41 tuổi, 20 năm chính thức nghiên cứu về đất, phân bón, chất lượng nông sản... và các vấn đề liên quan, đã có 30 công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí Quốc tế ISI - Đó là những con số đầy ấn tượng về PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng bộ môn Tài nguyên và Môi trường đất, Khoa Môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

NGHIÊN CỨU ĐỂ GIÚP NHỮNG NGƯỜI LÀM NÔNG NGHIỆP ĐỠ VẤT VẢ HƠN

Mới đây, trong ngày đạt cột mốc 30 công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí Quốc tế ISI, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh đã có những chia sẻ đầy tâm trạng. Hóa ra, ẩn sau sự đạo mạo nghiêm túc, sự quyết liệt đi đến tận cùng trong các vấn đề khoa học là một “trái tim nóng đầy yêu thương và lãng mạn”.

Công trình nghiên cứu về độc tố asen trong lúa gạo

Công trình thứ 30 được công bố trên tạp chí Quốc tế ISI của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh và cộng sự là “nghiên cứu về độc tố asen (As) trong lúa gạo”, được công bố trên tạp chí Land Degradation & Development - một trong những tạp chí uy tín nhất trong lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường.

Lý giải về những chia sẻ đầy cảm xúc trên trang cá nhân khi nhận tin công trình thứ 30 được công bố, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh bộc bạch: “Thực ra đó chỉ là tâm trạng bộc phát với cảm xúc đan xen. Cột mốc 30 bài ISI là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của cả nhóm nghiên cứu (mà tôi hay gọi là nhóm SoilTechLab), đặc biệt trong điều kiện phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất/trang thiết bị vô cùng khó khăn. Thực sự là tôi cảm thấy phấn khởi vì cột mốc mới của nhóm nghiên cứu, lo lắng về những khó khăn đang chờ đón ở chặng đường tiếp theo. Và là một người thầy, bên cạnh niềm vui với thành công của các em sinh viên - cộng sự, tôi cũng có một chút buồn sau mỗi “chuyến đò ngang” cập bến. Đó cũng là cảm xúc tức thời khi nghĩ về những việc khác cần phải làm (bên cạnh công việc nghiên cứu khoa học).

NGHIÊN CỨU ĐỂ GIÚP NHỮNG NGƯỜI LÀM NÔNG NGHIỆP ĐỠ VẤT VẢ HƠN

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (ở giữa) đang giảng dạy tại thực địa cho sinh viên về các tầng đất.

Công trình nghiên cứu về độc tố asen trong lúa gạo là công trình mà bản thân PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh và nhóm nghiên cứu khá lo lắng về phản ứng từ các nhà chuyên môn hay từ xã hội. Công bố về mức độ tích lũy asen trong gạo nếu không được hiểu đúng có thể sẽ bị quy kết gây hoang mang dư luận hay ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gạo. Cũng do nghiên cứu về asen khá tốn kém và được xem là vấn đề nhạy cảm nên ở Việt Nam có khá ít nhóm nghiên cứu làm về vấn đề này...

Mạnh dạn nghiên cứu vấn đề ít nhóm theo đuổi, đi đến tận cùng vấn đề một cách bài bản và khoa học, đặc biệt là sự kiên trì - nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh đã bước đầu có được những thành tựu.

NGHIÊN CỨU ĐỂ GIÚP NHỮNG NGƯỜI LÀM NÔNG NGHIỆP ĐỠ VẤT VẢ HƠN

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh và các em sinh viên tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.

“Trong bối cảnh nghiên cứu về asen trong gạo đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng khoa học trên toàn thế giới, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu về vấn đề này. Nhóm SoilTechLab hy vọng công bố thứ 30 của nhóm về As trong gạo sẽ được nhìn nhận theo hướng tích cực, và là tiền đề để phát triển các kỹ thuật/giải pháp giảm thiểu asen trong gạo, cũng như hạn chế tác động của asen đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh bày tỏ.

Môi trường đất là mảng chuyên môn khoa học vô cùng sinh động và ý nghĩa đối với thực tiễn Việt Nam

Lúa, gạo, đất... là những thứ gắn bó với người nông dân hàng ngàn đời nay. PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh - một nhà khoa học trẻ cũng luôn đau đáu vấn đề môi trường đất, lúa, gạo, rơm rạ; bận tâm với nhiều vấn đề của người nông dân như: chất lượng nông sản, tiết kiệm phân bón, giảm sự vất vả trong sản xuất nông nghiệp.

Hỏi về lý do tại sao lại hứng thú với môi trường đất, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Môi trường đất là mảng chuyên môn khoa học vô cùng sinh động và có ý nghĩa rất lớn đối với thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu về đất mang đến những trải nghiệm lý thú từ sự đa dạng trong các hoạt động nghiên cứu: từ vĩ mô đến vi mô, từ trừu tượng đến trực quan, từ thực tiễn ngoài hiện trường đến phòng thí nghiệm. Nghiên cứu về đất liên quan đến nhiều “bài toán” vĩ mô, ví dụ như an toàn và an ninh lương thực toàn cầu, biến đổi khí hậu... Giản dị hơn, nghiên cứu về đất có thể giúp những người làm nông nghiệp đỡ vất vả hơn”...

NGHIÊN CỨU ĐỂ GIÚP NHỮNG NGƯỜI LÀM NÔNG NGHIỆP ĐỠ VẤT VẢ HƠN

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (ngoài cùng bên trái) trong Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.

Thì ra là lý do khiến PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh say mê với môi trường đất là vậy!

Ý tưởng nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh thường xuất phát từ các bối cảnh khác nhau, ví dụ từ các bản tin khoa học, các hội thảo chuyên ngành, hay đơn giản là từ việc trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp và sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh thích làm việc nhóm và làm việc ngoài thực địa. Hầu hết các ý tưởng nghiên cứu của nhóm SoilTechLab đều liên quan đến thực tiễn sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Mỗi chuyến đi đến các vùng miền khác nhau đều mang lại nguồn cảm hứng và là nguyên liệu sơ khai cho các hướng nghiên cứu mới.

30 công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí ISI là một con số rất ấn tượng, đặc biệt là với một nhà khoa học tuổi đời còn rất trẻ trong giới khoa học. Thế nhưng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cho rằng: “Con số này vẫn khiêm tốn so với nhiều nhóm nghiên cứu khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Chỉ có điều, với thực trạng về cơ sở vật chất thì đạt được tốc độ tăng trưởng công bố như vậy cũng đã vượt qua mức kỳ vọng của các thành viên trong nhóm SoilTechLab”.

NGHIÊN CỨU ĐỂ GIÚP NHỮNG NGƯỜI LÀM NÔNG NGHIỆP ĐỠ VẤT VẢ HƠN

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (hàng hai, ngoài cùng bên phải) trong giây phút thư giãn bên những người thân.

Hỏi về dự định cá nhân, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ: “Mong muốn của bản thân mình là có thể tổ chức công việc một cách tốt hơn để có thêm thời gian cho gia đình hoặc có thêm thời gian để theo đuổi những thứ mình thích, đặc biệt là những nghiên cứu có chiều sâu và có giá trị thực tiễn”.

“Kiên trì có thể xem là bản sắc của nhóm SoilTechLab. Chặng đường từ các ý tưởng đến triển khai nghiên cứu và công bố kết quả có màu sắc rất đa dạng nhưng tựu chung là mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là các nghiên cứu trên quy mô lớn. Mong muốn lớn nhất của nhóm SoilTechLab không chỉ là số lượng công bố mà còn là chất lượng của các công trình công bố. Vì vậy, trong thời gian tới nhóm sẽ hướng đến việc đăng bài trên các tạp chí uy tín hơn” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh:

-Sinh năm 1979.

-Năm 2000: Tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường.

-Năm 2008: Bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành địa chất ứng dụng tại ĐH Greifswald/Hannover, CHLB Đức năm 2008 và sau đó bắt đầu làm giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

-Năm 2015: Được công nhận Phó giáo sư

-Tham gia trao đổi nghiên cứu, thỉnh giảng ở ĐH Leibniz Hannover, CHLB Đức (năm 2011), ĐH Indiana Bloomington, Mỹ (năm 2015-2016), ĐH Queen’s University Belfast, Anh (năm 2017).

-Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.

-Một số nghiên cứu tiêu biểu:

+Nghiên cứu về sự giải phóng của một số khoáng chất dinh dưỡng từ phytolith có trong cây lúa để khuyến cáo người dân sử dụng hiệu quả hơn nguồn phế phụ phẩm rơm rạ.

+Nghiên cứu về khả năng cố định cacbon của phytolith trong rơm rạ khi hoàn trả lại đồng ruộng nhằm hạn chế gia tăng phát thải khí nhà kính (đã giúp nhóm nghiên cứu gồm các học sinh phổ thông trung học đoạt giải ba tại hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF 2016 tại Arizona, Mỹ.

+Nghiên cứu về keo đất, địa hóa các nguyên tố C và Si, ứng dụng vật liệu/công nghệ mới để cải tạo đất.

Hiện nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh đang mở rộng liên kết với các nhà khoa học từ Đức, Anh, Mỹ, Nhật và Malaysia để phát triển các hướng nghiên cứu mới trong bảo vệ, cải tạo và sử dụng bền vững tài nguyên đất ở Việt Nam.