Hội thảo quốc tế lần thứ hai về Các hiện tượng thời tiết cực đoan trên nền khí hậu đang biến đổi ở các lục địa tiếp giáp biển

Hội thảo quốc tế lần thứ hai SEASTAS đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 23/8/2016.

Ngày 23/8/2016, “Hội thảo quốc tế lần thứ 2 (IWS) về Các hiện tượng thời tiết cực đoan trên nền khí hậu đang biến đổi ở các lục địa tiếp giáp biển và Khóa học về khoa học khí quyển nhiệt đới khu vực Đông Nam Á (SEASTAS)” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp với Đại học Kyoto, Nhật Bản đồng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 23/8/2016 – 26/8/2016.

Hội thảo thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực dự báo thời tiết, biến đổi khí hậu đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Indonesia; các nhà khoa học, giảng viên đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu trong nước như Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Vật lý Địa cầu – Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam; Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, và các giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên năm cuối Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS Phan Tuấn Nghĩa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 5 nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vinh dự là đơn vị tổ chức hội thảo lần này, tiếp nối thành công hội thảo lần thứ nhất được tổ chức tại Indonesia năm 2015. Các nội dung được trình bày tại hội thảo sẽ góp phần giúp nhà hoạch định, quản lý nói chung, Việt Nam nói riêng có hướng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Gần 30 báo cáo được trình bày tại hội thảo và khóa học, nội dung tập trung tới các vấn đề liên quan tới thời tiết, khí hậu như:

-         Dự báo bão ở Việt Nam bằng phương pháp BGM và LETKF;

-         Vai trò của cơ chế vật lý WHISHE trong sự hình thành thành mắt bão;

-         Cơ chế vật lý của các đợt mưa lớn ở Việt Nam;

-         Cải tiến sơ đồ mây và đối lưu cho vùng nhiệt đới;

-         Ứng dụng các kỹ thuật tổ hợp cho các nhiễu động nhiệt đới;

-         Các nhiễu động quy mô vừa;

-         Các dao động tần số thấp và cơ chế vật lý,…

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý cũng như cán bộ, giảng viên, học viên sau đại học chia sẻ, cập nhật thông tin, những hướng nghiên cứu mới, ứng dụng mới trong lĩnh vực thời tiết,…

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên