Vì sao tôi chọn Khoa Hóa Học – Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên?

Nguyễn Tiến Thảo, Khoa Hóa học

Ngày xưa, tôi được xem các nhà ảo thuật biến không khí thành nước, biến nước thành lửa... Hình ảnh về chiếc đũa thần kỳ của ảo thuật gia len lỏi trong ký ức tuổi thơ, thổi vào tâm hồn tôi ngọn lửa đam mê môn “nghệ thuật” của khoa học tự nhiên. Theo năm tháng, hình ảnh người sinh viên với chiếc áo blu trắng bên cạnh cốc thủy tinh, bình cầu, bình nón, sinh hàn... tiếp thêm động lực cho tôi đến với hóa học.

Quê tôi, nơi nước mặn đồng chua như câu ca mẹ ru bao đời mơ ước biến đất chua thành vựa lúa. Ý tưởng thay chua thành ngọt thôi thúc tôi tìm kiếm chiếc đũa thần kỳ của nhà ảo thuật năm nào. Tôi chợt nhận ra mình đã khao khát trở thành nhà hóa học chứ không phải là anh phi công, bác sỹ hay chú bộ đội trong bài tập làm văn cấp 1. Ước mơ của tôi bây giờ thực tế hơn và cũng lãng tử hơn: trở thành nhà hóa học.

Tôi tìm mơ ước trong từng trang giấy “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng” năm nào. Cũng từ đây, cửa phòng thí nghiệm rộng mở đón ước mơ tôi; cũng từ đây, tôi hiểu được các ảo thuật gia thời nay và những lo toan, bộn bề của cuộc sống thường ngày, của thị trường lao động, việc làm... Và hôm nay, tôi thấy ở bạn hình ảnh của tôi năm nào. Nhưng, hãy vững tin bạn nhé, bạn không đơn độc như tôi ngày nào. Tôi sẽ kể cho bạn nghe về khoa Hóa học – 19 Lê Thánh Tông – Hà Nội của tôi, về những gì tôi biết và cả những gì Hóa học yêu tôi.

Nếu bạn lựa chọn khoa Hóa học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN cho kỳ Tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2014, bạn sẽ là khóa sinh viên thứ 59 (K59). Tháng 9 - 2014 tới đây, bạn sẽ học tập ở dưới những giảng đường cổ kính, tường vôi vàng nắng, mái ngói lượn cong dưới tán lá cây đại thụ trăm năm tuổi. Giảng đường Khoa Hóa - Hồ Gươm - Nhà hát lớn tạo nên một quần thể kiến trúc Pháp độc đáo nhất Việt Nam giữa lòng thủ đô Hà Nội. Dưới mái nhà đó, những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, kỹ thuật viên, sinh viên đã và đang miệt mài nghiên cứu các công trình hóa học, hóa dược, hóa sinh, hóa dầu, hóa học môi trường, công nghệ hóa học... Năm 2012, tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo của hiệp hội các Trường Đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á (AUN) đã nhận xét khoa Hóa học – Trường ĐHKHTN có đội ngũ giáo sư tiến sỹ giỏi, những lớp sinh viên năng động, chất lượng, am hiểu kiến thức hóa học, kỹ năng thực hành, nghiên cứu khoa học. Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo ngành Hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN đạt kết quả cao nhất Việt Nam và đứng thứ hai trong mạng lưới các Trường đại học khu vực Đông Nam Á tham gia kiểm định AUN.

Hiện nay, Khoa Hóa học đang triển khai các chương trình đào tạo đại học sát với thị trường lao động gồm có: Hóa học, Công nghệ Kỹ thuật Hoá học, Hóa dược. Sinh viên trúng tuyển vào các ngành trên có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực để được theo học các chương trình đào tạo đặc biệt như: Cử nhân Khoa học Tài năng và Chương trình Tiên tiến Hóa học bên cạnh chương trình chuẩn tiếng Việt. Chương trình tài năng hóa học được thiết kế gồm khối kiến thức rộng và sâu về ngành hóa học cơ bản, tương đương với các trường đại học hàng đầu của Bắc Mỹ và Châu Âu. Sinh viên chương trình tiến tiến được dành 1 năm học tiếng Anh cơ bản – chuyên ngành để theo học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh vào những năm tiếp theo, do các giảng viên Việt Nam và giáo sư đến từ ĐH Illinois, Hoa Kỳ đảm nhận. Sinh viên có nhiều hội trao đổi, học tập, nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ), Osaka (Nhật Bản) hay các trường đại học Đông Nam Á. Ngoài ra, Khoa Hoá học cũng đang triển khai liên kết đào tạo với Trường ĐH Nam Toulon-Var của CH Pháp trong đào tạo cử nhân bằng tiếng Pháp với sự hỗ trợ của Tổ chức đại học Pháp ngữ AUF. Ta cùng xem các chương trình đào tạo thuộc ngành nào của khoa Hóa học nhé.

