Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đạt 2/4 giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2021

Ngày 29/12/2021, Giám đốc ĐHQGHN đã ký ban hành Quyết định số 4373/QĐ-ĐHQGHN về việc tặng Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2021 cho 04 công trình khoa học với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 02 công trình được giải thưởng này.

02 công trình của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2021 là: Nghiên cứu phương pháp phân tích chính xác, quan trắc mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro phơi nhiễm các hóa chất gây rối loạn nội tiết nhóm phthalate và  siloxane trong môi trường tại Việt Nam (PGS.TS. Trần Mạnh Trí, Khoa Hóa học); Dạng tốt nhất của một số bất đẳng thức hàm (PGS.TS. Ngô Quốc Anh, Khoa Toán - Cơ - Tin học và đồng tác giả: TS. Nguyễn Văn Hoàng, Trường Đại học FPT).

Kinh phí dành cho Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2021 là 50.000.000đ/01 công trình.

Đây là Giải thưởng ĐHQGHN nhằm khích lệ, tôn vinh những công trình hoặc cụm công trình KH&CN được tổ chức 3 năm/1 lần.

Danh sách công trình được tặng Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2021:

STT

Tên công trình

Tác giả/Tập thể tác giả

1

Sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ: Tiếp cận từ triết lý pháp luật và thực tiễn pháp lý

TS. Trần Kiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, PGS.TS. Ngô Huy Cương, PGS.TS. Võ Trí Hảo, PGS.TS. Vũ Công Giao, TS. Nguyễn Bích Thảo, TS. Nguyễn Thị Phương Châm, TS. Đỗ Giang Nam, CN. Nguyễn Khắc Thu, CN. Phạm Hồ Nam, CN. Nguyễn Lữ Quỳnh Anh

2

Nghiên cứu phương pháp phân tích chính xác, quan trắc mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro phơi nhiễm các hóa chất gây rối loạn nội tiết nhóm phthalate và  siloxane trong môi trường tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Mạnh Trí 

3

UFBoot2: improving the ultrafast bootstrap approximation

TS. Hoàng Thị Điệp, PGS.TS. Lê Sỹ Vinh

4

Dạng tốt nhất của một số bất đẳng thức hàm

PGS.TS. Ngô Quốc Anh, TS. Nguyễn Văn Hoàng 

Trước đó, ngày 23/12/2021, tại Nhà Điều hành ĐHQGHN đã diễn ra phiên họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Hội đồng xét chọn Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2021. 

Phát biểu tại phiên họp, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn bày tỏ sự cảm ơn đến các Hội đồng chuyên môn cùng các thành viên Hội đồng cấp ĐHQGHN đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm để đề cử 9 công trình tham gia Giải thưởng lần này. Đây là các công trình được Hội đồng chuyên môn đánh giá là có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng môi trường học thuật, thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN và khẳng định vị thế của ĐHQGHN trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức KH&CN của đất nước. Phó Giám đốc ghi nhận và đánh giá cao những lao động trong nghiên cứu của các nhà khoa học tham gia Giải thưởng này.

Các công trình được nhóm theo các lĩnh vực chuyên môn gồm: KH&CN Thông tin và Tính toán, KH&CN Vật liệu và Năng lượng, KH&CN Sự sống, KH&CN Trái đất và Môi trường, KH&CN Giáo dục, Khoa học Quản trị và Kinh tế, Khoa học Xã hội và Hành vi, Khoa học Nhân văn và Nghệ thuật.

Hội đồng giải thưởng cấp ĐHQGHN căn cứ các đề xuất của Hội đồng chuyên môn, các thảo luận và đánh giá khách quan, khoa học của thành viên, lựa chọn tối đa không quá 05 công trình KH&CN có kết quả nổi bật hơn để trao Giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN năm 2021.

Cụm công trình của PGS.TS. Ngô Quốc Anh, Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (và đồng tác giả TS. Nguyễn Văn Hoàng – Trường Đại học FPT) gồm 04 công trình khoa học đã được công bố từ năm 2017 đến năm 2020, có ý tưởng độc đáo và đưa ra phương pháp mới để giải quyết bài toán dạng tốt nhất của một số bất đẳng thức hàm. Đây là một vấn đề quan trọng của giải tích hiện đại nhằm giải quyết những bài toán khó (ví dụ như bài toán về nghiệm yếu của phương trình Navier-Stockes) được cộng đồng toán học quốc tế quan tâm trong thời gian gần đây. Cụm công trình được trích dẫn bởi nhiều nhà toán học có uy tín từ các trung tâm toán học hàng đầu thế giới.

Công trình của PGS.TS. Trần Mạnh Trí, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã xây dựng được phương pháp phân tích chính xác, hiện đại có thể xác định đồng thời các hợp chất nhóm phthalate và siloxane trong môi trường không khí, siloxane mạch vòng trong mẫu sản phẩm chăm sóc cá nhân và mẫu bụi. Nghiên cứu cũng cung cấp cho cộng đồng thêm những hiểu biết hữu ích về mức độ phân bố, mức độ ô nhiễm, và lựa chọn sử dụng các hóa chất tổng hợp trong các vi môi trường khác nhau, đặc biệt là vi môi trường không khí trong các hộ gia đình hoặc khu vực nghề nghiệp như hiệu salon tóc.

Sự tôn vinh những công trình xuất sắc nói trên của giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN là nguồn khích lệ lớn và trân trọng ghi nhận những nỗ lực, say mê nghiên cứu khoa học của các tác giả, đồng thời lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đó đến nhiều nhà khoa học, cán bộ, người học ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

  • Website cựu sinh viên