Giảng viên Trường ĐHKHTN đạt Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” năm 2018

TS. Phạm Tiến Đức, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vinh dự đón nhận giải Ba Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” năm 2018.

TS. Phạm Tiến Đức, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vinh dự đón nhận giải Ba Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” năm 2018. 

Lễ Tổng kết và Trao Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” năm 2018 diễn ra vào ngày 27/10/2018 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Đại học Huế tổ chức.

Tham dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); ông Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn TNCS HCM,  ông Lê Đăng Thọ, Giám đốc Qũy VIFOTEC, Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam (KHKT VN). Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; đại biểu đại diện các đơn vị cùng các giảng viên và sinh viên của các trường Đại học trong toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng.

Tại buổi lễ, Bộ GD&ĐT đã trao tặng giải Ba Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” năm 2018 cho TS. Phạm Tiến Đức, Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. TS. Phạm Tiến Đức đại diện tập thể tác giả của công trình “Adsorptive removal of copper by using surfactant modified laterite soil” đăng trên tạp chí Hóa học (Journal of Chemistry (2017), 2017, Article ID 1986071). Đây là công trình khoa học tiên phong trên thế giới nghiên cứu thành công việc biến tính vật liệu Laterite (đá ong) bằng chất hoạt động bề mặt thân thiện với môi trường là dodecyl sulphat (SDS) với mục đích tăng dung lượng hấp phụ để xử lý ion Cu2+ trong nước. Đặc tính hấp phụ của ion Cu2+ trên vật liệu Laterite đã được biến tính bằng SDS được đánh giá một cách hệ thống bằng thực nghiệm và được mô hình hóa để khẳng định cơ chế hấp phụ. Kết quả của công trình mở ra một triển vọng lớn trong việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vật liệu đá ong sẵn có, rẻ tiền để xử lý ion kim loại nặng trong môi trường nước theo hướng xanh và bền vững.

TS. Phạm Tiến Đức (thứ 7 từ trái sang phải) nhận chứng nhận Giải thưởng“Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học”

Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” nhằm biểu dương những thành tích xuất sắc và khuyến khích giảng viên trẻ ở các trường đại học tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, phát hiện và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Các đối tượng được xét giải là những công trình khoa học và công nghệ của giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, người có công trình khoa học tham gia giải thưởng có độ tuổi từ 35 trở xuống.

Năm nay, Bộ GD&ĐT giao cho Đại học Đà Nẵng tổ chức vòng 1 và 2. Có 76 hồ sơ công trình tham dự thuộc 6 lĩnh vực, được chia thành 11 hội đồng. 28 công trình được xét vòng 2. Kết quả, 7 đề tài đạt giải Nhất, 13 đề tài đạt giải Nhì và 16 đề tài đạt giải Ba, 5 giải Khuyến khích.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chúc mừng TS. Phạm Tiến Đức, Khoa Hóa học cùng tập thể tác giả công trình đã được tặng Giải thưởng. Nhà trường mong rằng, với sự quan tâm và động viên khích lệ của Bộ GD&ĐT và của cơ quan quản lý các cấp, nhóm sẽ có thêm nhiều công trình khoa học chất lượng cao được công bố trong thời gian tới.

Bản tin KH-CN, HUS.

  • Website cựu sinh viên