Giảng viên 9x bảo vệ luận án Tiến sĩ với 18 công bố Quốc tế

Vừa qua, NCS Phạm Thành Luân, sinh năm 1990, giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ. Đáng chú ý, NCS có 23 bài báo liên quan đến luận án, trong đó NCS là tác giả chính của 10 bài ISI, 04 bài thuộc nhóm mới nổi ESCI của ISI, 02 bài Scopus, 04 bài thuộc các tạp chí trong nước và quốc tế khác. Bên cạnh đó, NCS cũng là đồng tác giả của 02 bài ISI và 01 bài đăng tại Kỷ yếu hội nghị quốc tế. Đây là một thành tích cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Quy chế Tuyển sinh và Đào tạo trình độ tiến sĩ mới nhất do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2017 là phải có 1 công bố quốc tế.

Giảng viên 9x bảo vệ luận án Tiến sĩ với 18 công bố Quốc tế

NCS Phạm Thành Luân (bên phải) và TS. Hoàng Chí Hiếu (Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN) chụp ảnh trong ngày NCS bảo vệ luận án.

Đề tài của NCS Phạm Thành Luân mang tên: “Nghiên cứu phát triển một số phương pháp mới trong công tác xử lý, phân tích số liệu trường thế”, thuộc chuyên ngành Vật lý Địa cầu. Công trình được hoàn thành tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Đỗ Đức Thanh và TS. Lê Huy Minh.

Theo NCS Phạm Thành Luân: “Xử lý, phân tích tài liệu từ và trọng lực đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu cấu trúc vỏ Trái đất, giải đoán các cấu trúc địa chất cũng như tìm kiếm và thăm dò khoáng sản. Thực tế hiện nay, các phương pháp xử lý, phân tích tài liệu từ và trọng lực vẫn được áp dụng thường xuyên và phổ biến như một trong những phương pháp cơ bản trong các nhiệm vụ điều tra, khảo sát trên mặt đất. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của các phương pháp Địa Vật lý khác, các phương pháp từ và trọng lực không ngừng được phát triển và mở rộng. Trong đó, phải kể đến hai nhóm phương pháp chính, gồm: nhóm phương pháp xác định biên ngang và nhóm phương pháp xác định độ sâu ranh giới phân chia mật độ, ranh giới từ tính. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Do đó, việc xây dựng các phương pháp mới, hoặc cải tiến các phương pháp hiện có là hết sức cần thiết”.

Mục tiêu luận án của NCS Phạm Thành Luân là phát triển các phương pháp mới hoặc tổ hợp phương pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý, phân tích số liệu trường thế. Cùng với đó là xây dựng một số chương trình phần mềm từ các phương pháp và tổ hợp phương pháp đề xuất.

Nhiệm vụ được đặt ra trong luận án đòi hỏi NCS phải có những hiểu biết sâu sắc về ưu, nhược điểm của các phương pháp đã được đề xuất trước đó bởi các nhà khoa học khác, từ đó đề xuất các phương pháp mới hoặc cải tiến các phương pháp hiện có. Những nỗ lực không ngừng đã đem lại thành quả khi những bài báo từ đề tài nghiên cứu lần lượt được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Tính đến ngày bảo vệ Luận án, NCS đã có tới 23 bài báo (02 bài được chấp nhận đăng), trong đó 18 bài báo được đăng trên các tạp chí SCIE, ESCI và Scopus.

“Tôi đã rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình và chỉ bảo nghiêm khắc từ hai thầy hướng dẫn là PGS. TS. Đỗ Đức Thanh và TS. Lê Huy Minh. Các thầy là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xử lý, phân tích số liệu trường thế nên kiến thức các thầy truyền đạt là những bài học vô cùng quý giá. Cùng với sự hướng dẫn của các thầy, tôi còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều chuyên gia và đồng nghiệp quốc tế” – NCS 9x chia sẻ.

Giảng viên 9x bảo vệ luận án Tiến sĩ với 18 công bố Quốc tế

NCS Phạm Thành Luân (thứ tư từ trái sang) và người thân trong ngày bảo vệ Luận án thành công.

Với những nghiên cứu nổi bật của mình, NCS đã được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện độc lập luận án tiến sĩ. Các kết quả trình bày trong luận án cũng đã được 7/7 thành viên hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm điểm xuất sắc.

“Luận án của NCS có tính khoa học, tính thời sự và thực tiễn cao. Đây là kết quả nghiên cứu rất sáng tạo của NCS. Với khối lượng công việc tính toán rất lớn, qua việc trình bày luận án, cũng như với khối lượng tài liệu tham khảo và các công trình đã công bố, NCS đã chứng tỏ là người có năng lực cao làm công tác nghiên cứu một cách độc lập” - PGS.TS. Cao Đình Triều, Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, người phản biện luận án.

 

“NCS có nhiều sáng tạo để đề xuất được một số phương pháp mới và cải tiến được một số phương pháp hiện có, nâng cao được hiệu quả phân tích xử lý số liệu trường thế, do vậy luận án được hoàn thành với chất lượng cao” - PGS.TS. Đinh Văn Toàn, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, người phản biện luận án.

 

Khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên có hơn 70 cán bộ, với 47 giảng viên bao gồm 4 GS, 17 PGS và 25 TS. Trong đó 46/47 giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên. Hầu hết các giảng viên của Khoa Vật lý được đào tạo ở các cơ sở giáo dục tiên tiến ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những giảng viên được đào tạo trong nước như NCS Phạm Thành Luân thường có trình độ cao với nhiều công bố quốc tế.

 

  • Website cựu sinh viên