Dự án SEA-PLASTIC-EDU đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý nhựa thải

Ngày 26/1/2021, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã diễn ra Lễ tổng kết dự án SEA-PLASTIC-EDU sau 3 năm thực hiện. Đây là dự án nhằm nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo trong quản lý và tái chế nhựa, tập trung vào chất lượng, sự an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên với sự tham gia của 6 trường đại học lớn thuộc các nước Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam.

Dự án SEA-PLASTIC-EDU đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý nhựa thải

PGS.TS. Trần Đình Trinh, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu Tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: Dự án SEA-PLASTIC-EDU do Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna (Áo) làm điều phối chính, đối tác châu Âu là Đại học Công nghệ Dresden (Đức) và Đại học Aalborg (Đan Mạch); đối tác châu Á là Đại học Quốc gia Lào, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Dự án có mục tiêu hỗ trợ các trường đại học ở Lào và Việt Nam cập nhật và hiện đại hóa các kiến thức về quản lý chất thải và tái chế nhựa; Nâng cao mối liên hệ giữa các nhà khoa học với các tổ chức, doanh nghiệp làm việc trong  lĩnh vực sản xuất/tái chế nhựa tại Việt Nam, Lào và EU.

Dự án SEA-PLASTIC-EDU đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý nhựa thải

PGS.TS. Trần Đình Trinh, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu Tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, Trường ĐHKHTN đang phát biểu.

Trong thời gian thực hiện dự án (từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2020), các bên tham gia đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra như: phát triển các sản phẩm đào tạo bậc đại học và sau đại học, phát triển các sản phẩm đào tạo cho các công ty, phát triển dữ liệu, thông tin kỹ thuật số, giảng dạy thí điểm (viết 17 chương giáo trình ứng dụng cho quản lý chất thải và nhựa áp dụng cho bậc đại học, sau đại học và các doanh nghiệp),... Các hoạt động chuyên môn được tổ chức thường xuyên và rất  hiệu quả, như đã tổ chức 05 cuộc họp trực tiếp và hội thảo tại Hà Nội, Vientian, Thành Phố Hồ Chí Minh, Viên (Áo), Dresden (Đức); tổ chức 21 cuộc họp trực tuyến giữa tất cả các thành viên của dự án và nhiều cuộc họp trực tuyến giữa hai/nhiều đối tác để giải quyết các nội dung công việc.

Về phía Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhiều  Hội thảo tập huấn kỹ thuật phân tích, quản lý và tái chế nhựa thải đã được tổ chức nhằm cung cấp những kiến thức hiện đại và cập nhật cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các hoạt động đi thực tế, quảng bá, tuyên truyền kết quả nghiên cứu của dự án tại các làng nghề, đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho người dân cũng như thành viên của nhóm nghiên cứu.

Dự án SEA-PLASTIC-EDU đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý nhựa thải

Bà Lê Thị Yến Nga, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK cà phê Minh Tiến phát biểu.

Có mặt tại Lễ tổng kết dự án SEA-PLASTIC-EDU, bà Lê Thị Yến Nga, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK cà phê Minh Tiến cho biết: Công ty đã hợp tác với nhóm nghiên cứu và Công ty CP Công nghệ xanh Babio để sử dụng phụ phẩm  vỏ trấu cà phê sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường (như các loại sản phẩm bao gói, dao, thìa, dĩa,...). Sản phẩm cà phê cũng như trà hoa quả do Công ty sản xuất không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản, đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu cao của khách hàng trong nước và quốc tế. Việc tận dụng các phụ phẩm của cà phê giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Dự án SEA-PLASTIC-EDU đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý nhựa thải

GS.TS. Nguyễn Văn Nội, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu Tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh phát biểu tại Lễ tổng kết dự án SEA-PLASTIC-EDU.

GS.TS. Nguyễn Văn Nội, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu Tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, cho biết: “Tuy dự án SEA-PLASTIC-EDU đã kết thúc, nhưng công việc “nối dài” của dự án vẫn được triển khai thông qua “Trung tâm hợp tác về quản lý và kiểm định chất lượng nhựa” do EU tài trợ. Hiện các thủ tục xin thành lập Trung tâm hợp tác đang được hoàn thiện”.

Dự kiến, “Trung tâm hợp tác về quản lý và kiểm định chất lượng nhựa” sẽ được đặt tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh. 07 trang thiết bị về phân tích nhựa do EU tài trợ (Máy đo đa chỉ tiêu cơ lý của vật liệu, Máy đo độ va đập kỹ thuật số, Máy đo độ co, độ dày của màng, Máy đo độ biến dạng nhiệt, Máy đo nhiệt độ nóng chảy, Máy đo độ bục) đã được đặt tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh, là những thiết bị sẽ được đưa vào phục vụ Trung tâm. Cùng với các trang thiết bị tiên tiến, hoạt động của Trung tâm hợp tác sẽ nhằm hỗ trợ sinh viên, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa/nhựa thải, vì mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Dự án SEA-PLASTIC-EDU đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý nhựa thải

Hiện nay, một trong những dòng chất thải ngày càng nhiều và cần được xử lý là nhựa, nhóm vật liệu được sử dụng rộng rãi trong sản xuất bao bì, các sản phẩm tiêu dùng như thiết bị điện và điện tử và hàng hóa gia dụng. Các rủi ro liên quan đến dòng chất thải này cao hơn nhiều so với rác thải sinh hoạt, do độ bền rất cao của rác thải nhựa trong môi trường, đồng thời chúng chứa các vật liệu nguy hại như kim loại nặng, các chất chống cháy chứa brom - là những chất ô nhiễm được phát thải vào môi trường khi áp dụng những những biện pháp xử lý không phù hợp. Để quản lý dòng chất thải này một cách hợp lý, cần có những kiến ​​thức sâu rộng về quản lý chất thải, công nghệ và kiểm soát phát thải.

Ở Việt Nam có khoảng 2.800 làng nghề hoạt động, sản xuất nhiều loại mặt hàng như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Một số làng nghề trong số đó làm về tái chế. Tái chế góp phần bảo tồn tài nguyên, nhưng nó cũng tồn tại các rủi ro sức khỏe và môi trường từ các quá trình rửa và làm nóng chảy nhựa bằng biện pháp gia nhiệt. Việc rửa nhựa để tái chế cũng có nguy cơ tác động tiêu cực đến các nguồn cung cấp nước uống của địa phương.

Rác thải trên biển cũng là vấn đề cần được quan tâm. Các dữ liệu cho thấy: 80% rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền và từ các hoạt động quản lý chất thải chưa tốt như thải bỏ tại bãi rác, xử lý không kiểm soát và xả rác tại các bãi biển và khu vực ven biển. Thiệt hại và chi phí cho công nghiệp đánh cá và du lịch là kết quả của những thực tiễn này. Rác thải trên biển có thể được ngăn chặn một cách hiệu quả thông qua việc cải thiện phát thải chất thải (đặc biệt là nhựa thải), quản lý, tăng tái chế, tránh sử dụng các sản phẩm cho mục đích đơn lẻ và dùng các sản phẩm có thiết kế sinh thái, các hoạt động giáo dục và các chiến dịch nâng cao nhận thức chuyên sâu.

Dự án SEA-PLASTIC-EDU đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý nhựa thải

Các thành viên tham gia Lễ tổng kết dự án SEA-PLASTIC-EDU chụp ảnh kỷ niệm.

  • Website cựu sinh viên