Hai công trình khoa học của Trường ĐHKHTN được tặng Giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN năm 2018

Ngày 15/11/2018, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ký Quyết định số 3926/QĐ-ĐHQGHN trao tặng Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2018 cho 04 công trình/cụm công trình.

Ngày 15/11/2018, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ký Quyết định số 3926/QĐ-ĐHQGHN trao tặng Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2018 cho 04 công trình/cụm công trình. Trong số đó, 02 công trình của các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) vinh dự được tặng giải thưởng.

Giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN (tên tiếng Anh: VNU Prize of Science and Technology) nhằm khích lệ, tôn vinh những công trình hoặc cụm công trình KH&CN của các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học. Giải thưởng góp phần xây dựng môi trường học thuật thuận lợi, thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN và khẳng định vị thế hàng đầu của ĐHQGHN trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức KH&CN của đất nước. Giải thưởng được xét tặng 03 năm một lần dành cho tối đa 05 công trình KH&CN đặc biệt xuất sắc, có tầm vóc khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao, tiêu biểu cho các lĩnh vực của ĐHQGHN, đã công bố hoặc công nhận đăng ký chính thức trước thời điểm hết hạn hồ sơ ít nhất 01 năm.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn trao tặng Giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN năm 2018 cho các nhà khoa học. GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa (thứ 2 từ trái sang), TS. Lê Quý Thường (bìa trái).

Ngày 19/11/2018 tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tôn vinh và trao tặng Giải thưởng năm 2018 cho 04 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 02 công trình thuộc về các nhà khoa học của Trường ĐHKHTN. Cụ thể như sau:

- Công trình “Phát hiện và định lượng đột biến gen ty thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh” thuộc Lĩnh vực khoa học và công nghệ sự sống, loại hình công trình nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ của tập thể tác giả: GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa (tác giả chính, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein) và các đồng tác giả: TS. Nguyễn Thị Hồng Loan, TS. Trương Thị Huệ, PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh, ThS. Nguyễn Văn Minh, ThS. Phùng Bảo Khánh, TS. Cao Vũ Hùng, BS. Phạm Thị Vân Anh, ThS. Lê Ngọc Anh, PGS.TS. Nguyễn Văn Liệu, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, TS. Vũ Thị Thu, CN. Chamara Arachchighe Lahiru Weerasinghe, CN. Bùi Thị Bích Hồng, ThS. Chu Văn Mẫn, ThS. Trịnh Lê Phương.

Công trình nghiên cứu này tập trung vào việc thiết lập các quy trình phân tích và định lượng một số đột biến gen ty thể phổ biến để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh do đột biến gen ty thể gây ra và tư vấn di truyền cho người bệnh.

Các tác giả đã xây dựng được quy trình phát hiện 18 loại đột biến gen ty thể phổ biến bằng kỹ thuật PCR-RFLP kết hợp với xác định trình tự gen. Trong đó, một phần kết quả của quy trình đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số hiệu VN 2-0001894 ngày 30/10/2018. Công nghệ tạo bộ kit phát hiện và định lượng 6 đột biến gen ty thể phổ biến A3243G, G3380A, A8344G, T8993C, T8993G, G11778A bằng real-time PCR đã được đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ và được chấp nhận đơn hợp lệ. Công nghệ cũng đã được chuyển giao qua 01 hợp đồng cho Công ty ANABIO R&D.

Công trình đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu và công nghệ tạo ra trong phát hiện đột biến gen ty thể với 482 bệnh nhân nghi bị bệnh ty thể tại Bệnh viện Nhi Trung ương và phát hiện được 17 bệnh nhân bị đột biến gen ty thể (thuộc một trong số các đột biến nêu trên). Bên cạnh các kết quả đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhóm tác giả đã công bố các kết quả nghiên cứu trong 03 bài báo thuộc tạp chí quốc tế (ISI/SCOPUS), 05 bài báo trên tạp chí quốc gia, 01 báo cáo tại Hội nghị quốc tế; đào tạo thành công 01 tiến sĩ, 03 thạc sĩ và 11 cử nhân theo hướng nghiên cứu này.

     - Công trình “Thớ Milnor motivic và ứng dụng vào lý thuyết Donaldson-Thomas” thuộc Lĩnh vực khoa học và công nghệ thông tin và tính toán, loại hình công trình nghiên cứu cơ bản của TS. Lê Quý Thường, Khoa Toán - Cơ - Tin học.

Cụm công trình này bao gồm 02 bài báo: Proofs of the integral identity conjecture over algebraically closed fields (Duke Mathematical Journal) và The motivic Thom-Sebastiani theorem for regular and formal functions (Journal für die reine und angewandte Mathematik). Cả hai bài báo này đều có giá trị khoa học lớn và tầm quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển của Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic.

Lý thuyết bất biến Donalson-Thomas là một trong những “hòn đá tảng” của Hình học đại số và Vật lý toán hiện đại, được hai nhà toán học người Anh Donaldson và Thomas xây dựng năm 1998. Điểm đáng chú ý là, sự tồn tại của đối tượng nghiên cứu (bất biến Donaldson-Thomas motivic) phụ thuộc vào Giả thuyết đồng nhất tích phân và phiên bản cho hàm hình thức của Định lý Thom-Sebastiani motivic - là những điều chưa được chứng minh. Kontsevich (được nhận Giải thưởng Fields năm 1998) và Soibelman tạm thời thừa nhận chúng và cùng nhiều nhà toán học khác, phát triển Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic thành một lý thuyết đồ sộ. Nếu Giả thuyết đồng nhất tích phân sai, toàn bộ Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic sẽ sụp đổ! Cụm công trình của TS. Lê Quý Thường đã có ý nghĩa lớn khi chứng minh Giả thuyết đồng nhất tích phân và Định lý Thom-Sebastiani motivic cho hàm hình thức.

02 Giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN năm 2018 trên là sự ghi nhận và khích lệ đối với những đóng góp tích cực của các nhà khoa học cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKHTN nói riêng và của ĐHQGHN nói chung. Trường ĐĐHKHTN trân trọng chúc mừng các tác giả, tập thể tác giả được nhận Giải thưởng và chúc các nhà khoa học sẽ gặt hái thêm nhiều thành công mới trong tương lai.

Bản tin KH-CN, HUS.

Một số thông tin liên quan:

http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N23170/dHQGHN-ton-vinh-4-cong-trinh-nghien-cuu-khoa-hoc-nam-2018.htm

https://vnu.edu.vn/ttsk/?C2095/N23158/Tang-giai-thuong-dHQGHN-ve-KH&CN-nam-2018-cho-4-cong-trinh-khoa-hoc.htm

  • Website cựu sinh viên