Cán bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nghiên cứu bảo tồn loài Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam

Đây là đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, được nhóm cán bộ Khoa Sinh học, Khoa Môi trường, Khoa Địa lý tiến hành từ tháng 01/2019, dự kiến kết thúc vào giữa năm 2021. Trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc quần thể cũng như tính di truyền của loài Voọc mông trắng , nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng mô hình phân bố của loài (có tính đến kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam), đồng thời đánh giá nguy cơ đe doạ và đề xuất các biện pháp bảo tồn những quần thể Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam.

Cán bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nghiên cứu bảo tồn loài Voọc mông trắng  ở miền Bắc Việt Nam
Voọc mông trắng. Ảnh: TS. Nguyễn Vĩnh Thanh.

Theo TS. Nguyễn Vĩnh Thanh, giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chủ nhiệm đề tài: “Voọc mông trắng (tên khoa học Trachypithecus delacouri) là loài động vật đặc hữu chỉ có ở vài tỉnh của Việt Nam. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp Voọc mông trắng thuộc nhóm 25 loài khỉ quý hiếm nhất thế giới. Hình ảnh những con voọc hiền hòa kết hợp với phong cảnh đầm nước trong xanh và núi đá vôi hùng vĩ của Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, tỉnh Ninh Bình đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với du khách, đem lại nguồn thu lớn từ du lịch cho địa phương.

Cán bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nghiên cứu bảo tồn loài Voọc mông trắng  ở miền Bắc Việt Nam
Cán bộ nghiên cứu lấy mẫu phân Voọc trên núi.

Hiện tại, quần thể Voọc mông trắng bị chia cắt mạnh, chỉ còn ở một số núi đá vôi, với số lượng ước lượng còn khoảng 250 cá thể. Một đàn Voọc mông trắng thường chỉ có 1 cá thể đực trưởng thành, do đó rất dễ bị suy thoái về mặt di truyền nếu quần thể bị cô lập hoặc cá thể đực đó bị chết”.

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện khảo sát các vị trí phân bố của Voọc ở một số địa phương, ghi nhận số lượng quần thể, vị trí phân bố trong quá khứ và hiện tại, thu thập các dữ liệu thảm thực vật, dữ liệu địa hình, khí hậu (Các kết quả sẽ được phân tích trên phần mềm MaxEnt theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, từ đó đưa ra mô hình hóa và dự báo phân bố của loài Voọc mông trắng trong tương lai).

Nhóm cũng đã thu thập các mẫu phân Voọc trên thực địa và thiết kế các đoạn mồi ADN để phân tích tiếp trong phòng thí nghiệm, đồng thời phỏng vấn các đối tượng có liên quan đến bảo tồn Voọc ở một số địa phương có Voọc sinh sống để phân tích thống kê đánh giá mối nguy cơ cho bảo tồn, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn loài quý hiếm này.

Trước đây Voọc mông trắng ghi nhận phân bố ở một số tỉnh miền Bắc, nhưng ngày nay loài này chỉ gặp ở 4 tỉnh là: Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam; không còn thông tin cập nhật ở những nơi khác. Việt Nam đang duy trì một số khu bảo tồn thiên nhiên để bảo tồn loài này, cũng như ban hành nhiều quy định pháp luật để bảo vệ chúng, tuy nhiên do đặc điểm tập tính của loài cũng như hạn chế về sinh cảnh, Voọc mông trắng đang được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp, cần được ưu tiên bảo vệ.

 

  • Website cựu sinh viên