Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Trần Quốc Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội cho rằng, nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng để khẳng định uy tín, vị thế của trường đại học.

Nghiên cứu khoa học: Cần lực đẩy từ chính sách và nội lực

Gian hàng của Trường ĐHKHTN tại Triển lãm Quốc tế về đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Quốc Bình, các trường cần có lực đẩy từ chính sách và nội lực.

Không thể thiếu NCKH

- Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường đại học được đánh giá hết sức quan trọng. Quan điểm của PGS về vấn đề này?

- Sứ mệnh của một trường đại học là tạo ra, quảng bá và chuyển giao tri thức cho xã hội. Nếu một trường đại học mà không có hoạt động nghiên cứu sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ của mình, trở thành một trường “dạy nghề” hay nôm na là “trường phổ thông cấp bốn”.

Một trường đại học tách rời khỏi nghiên cứu khó có thể tồn tại lâu dài trong một thế giới phẳng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN) và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chính vì vậy, nếu chúng ta điểm qua sứ mệnh, tầm nhìn của các trường đại học uy tín hiện nay sẽ thấy các từ khóa “nghiên cứu” và “đào tạo” luôn song hành với nhau.

- Vậy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là nội lực và cũng là một trong những thành tố quan trọng khẳng định vị thế của trường đại học?

- Nghiên cứu là một trong những xu hướng phát triển chủ đạo của các trường đại học trên thế giới trong thế kỷ XX. Xu hướng này cũng được hình thành rõ nét ở Việt Nam từ những năm 1990. Gần đây, đã nổi lên một xu hướng mới là đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Như ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, với định hướng là một trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, chúng tôi luôn coi trọng việc gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học. Ví dụ như Trường luôn gắn kết các đề tài NCKH với nhiệm vụ đào tạo, thể hiện qua 2 khía cạnh. Các đề tài đều có kết quả là sản phẩm đào tạo đại học và sau đại học, qua đó thu hút được các em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh cùng tham gia nghiên cứu với giảng viên để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời góp phần tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị. Tiếp đó, hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài sau khi nghiệm thu đều được sử dụng để cập nhật, đổi mới bài giảng, chương trình học tập của môn học có liên quan.

Nghiên cứu khoa học: Cần lực đẩy từ chính sách và nội lực

PGS.TS Trần Quốc Bình

Lực đẩy cho nghiên cứu

- Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động NCKH hiệu quả phụ thuộc nhiều vào chính sách. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Để NCKH hiệu quả rất cần chính sách phù hợp khích lệ và tạo động lực cho các hoạt động nghiên cứu. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mới thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong trường đại học, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu thông qua các quỹ đầu tư. Sắp tới, Nhà nước sẽ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.

Còn về phía trường đại học, dưới tác động của các chính sách vĩ mô, cuộc đua xếp hạng đại học và xu thế tự chủ đại học đã đặt trọng số cho NCKH và chuyển giao công nghệ cao hơn nhiều so với trước đây. Cùng với đó, các doanh nghiệp, với sự xuất hiện và lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ cao, cũng như sự cạnh tranh ngày càng cao giữa doanh nghiệp, nhu cầu nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Do đó, họ cũng tự tìm đến các trường đại học, viện nghiên cứu để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

- NCKH luôn cần đội ngũ kế cận, trường đã và đang làm gì để truyền lửa đam mê tới sinh viên?

- Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đa số các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có tư duy khoa học, tiếp cận nhanh những vấn đề mới trong công việc và có tinh thần đổi mới sáng tạo. Một ví dụ là sinh viên Đặng Tiến Đức, sau khi tốt nghiệp ngành Hóa học về làm việc tại Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã có sáng kiến đổi mới quy trình công nghệ làm lợi cho doanh nghiệp hơn 200 tỷ đồng. Đặng Tiến Đức cũng được tập đoàn chia một phần lợi nhuận thu được từ sáng kiến của mình.

Thật đáng mừng đến thời điểm này, các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai đang phát triển nhanh, vai trò của trường đại học đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng trở nên rõ nét hơn, thể hiện qua số lượng và quy mô các hợp đồng chuyển giao công nghệ, nghiên cứu theo đơn đặt hàng ngày càng gia tăng. Các giảng viên cũng đưa sinh viên của mình vào hoạt động nghiên cứu để truyền lửa đam mê NCKH rất hiệu quả.

Chúng tôi cũng có chính sách về điểm thưởng đối với thành tích NCKH của người học. Ví dụ như điểm thưởng khi xét chuyển thẳng vào sau đại học với sinh viên có báo cáo khoa học đạt giải, điểm thưởng đối với luận văn thạc sĩ khi có công trình khoa học đã công bố…

Trường cũng đặc biệt chú trọng đến phong trào NCKH của sinh viên. Hội nghị khoa học sinh viên của trường được tổ chức hàng năm là một sự kiện quan trọng trong các hoạt động về KH&CN. Như năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Hội nghị khoa học sinh viên trường đã có hơn 670 sinh viên tham gia với 432 báo cáo khoa học. Kết quả NCKH năm 2021 của các em sinh viên đã được thể hiện trong 15 công bố khoa học và 23 sản phẩm có tiềm năng ứng dụng.

Trong thời gian tới, trường sẽ triển khai thêm một số giải pháp: Tăng cường khả năng tiếp cận của sinh viên với hoạt động thực tế của doanh nghiệp để gắn NCKH với nhu cầu thực tiễn và tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; Tìm kiếm các nguồn kinh phí, nhất là kinh phí tài trợ, để hỗ trợ cho hoạt động NCKH sinh viên. Nâng cao hơn nữa sự hỗ trợ của các đề tài, dự án đối với hoạt động NCKH sinh viên; tổ chức một số hoạt động ngoại khóa để sinh viên tập sự NCKH. Đây là cách để các em làm quen và nhóm lửa đam mê với NCKH trong sinh viên.

Xin cảm ơn ông!

Nghiên cứu khoa học: Cần lực đẩy từ chính sách và nội lực

Theo GD&TĐ.