Ngành Hóa học (Mã ngành: D510401) đòi hỏi sinh viên tích lũy 135 tín chỉ với sinh viên hệ tiếng Việt và tiếng Pháp, 155 tín chỉ với sinh viên Tiên tiến hệ tiếng Anh và 165 tín chỉ với sinh viên hệ Cử nhân Khoa học Tài năng. Sinh viên ngành Hóa học được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên ngành về hóa học (Hữu cơ, Vô cơ, Hóa lý và hóa lý thuyết, Hóa phân tích, Hóa Dầu, Hóa kỹ thuật...); kỹ năng phân tích đánh giá, thực hành và nghiên cứu khoa học; khả năng giao tiếp và tự học nâng cao sau đại học, phát triển nghề nghiệp. Sinh viên có lực học tốt, ngoại ngữ tốt được trao đổi kỳ hè tại các Trường ĐH nước ngoài. Sinh viên tốt nghiệp đảm nhiệm tốt vị trí giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng, THPT năng khiếu; có kỹ năng làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các Tập đoàn Hóa chất, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên - Môi trường, các Phòng Kiểm định chất lượng sản phẩm, các tổ chức phi chính phủ  (Môi trường, Khoa học kỹ thuật, Tư vấn…); Công ty thiết bị và hóa chất quốc tế (Shimazu, Aligent; Dow Chemical, Sigma, Terumo…); các cơ sở sản xuất và kinh doanh hóa chất hoặc tiếp tục theo học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Hoá học (Mã ngành: D510401) bắt buộc sinh viên tích lũy 140 tín chỉ kiến thức cơ bản và chuyên ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ hóa dầu, hóa sinh, thực phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường; các kỹ năng nghiên cứu khoa học, giao tiếp khoa học, khả năng xây dựng và thiết kế các quy  trình công nghệ tự động hóa học; kỹ năng nghề nghiệp. Hiện tại, Khoa Hóa học đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Hoa Kỳ UoP, Honeywell Company tuyển chọn đưa sinh viên giỏi thực tập kỳ hè nhà máy chế biến dầu khí tại Chicago (Mỹ). Sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh hóa chất, các công ty liên doanh, nhà máy có sử dụng kiến thức công nghệ hoá học và hoá học (sơn, nhựa, dược phẩm, hóa chất, dầu khí, dầu mỏ…); Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Nhà máy Lọc – Hóa Dầu (Dung Quất, Lam Sơn, Lũng Lô, Hải Phòng…), Tập đoàn Than – Khoáng sản; các công ty tư vấn trang thiết bị dầu khí, hóa chất; Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất (nhựa, sơn, chất dẻo, xà phòng, dịch khoan, sữa, thực phẩm, dược phẩm…); các công ty, các cơ sở sản xuất kinh doanh; Phụ trách các nhóm nghiên cứu, phòng thí hoặc tiếp tục đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Ngành Hóa dược (Mã ngành: D440113) yêu cầu sinh viên tích lũy 136 tín chỉ kiến thức hóa học cơ bản và chuyên ngành hóa dược, dược liệu, hương liệu; kỹ năng tổng hợp nguyên liệu cho ngành dược phẩm, khả năng nghiên cứu, khám phá các hợp chất có dược tính, dược lý. Bên cạnh các môn học tại Trường, sinh viên phải thực tập hè tại các nhà máy, xí nghiệp dược phẩm trong nước. Sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các viện dược liệu, trung tâm, công ty, nhà  máy, xí nghiệp sản xuất dược phẩm; chuyên viên tư vấn, lập kế hoạch, soạn thảo chính sách ngành Hóa dược; làm công tác quản lý trong các công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm; các doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm... Sinh viên có đầy đủ kiến thức để theo học các chương trình đào tạo sau đại học về hóa dược ở Việt Nam và trên thế giới.

