03 dự án khởi nghiệp của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vào Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – sáng tạo VNU năm 2021”

Vượt qua 42 hồ sơ dự thi, 03 dự án của sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – sáng tạo VNU năm 2021”.

Với mục đích thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN, tạo môi trường để sinh viên, học viên cao học của ĐHQGHN vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào thực tiễn, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – sáng tạo VNU năm 2021”  đã được phát động ở các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN. Đã có 42 ý tưởng/dự án khởi nghiệp của sinh viên, học viên cao học đến từ 8 đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN tham gia cuộc thi. Sau vòng sơ loại, Ban tổ chức đã chọn ra 12 dự án vào vòng chung kết (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên gửi 08 hồ sơ dự thi, 03 hồ sơ được vào chung kết).

Tác giả của 12 dự án lọt vào vòng chung kết sẽ được tham gia khóa huấn luyện hoàn thiện mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm, lộ trình, chiến lược phát triển dự án từ các chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trong và ngoài ĐHQGHN. Tại vòng chung kết, các đội thi sẽ thuyết trình ý tưởng/đề án trước Ban Giám khảo và Nhà đầu tư. Dự án xuất sắc tại cuộc thi cấp ĐHQGHN sẽ được ưu tiên tham gia vòng chung kết cuộc thi Elevator Pitch Competition (EPiC) của Hồng Kông theo lĩnh vực phù hợp.

Các dự án khởi nghiệp của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được vào vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – sáng tạo VNU năm 2021” như sau:

Dự án 1: "Phát triển công nghệ chế biến và thương mại hóa sản phẩm compod trái cây nhiệt đới" của nhóm tác giả Bùi Quang Đô và Nguyễn Văn Tú, Khoa Hóa học

Sản phẩm nước trái cây nhiệt đới đóng chai (Compota de Tropical) kế thừa công nghệ lên men trái cây truyền thống của cư dân vùng Baikan và Địa Trung Hải, sử dụng công nghệ lên men tự thân trái cây đầu vào. Nhóm dự án phát triển ý tưởng với một số loại trái cây phổ biến tại Việt Nam, và sử dụng nguyên liệu thảo dược thiên nhiên tại địa phương, từ đó tạo ra loại thức uống đóng chai độc đáo, riêng biệt, đặc trưng của xứ sở nhiệt đới. Sản phẩm không sử dụng đường, chất bảo quản hay hóa chất độc hại, để đảm bảo giữ trọn vẹn hương vị của trái cây tự nhiên bên trong sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về sức khỏe người tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy không sử dụng chất bảo quản thực phẩm nhưng sản phẩm vẫn có thể lưu giữ ổn định từ 06 – 12 tháng (tùy loại sản phẩm) phù hợp cho phân phối/ xuất khẩu sản phẩm hoặc bảo quản trái cây trái vụ. Thậm chí sau khoảng thời gian lên men từ 06 tháng, trái cây có phần đậm đà hơn, ngọt và thơm hơn.

Dự án 2: "GreenHydrogel - Hướng tới cuộc sống xanh" của nhóm tác giả Nguyễn Hải Linh, Phan Thị Tuyết Mai, Đinh Thị Hồng Vân, Đinh Ngọc Anh, Nhữ Thị Lệ, Nguyễn Phú Kiên, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Diệu Phương, Khoa Hóa học

GreenHydrogel là một chuỗi các sản phẩm có đặc tính kỹ thuật khác nhau, được điều chỉnh bằng các thông số nguyên liệu cũng như điều kiện tổng hợp đáp ứng từng yêu cầu của lĩnh vực ứng dụng cụ thể. Chúng có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau. Dạng bột có tác dụng tạo đặc, ổn định; được tiêu thụ lớn nhất trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, chất tẩy rửa và sơn nước. Dạng màng để tạo màng bọc; với khả năng tan được trong nước, tự hủy trong thời gian ngắn, và còn có thể ăn được, dạng sản phẩm này của GreenHydrogel là giải pháp lý tưởng cho các màng phủ bề mặt, làm bao bì thực phẩm. Dạng dung dịch dùng để bảo quản trái cây, thực phẩm. Dạng tấm có thể được sử dụng như tấm dán vết thương, mặt nạ, tấm lót thực phẩm. Trong đó, GreenHydrogel có cấu trúc mạng lưới không gian từ các loại polyme tự nhiên ưa nước, có khả năng thấm và cho truyền qua có chọn lọc các loại khí như oxy, carbonic, hơi ẩm, ethylen, acetylen, ethanol,... hay còn được gọi là “màng hô hấp” (breathable film), là giải pháp thay thế tuyệt vời cho dòng sản phẩm bao bì đóng gói thực phẩm, giúp tăng thời gian bảo quản cho sản phẩm, và hướng tới cuộc sống xanh.

03 dự án khởi nghiệp của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên  vào  Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – sáng tạo VNU năm 2021”

Ảnh minh họa từ bản mô tả dự án.

Dự án 3: "Konosa - nền tảng trao đổi thông tin có kiểm duyệt giữa chủ vườn và khách hàng" của tác giả Phạm Duy Hiệp, Khoa Sinh học

Konosa là một nền tảng trao đổi thông tin trực tiếp giữa chủ vườn và khách hàng. Chủ vườn có thể lên Konosa để đăng sản phẩm của mình, cập nhập tình trạng nông sản và đặt ngày thu hoạch để khách hàng tiện thu mua, cũng như có thể đưa thông tin nhà vườn lên hệ thống booking du lịch. Ngược lại. khách hàng cũng có thể đăng tin tìm kiếm sản phẩm hoặc địa điểm du lịch sinh thái/ nhà vườn để trải nghiệm theo nhu cầu. Konosa cho phép trao đổi thông tin đa chiều có kiểm duyệt, hệ thống định vị vị trí và trạng thái phát triển theo thời gian. Konosa hướng tới đối tượng khách hàng là những người nông dân, hộ nông dân, hợp tác xã, các cá nhân/ đơn vị thu mua sản phẩm nông nghiệp, cũng như các cá nhân/ tổ chức có nhu cầu trải nghiệm dịch vụ du lịch sinh thái/ nhà vườn.

Bản tin KH-CN.

  • Website cựu sinh viên