Hội thảo về công tác nghiên cứu xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam

Ngày 29/12/2020, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo khoa học Tổng kết công tác triển khai nhiệm vụ thành phần năm thứ nhất” với nhiệm vụ thành phần “Nghiên cứu xây dựng Bộ địa chí quốc gia Việt Nam: Tập động vật, thực vật”. Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá kết quả thực hiện theo tiến độ đề tài, đồng thời thảo luận, rút kinh nghiệm, gợi mở hướng nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo về công tác nghiên cứu xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam

Toàn cảnh hội thảo.

Nhiệm vụ thành phần với mã số NVQC.19.09: “Nghiên cứu xây dựng Bộ địa chí quốc gia Việt Nam: Tập động vật, thực vật” là công việc thuộc chương trình “Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia: Xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam”; đơn vị tổ chức chủ trì: Trường ĐHKHTN; thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2022), trong đó, giai đoạn một từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2020.

Mục tiêu của nhiệm vụ thành phần mà Trường ĐHKHTN chủ trì thực hiện là: Xây dựng được tập Địa chí quốc gia về động vật, thực vật Việt Nam gồm 3 quyển phù hợp với các yêu cầu về quy chuẩn biên soạn Địa chí quốc gia Việt Nam; hoàn thành tập Địa chí quốc gia Việt Nam theo các định hướng nội dung: Các loài động vật, thực vật phổ biến, gắn liền với đời sống con người, mang tính đại diện của Việt Nam, đồng thời phải gắn với đặc tính địa sinh thái, địa văn hóa và địa kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, nhóm thực hiện còn cần cung cấp các thông tin sự kiện, danh nhân và các nghiên cứu của các tác giả về động vật, thực vật của Việt Nam.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN, Chủ nhiệm nhiệm vụ thành phần, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc thu thập thông tin tư liệu và đi thực tế gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm qua, các thành viên của nhóm nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành công tác thu thập thông tin tư liệu về lĩnh vực động vật, thực vật hiện có ở Việt Nam, đồng thời kiểm tra, rà soát các thông tin tư liệu tại các vùng địa sinh thái trên cả nước. Các thông tin đã được tổng hợp lại, cung cấp cho hệ thống tư liệu chung của “Địa chí quốc gia Việt Nam” theo đúng tiến độ. Các thành viên của nhóm đã viết được 270 mục cho 3 quyển sách, bao gồm: 118 mục quyển 1 (Bảo tồn và phát triển động vật, thực vật), 22 mục quyển 2 (Thực vật) và 130 mục quyển 3 (Động vật).

Hội thảo về công tác nghiên cứu xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam
Hội thảo về công tác nghiên cứu xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến để trao đổi, thảo luận nhằm rút kinh nghiệm và gợi mở cho hướng nghiên cứu tiếp theo.

Tại cuộc hội thảo, các thành viên của nhóm nghiên cứu xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam đã báo cáo cụ thể về việc thực hiện các mục của sách, đồng thời nêu những ý kiến còn băn khoăn và thảo luận như: cần thống nhất thể loại “chí”; sử dụng hình ảnh minh họa phù hợp, mang tính đặc trưng của loài; cách tiếp cận đa chiều, tên gọi và ý nghĩa tên gọi của các loài,...

Hội thảo về công tác nghiên cứu xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Trong năm 2021, nhóm thực hiện nhiệm vụ thành phần sẽ tiếp tục tổng hợp thông tin, xây dựng tư liệu về các loài thực vật, động vật, biên soạn sách theo cấu trúc nội dung đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn sách Địa chí quốc gia.

Hệ thực vật và động vật của Việt Nam rất phong phú, mỗi loài đều có giá trị riêng về mặt sinh thái. Nhiều loài (cây, con) rất quen thuộc với chúng ta nhưng không phải ai cũng có hiểu biết về chúng. Một số loài có nguy cơ tiệt chủng, cần được bảo tồn, bảo vệ và phát triển để đảm bảo cân bằng sinh thái.

  • Website cựu sinh viên