Với những tác phẩm trưng bày độc đáo, triển lãm “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một hoạt động ý nghĩa trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa, giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần tới học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Ô nhiễm nhựa trên diện rộng hiện đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sinh vật biển cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội toàn cầu. Ước tính hàng năm có khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương trên thế giới [1]. Trên phạm vi toàn cầu, 32% chất thải bao bì đang rò rỉ ra môi trường [2].

Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Các bạn sinh viên đang tham quan và lắng nghe ý nghĩa của tác phẩm sắp đặt mô hình dòng sông

Trước những hiện trạng đáng lo ngại đó, triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên từ ngày 16 đến ngày 31 tháng 5 năm 2022. Không gian triển lãm bao gồm mô hình dòng chảy được làm từ các sản phẩm nhựa tái chế cùng 26 bức ảnh liên quan tới vấn đề rác thải nhựa trên các dòng sông của nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương và Lekima Hùng, cũng như trình chiếu các đoạn phim ngắn lồng ghép những thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Triển lãm sẽ giúp người xem có được cái nhìn tổng thể hơn về hiện trạng rác thải nhựa tại Việt Nam từ đó chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực hành động vì môi trường tốt đẹp hơn.

Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Nửa đầu của mô hình dòng sông đang bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa trầm trọng

Khu trưng bày tác phẩm sắp đặt mô hình dòng sông độc đáo được thực hiện bởi các bạn trẻ Hà Nội, trong đó có nhiều bạn hiện đang là sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Mô hình dòng sông được thiết kế với nửa đầu bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa trầm trọng, nhưng tới nửa sau lại chuyển hóa thành một dòng sông tươi xanh đổ ra biển lớn - nơi nhựa không còn là chất độc gây hại cho con người, sinh vật và môi trường, mà góp phần tạo nên một thế giới xinh đẹp - bền vững hơn; nơi con người ý thức cao trong việc tái sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa; nơi con người hòa hợp với thiên nhiên trong lành. Các bức ảnh được trưng bày dọc theo dòng sông, gợi mở cho người xem nhiều cảm xúc và suy nghĩ…

Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
PGS.TS. Ngạc An Bang phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, PGS.TS. Ngạc An Bang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên thế giới hiện nay. Việt Nam chúng ta không phải ngoại lệ. Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam hiện đang đứng vị trí thứ 4 trên thế giới về số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm. Với khoảng hơn 640 nghìn tấn rác thải nhựa, bình quân mỗi cá nhân đang thải ra môi trường 64kg rác thải nhựa mỗi năm.

“Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một trong những đơn vị hàng đầu cả nước về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ môi trường, phát triển bền vững, phát triển xanh. Với mục đích cung cấp góc nhìn tổng thể về hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam cũng như mong muốn mỗi giảng viên, viên chức, người lao động, các bạn học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh chung tay góp sức vì cuộc sống tốt đẹp hơn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức trưng bày triển lãm “sông kể chuyện nhựa”, PGS.TS. Ngạc An Bang chia sẻ.

Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Bà Kim Thị Thúy Ngọc, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ tại buổi lễ khai mạc triển lãm

Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, bà Kim Thị Thúy Ngọc đã gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tạo điều kiện trong việc đưa triển lãm tranh “Sông kể chuyện nhựa” tới với các cán bộ, học sinh, sinh viên Nhà trường. Bà Ngọc khẳng định, với sự ủng hộ của Nhà trường cùng sự tham dự của các bạn sinh viên, thông điệp về việc giảm chất thải nhựa, giảm đồ nhựa sử dụng một lần sẽ được truyền tải mạnh mẽ và tới nhiều học sinh, sinh viên trong Trường.

Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên trong ban tổ chức triển lãm

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Một góc không gian trưng bày mô hình dòng sông và các bức tranh tại triển lãm. (Ảnh: Tuyết Lê)
Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Các bức ảnh về thực trạng ô nhiễm các dòng sông và ô nhiễm chất thải nhựa tại Việt Nam
Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Các bức ảnh với những thông điệp truyền tải về vấn nạn ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra
Độc đáo triển lãm trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Các bạn học sinh, sinh viên khi tham gia triển lãm có thể ghi lại những hình ảnh đẹp tại nhiều góc khác nhau trong không gian của triển lãm

Mô hình “Sông kể chuyện nhựa” được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác đồng hành giảm rác thải nhựa xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” (Rethinking Plastics) do Liên minh Châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác Đức (GIZ) và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai.

Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, thì đến năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu.