàn cảnh Hội nghị khoa học phiên toàn thể

Trường ĐHKHTN tổ chức Hội nghị khoa học định kỳ 2 năm một lần, bao gồm Phiên toàn thể và Hội nghị khoa học ở 9 tiểu ban, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước. Coi nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, Hội nghị trở thành diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài Trường ĐHKHTN trao đổi, chia sẻ những ý tưởng, kết quả, kinh nghiệm quý báu của mình và thảo luận để tìm các giải pháp thúc đẩy các nghiên cứu, đồng thời định hướng cho các hoạt động nghiên cứu trong thời gian tiếp theo.

Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài Trường ĐHKHTN

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có PGS.TS. Hoàng Minh - Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; PGS.TS. Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước; ThS. Đỗ Thiên Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và hỗ trợ tư vấn - Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Về phía ĐHQGHN có GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo; TS. Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ; PGS.TS. Phạm Xuân Hoan, Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính. Về phía các đơn vị bạn và đối tác, có GS.TS. Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ - ĐH Bách khoa Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ban Giám hiệu, Ban lãnh đạo các Khoa, các đơn vị nghiên cứu trực thuộc, đại diện các phòng ban chức năng của Trường ĐHKHTN và đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Trường đã tham dự Hội nghị quan trọng này.

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo “Phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm gắn với sự hình thành và phát triển nhóm nghiên cứu Công nghệ enzyme và protein”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng cho biết, trong chiến lược phát triển, Trường ĐHKHTN xác định trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến ở châu Á vào năm 2035. “Chúng tôi xác định thúc đẩy các nghiên cứu với mong muốn vươn đến tầm châu lục và thế giới. Giải pháp thúc đẩy các nghiên cứu chất lượng cao là thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh”, Phó Hiệu trưởng khẳng định.

PGS.TS. Trần Quốc Bình báo cáo về “Kết quả xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh ở Trường ĐHKHTN giai đoạn 2014-2018”

PGS.TS. Hoàng Minh và TS. Hoàng Xuân Long giới thiệu về Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 2395)

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức báo cáo “Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu qua thực tiễn và kinh nghiệm của nhóm nghiên cứu về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN”

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận tích cực của các nhà khoa học trong và ngoài Trường ĐHKHTN. Đa số đại biểu thống nhất vai trò quan trọng của các nhóm nghiên cứu trong trường đại học, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu mạnh. Các nhóm nghiên cứu mạnh cần được đầu tư hơn nữa và cần được phát hiện càng sớm càng tốt để có thể phát huy thế mạnh chuyên môn của mình. Riêng các nhóm nghiên cứu mạnh có những ý tưởng, hướng nghiên cứu bứt phá, mang tầm vóc thế giới phải được nhận cơ chế đầu tư đặc biệt.

Đại biểu tích cực thảo luận tại Hội nghị

Hội nghị cũng cho rằng các nhóm nghiên cứu mạnh, nhất là các nhóm nghiên cứu mạnh thực nghiệm luôn cần sự hỗ trợ gắn liền sự hình thành của phòng thí nghiệm trọng điểm. Cần cơ chế phù hợp cho các phòng thí nghiệm trọng điểm để tập hợp lực lượng, điều hành điều phối các nhóm nghiên cứu hiệu quả.

Đại biểu tích cực thảo luận tại Hội nghị

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Bên cạnh các sản phẩm công bố đỉnh cao, các nhóm nghiên cứu mạnh ở Trường ĐHKHTN nói riêng, ĐHQGHN nói chung cần quan tâm hơn nữa đến các nhu cầu xã hội để có những sản phẩm ứng dụng và thu hút đầu tư”.

Đại biểu tích cực thảo luận tại Hội nghị

Nhiều năm qua, Trường ĐHKHTN được xem là lá cờ đầu trong hoạt động nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN, với 10 nhóm nghiên cứu mạnh và 01 nhóm nghiên cứu tiềm năng được ĐHQGHN xét công nhận. Hàng năm, Trường chủ trì khoảng 20 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, 55 đề tài quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, 10 đề tài quốc tế và nhiều đề tài các cấp khác. Khoảng 300 bài báo công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa học tự nhiên.

Trong những năm gần đây, Trường mong muốn thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, có thể thương mại hoá, nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2018, trường có 4 sản phẩm được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ gồm 1 sáng chế và 3 giải pháp hữu ích.

Theo Bảng xếp hạng Nature Index 2018, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, xếp thứ hai trong top 10 cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu của Việt Nam (sau Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), phản ánh quy mô công bố và mức độ sự hợp tác nghiên cứu chất lượng cao.

  • Website cựu sinh viên