Nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel sẽ tham dự "Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&CN, tỉnh Bình Định tổ chức buổi họp báo chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016.

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&CN, tỉnh Bình Định tổ chức buổi họp báo chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bí thư tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Tùng và GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đồng chủ trì cuộc họp báo. Tham dự buổi họp báo về phía lãnh đạo ĐHQGHN có Phó Giám đốc GS.TS. Nguyễn Hữu Đức.

Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII sẽ được tổ chức tại Bình Định từ ngày 26/6 đến ngày 17/12. Dự kiến có khoảng 1.661 đại biểu tham gia 12 hội nghị và 3 lớp học vật lý chuyên ngành. Trong đó điểm nhấn trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” năm nay là hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản” diễn ra từ 7-8/7 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn, Bình Định. 

Description: Gap go VN.png

Toàn cảnh buổi Họp báo Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016.

Theo đó, hội thảo quốc tế này hứa hẹn có sự hội tụ một số giáo sư đoạt giải Nobel như:

GS. David Gross – Là một nhà Vật lý người Mỹ nghiên cứu về lĩnh vực hạt cơ bản và lý thuyết dây. Phát hiện “tiệm cận tự do” đã mang đến cho ông, cùng với Frank Wilczek và David Politzer (nghiên cứu độc lập), giải thưởng Nobel Vật lý vào năm 2004.

GS. Carlo Rubbia – Là một nhà Vật lý người Ý. Công cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý năm 1984 với Simon Van der Meer cho những đóng góp của họ trong việc tìm ra hạt W và Z. Tên của ông đã được dùng để đặt tên cho một tiểu hành tinh: tiểu hành tinh 8398 Rubbia.

GS Jerome Friedman – Là một nhà Vật lý người Mỹ. Năm 1990, ông đồng giải Nobel về Vật lý với Henry W.Kendall và Richar E. TayLor cho việc chứng minh cấu trúc bên trong của hạt proton. Công trình của ông và các cộng sự là nền tảng cho việc phát triển mô hình quark trong vật lý hạt.

GS Kurt Wuthrich – Là nhà Hóa học, nhà Vật lý, nhà Toán học người Thụy sỹ. Ông đoạt Giải Nobel Hóa học năm 2002 cùng với Tanaka Koichi và John B. Fenn cho công trình nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch.

GS Finn Kydland – Là một nhà kinh tế học người Na Uy, được trao giải Nobel Kinh tế năm 2004 (cùng với Edward C.Prescott), “cho những đóng góp của họ về kinh tế vĩ mô động: thời gian nhất quán của các chính sách kinh tế và động lực thúc đẩy chu trình kinh doanh”

GS Jean Jouzel – Nguyên Phó Chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), đạt giải Nobel Hòa bình.

Ngoài ra, còn có nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới, các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý khoa học, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn xây dựng và phát triển dựa trên KH&CN, như: Viện quốc tế Solvay và Tập đoàn Solvay (Brussels, Bỉ), Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN); Tập đoàn Airbus, Tập đoàn Valéo, Tập đoàn SANOFI… 

Bên cạnh đó là sự trở về của các giáo sư danh tiếng Việt Nam trên thế giới, như: GS Ngô Bảo Châu - Huy chương Field Toán học năm 2010, ĐH Chicago (Mỹ); GS Đàm Thanh Sơn - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ĐH Chicago, GS. Trịnh Xuân Thuận (NASA, Mỹ), GS. Phạm Quang Hưng (Đại học Virgina, Mỹ), TS. Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ)... 

Thông tin chi tiết về Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII năm 2016” có thể tìm thấy trên trang web: http://www.icisequynhon.com/icise-events/#m-06-2016

Với các bạn sinh viên yêu thích tìm hiểu về Vật lý và muốn tham gia các lớp học chuyên đề có thể tìm hiểu và đăng ký qua internet, cụ thể:

International Neutrino Summer School

http://vietnam.in2p3.fr/2016/inss/

4th Vietnam School of Astrophysics (VSOA)

http://www.hcmiu.edu.vn/physics-en/schools-of-astrophysics-and-cosmology/Home/School-2016/General-Information

22th Vietnam School of Physics (VSOP)

https://indico.in2p3.fr/event/12653/program

(Nguồn KHCN, HUS Media)

  • Website cựu sinh viên