Khởi động Đề tài trọng điểm quốc gia: "Nghiên cứu xây dựng mô hình công nghệ khả thi quy mô pilot để xử lý bùn thải công nghiệp giàu kim loại nặng theo hướng tận thu tài nguyên, tiết kiệm năng lượng"

Ngày 27/10/2017, Hội thảo khởi động Đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình công nghệ khả thi quy mô pilot để xử lý bùn thải công nghiệp giàu kim loại nặng theo hướng tận thu tài nguyên, tiết kiệm năng lượng".

Ngày 27/10/2017, Hội thảo khởi động Đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình công nghệ khả thi quy mô pilot để xử lý bùn thải công nghiệp giàu kim loại nặng theo hướng tận thu tài nguyên, tiết kiệm năng lượng". Trải qua nhiều vòng bảo vệ, Đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt từ tháng 9/2017 với mã số KC.08.18/16-20. Đề tài dự kiến triển khai trong 36 tháng, từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2020.

GS. Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự buổi lễ có GS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ nhiệm Chương trình KC.08 và các đại diện đến từ Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Viện Khoa học Vật liệu, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Học viện Khoa học Môi trường. Về phía Trường ĐHKHTN có GS. Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng, các thành viên thực hiện đề tài và đại diện Khoa Vật lý, Ban Quản lý các dự án xây dựng, Phòng Khoa học Công nghệ, Phòng Thanh tra và Đảm bảo chất lượng.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải - Chủ nhiệm đề tài

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh gửi lời cảm ơn tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình KC.08 đã tin tưởng và các cơ quan đã phối hợp và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong thời gian tới để hoàn thành tốt đề tài. Đại diện lãnh đạo Nhà trường, GS. Phan Tuấn Nghĩa kỳ vọng đội ngũ nghiên cứu, triển khai luôn bám chắt mục tiêu đã đề ra và sẽ thực hiện mọi hoạt động của đề tài có ý nghĩa thực chất.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hà trình bày kế hoạch triển khai đề tài

Trong Hội thảo khởi động, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải - Chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu tổng quan về đề tài KC.08.18/16-20. 

TS. Phạm Thị Thúy – Thư ký dự án trình bày kế hoạch triển khai chi tiết 

Đại biểu tham dự được nghe PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, TS. Phạm Thị Thuý và PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải (Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN) lần lượt trình bày kế hoạch triển khai chi tiết cho các nội dung của đề tài. Bao gồm Kế hoạch điều tra khảo sát, triển khai nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ thuỷ luyện,...

PGS.TS. Phạm Đức Thắng, Viện Khoa học Vật liệu

PGS.TS. Phạm Đức Thắng, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chia sẻ về các nghiên cứu tách kim loại từ bùn thải của Viện. ThS. Nguyễn Xuân Huân, Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN trình bày về các nghiên cứu về tiềm năng sử dụng bùn thải trong sản xuất của Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN.

GS. Đăng Kim Chi đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng cho đề tài

Chia sẻ tại Hội thảo, GS. Đặng Kim Chi cho biết đề tài được Chương trình KC.08 khuyến khích vì ý nghĩa quan trọng của đề tài đúng mục đích chính của KC.08 và trước đó Trường ĐHKHTN đã thực hiện nhiều đề tài liên quan. Giáo sư mong muốn đề tài sẽ đem lại kết quả có giá trị cao, tiến tới sản xuất thử nghiệm và sản xuất đại trà trên cả nước. Giáo sư cũng chia sẻ với những thách thức của quá trình triển khai đề tài. Với kinh nghiệm quản lý và triển khai nhiều đề tài trong KC.08, Giáo sư đã có những lưu ý chi tiết và đáng quý về phương pháp điều tra, dự phòng cho đề tài KC.08.18/16-20. Ban Chủ nhiệm đề tài cũng nhận được những chia sẻ, góp ý từ các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo nhận nhiều ý kiến góp ý từ các đại biểu

Đề tài KC.08.18/16-20 hướng tới mục tiêu có được tư liệu khoa học về các loại bùn thải công nghiệp giàu kim loại nặng ở Việt Nam và công nghệ xử lý và tận thu. Đồng thời, Đề tài sẽ xây dựng được quy trình và mô hình công nghệ quy mô pilot để tận thu kim loại và sản xuất vật liệu xây dựng. Đề tài được chia thành 6 nội dung nghiên cứu chính. Ngoài sản phẩm là các báo cáo, bài báo khoa học, đào tạo và hướng đến đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, đề tài sẽ đem lại 02 mô hình pilot hợp khối. Đó là: 01 mô hình công nghệ quy mô pilot để thu hồi một số kim loại có giá trị trong bùn thải công nghiệp mạ điện công suất đăng ký 3-5 tấn bùn nguyên liệu/ ngày; 01 mô hình công nghệ quy mô pilot đề tận thu bùn thải công nghiệp làm vật liệu xây dựng, công suất đăng ký 10 tấn nguyên liệu/ ngày.

Đề tài nhận được sự phối hợp của Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học Vật liệu Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Xây dựng Vinh Hoàng, Công ty CP Môi trường Đô thị và Công nghiệp - URENCO 10. Ngoài ra, đề tài sẽ tiếp tục phối hợp với những đơn vị khác trong quá trình triển khai, đào tạo,… sau này.

  • Website cựu sinh viên