Khám phá hành trình nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh ngành Hóa dược

Nhiều bạn chắc sẽ thắc mắc rằng, con gái ngành Hóa dược chúng mình khi làm khoa học sẽ như thế nào nhỉ? Phải chăng luôn luôn là hình ảnh bên những ống nghiệm với đôi kính cận dày cộp và những chồng sách cao ngất ngưởng bên mình? Hãy cùng cô nữ sinh Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh viên K62 Hóa dược, khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên người mới đây đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ GD&ĐT năm 2020 tìm hiểu hành trình nghiên cứu khoa học muôn màu này nhé.

Khám phá hành trình nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh ngành Hóa dược
Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh, K62 Hóa dược, khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN đạt giải Nhì tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ GD&ĐT năm 2020

Tâm sự của nữ sinh ngành Hóa dược trên hành trình chinh phục giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học

Gần 4 năm được học tập, được là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, em cảm thấy tự hào và may mắn. Đã có nhiều lúc bạn bè của em thường hỏi có hối hận khi học đại học không, có hối hận khi vào trường này không, cũng có nhiều bạn vì thế mà từ bỏ giữa chừng. Mặc dù nơi đây không phải là điểm đến ban đầu trong dự định, ước mơ của em nhưng hiện tại cho đến thời điểm này em cực kỳ chắc chắn đây là lựa chọn đúng đắn và may mắn khi được học tập dưới ngôi trường này. Càng may mắn hơn khi em được là sinh viên khoa Hóa học, là sinh viên được thầy Phạm Tiến Đức hướng dẫn. Cũng như bao bạn khác, em có cơ hội xin thầy cô hướng dẫn nghiên cứu sinh viên khoa học. Tình cơ trước đó em có theo học môn cơ sở hóa phân tích do thầy Đức dạy, cảm thấy phong cách dạy của thầy đặc biệt, con người thầy luôn vui vẻ, gần gũi nên em quyết định đăng ký học thực tập cơ sở hóa phân tích của thầy. Và điều không ngờ tới đó là em lại may mắn khi được làm nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của thầy. Đến bây giờ em cũng không biết tại sao thầy lại chọn em bởi vì ngành học của em cũng có nhiều bạn xin theo thầy trong đó có rất nhiều bạn rất xuất sắc. Nhờ được thầy giúp đỡ và luôn tận tình hướng dẫn, tâm huyết với nghề nên em mới có được thành tích như ngày hôm nay. Em cảm thấy thầy em là số 1 luôn! Cần gì có đó, cần hỗ trợ gì thầy luôn sẵn sàng, thầy luôn gần gũi với sinh viên. Những lúc chúng em làm gì không đúng thì thầy cũng chỉ nói là “không được, em làm thế là không đúng, không hiểu chỗ nào phải hỏi mình ngay, không thì có các anh chị trong lab”.

Khám phá hành trình nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh ngành Hóa dược
Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh cùng TS. Phạm Tiến Đức tại lễ trao giải cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ GD&ĐT năm 2020.

Thật sự may mắn khi được vào lab phân tích, khi được thầy hướng dẫn, thầy luôn bảo lab là gia đình khoa học, một gia đình thực sự đối với em. Tính tới thời điểm này, em cũng đã lên lab được hơn 1 năm, 1 năm qua em được gặp nhiều anh chị, bạn bè luôn giúp đỡ, chỉ dạy tận tình trong học tập cũng như trong cuộc sống. Có team cùng nói chuyện, cùng đi ăn rồi lại chia sẻ, tâm sự rồi lâu lâu lab em lại đi ăn cùng nhau. Mọi người hay hỏi sao lab thầy Đức hay đi ăn với nhau thế, thành thật thì bọn em vừa ăn lại vừa “ trao đổi học thuật”.

Nói đến chuyện làm nghiên cứu, em thấy làm cái gì cũng thế đều cần sự cố gắng, chăm chỉ và học hỏi thì làm nghiên cứu tất nhiên cũng cần và đỏi hỏi phải hơn thế. Đã là nghiên cứu thì ban đầu sẽ chưa biết kết quả nên cần phải từ từ, từng bước một mới có thể thấy được ánh sáng. Ban đầu em cũng chật vật, làm mãi không ra kết quả, cũng có chán nản nhưng chắc kết quả không tốt nhiều miết rồi cũng thành quen. Nhưng cũng nhờ được thầy luôn động viên, luôn xem kết quả hôm nay em làm thế nào, nguyên nhân sai do đâu, vì sao nó chưa tốt mà cuối cùng em cũng có được những kết quả tốt hơn.

Giờ đây, em cùng các bạn sinh viên khác đã kết thúc Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Chuyến đi thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi đã để lại cho em nhiều kỷ niệm đẹp. Lúc đầu chúng em chưa thân thiết, chỉ là những người bạn cùng trường đi vào tham dự một cuộc thi với nhau. Tuy nhiên sau thời gian 4 ngày không phải là nhiều nhưng bọn em được cùng vui, cùng sinh hoạt, cùng nhau thuyết trình trước hôm thi, cùng đi chơi đã kéo bọn em sát lại nhau hơn. Đặc biêt, chuyến đi vừa rồi em được gặp cô Nguyễn Hải Hà - là người dẫn đoàn tham dự cuộc thi, cô đã chia sẻ kinh nghiệm cho em nên thuyết trình thế nào, cách chào thế nào, cách trả lời câu hỏi ban giám khảo rồi cùng cô chụp ảnh, cùng cô đi tham qua nhiều địa điểm ở Sài Gòn. Trong suốt chuyến đi vì sức khỏe em không tốt nên cô luôn quan tâm, chăm sóc, động viên em giúp em cảm thấy gần gũi với cô và các bạn hơn.

         Một chặng đường đã qua cũng có nhiều thử thách ở phía trước hơn nữa nhưng để đạt được kết quả như ngày hôm nay, em xin cảm ơn tới Ban giám hiệu Nhà trường, thầy cô phòng Khoa học - Công nghệ, thầy cô khoa Hóa học, Bộ môn Hóa phân tích đã tổ chức các cuộc thi, buổi báo cáo tại cấp bộ môn, cấp khoa và cấp trường để em có cơ hội “công bố” kết quả nghiên cứu của mình. Lời đặc biệt nhất, em xin gửi lời biết ơn sâu sắc tới thầy Phạm Tiến Đức - người thầy hướng dẫn đã luôn đồng hành cùng em từ làm thí nghiệm, xử lý số liệu, sửa báo cáo, chỉ dẫn em nên thuyết trình, trả lời câu hỏi như thế nào…Em cảm thấy vinh dự và tự hào khi được là một trong bốn nhóm sinh viên của Trường tham dự vòng chung khảo “ Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020 lần này.

Khám phá hành trình nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh ngành Hóa dược
Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh đang trình bày báo cáo poster tại hội nghị khoa học sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2020
Khám phá hành trình nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh ngành Hóa dược
Nguyễn Thị Thùy Linh (bên phải) cùng bạn bè tham gia cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm 2020.

Thông tin đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh

1

Tên đề tài:

Nghiên cứu xử lý Lindane bằng phương pháp hấp phụ sử dụng vật liệu nhôm hydroxit biến tính bằng chất hoạt động bề mặt

2

Sinh viên thực hiện:

Nguyễn Thị Thùy Linh, K62 Hóa dược (Khóa học: QH.2017), khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

3

Giáo viên hướng dẫn, tên đơn vị:

TS. Phạm Tiến Đức, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

4

Thành tích/ Giải thưởng:

Giải Nhì vòng chung khảo giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

5

Ý nghĩa kinh tế - xã hội, khả năng áp dụng thực tiễn của đề tài:

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ có định hướng ứng dụng cao trên cơ sở vật liệu mới trong kĩ thuật hóa học xử lý ô nhiễm môi trường nước. Nghiên cứu thành công trên vật liệu α-Al(OH)3 được tổng hợp trong phòng thí nghiệm có thể phát triển với các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên giá thành thấp chứa thành phần nhôm hydroxit. Đồng thời vật liệu nano nhôm hydroxit sau khi biến tính bằng SDS cho hiệu quả xử lý cao, giúp giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường nước chứa tồn dư các thuốc trừ sâu cơ clo (OCP) trong đó có Lindane. Nghiên cứu vì vậy hướng tới phát triển xanh và bền vững, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với môi trường và xã hội.

6

Giới thiệu vắn tắt về đề tài:

Tại đây

  • Website cựu sinh viên