Với  bề dày truyền thống chất lượng đào tạo của khoa Hóa học, nhiều tập đoàn, công ty, tổ chức xã hội đã đến trao học bổng sinh viên. Khoa Hóa học đã ký kết biên bản hợp tác, phát triển nghiên cứu khoa học và hỗ trợ học bổng sinh viên với các công ty lớn như: UoP, Honeywell Company, Chevron – 2 công ty Dầu khí lớn của Hoa Kỳ, ZEON (Nhật Bản), NOIAC (Nhật Bản), Terumo (Nhật Bản). Các đơn vị như tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Vietinbank, Quỹ K-T, Valley, Posco, Lawren S.Ting; Shinnyo-en, Pony Chung, KOVA, KSIEC, Hanyang (Hàn Quốc); Thakral – In Sewa (Thái Lan); Toyota, Honda, Misubishi, Toshiba (Nhật Bản)… luôn dành cho sinh viên khoa Hóa học số lượng học bổng trị giá từ 250 đến 2000 USD.

Hiện nay, trên 95% sinh viên tốt nghiệp Khoa Hóa học có việc làm đúng ngành đào tạo. Hàng năm các công ty liên doanh, các xí nghiệp sản xuất và viện nghiên cứu đều đăng ký tuyển dụng sinh viên trước khi ra trường. Sinh viên tốt nghiệp được các đơn vị sử dung lao động đánh giá cao. “Sinh viên khoa Hóa học có trình độ chuyên môn - năng lự tốt, kỹ năng thực hành - tay nghề khéo léo, đáp ứng được yêu cầu công việc tại Terumo” là nhận xét của ông Hagiwara Kazuhiko – Tổng giám đốc công ty Terumo Việt Nam (Việt Nam – Nhật Bản) khi ông đến tuyển dụng và làm việc với lãnh đạo khoa Hóa học. “Những sinh viên tôi trực tiếp phỏng vấn đều thể hiện năng lực bản thân và kiến thức hóa học rất tốt” là nhận xét của ông Gavin P. Towler, Phó tổng giám đốc UoP, A Honeywell Company khi phỏng vấn trao học bổng UoP cho sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học tháng 10/2013. Ấn tượng với năng lực của sinh viên khoa Hóa, tập đoàn Dầu khí UoP đã dành 1 suất học bổng toàn phần thực tập hè tại Chicago cho sinh viên viên năm thứ ba ngành công nghệ kỹ thuật hóa học năm 2014 và tiếp tục duy trì sinh viên trao đổi tại Chicago vào những năm tiếp theo.

Bên cạnh việc hòa nhập nhanh với thị trường tuyển dụng trong và ngoài nước, một tỷ lệ lớn sinh viên khoa Hóa học tốt nghiệp chọn con đường tu nghiệp sau đại học tại các trường đại học trong và ngoài nước. Bạn có thể gặp cựu sinh viên khoa Hóa ở khắp 4 châu lục. ĐH Illinois – Hoa Kỳ  luôn dành một số học bổng tiến sỹ cho sinh viên hệ tài năng, tiên tiến ngành hóa. Hàng năm, các tổ chức học bổng quốc tế như VEF hay các giáo sư từ các Trường Đại học hang đầu của Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tham gia phỏng vấn sinh viên khoa Hóa học cấp học bổng thạc sỹ, tiến sỹ. Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia các dự án nghiên cứu khoa học quốc tế để trao đổi học thuật, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ trong khuôn khổ hợp tác giữa các trường đại học, các đề tài quốc tế. Thông tin về Khoa Hóa học, kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp có chi tiết tại: www.chemvnu.edu.vn.

Bây giờ, tôi tin rằng bạn đã biết nhiều hơn về khoa Hóa học. Câu chuyện về chiếc đũa  thần xin mời bạn viết tiếp.

Hẹn gặp bạn ở cánh cổng 19 Lê Thánh Tông - Hà Nội.

Bạn đến với khoa Hóa học hôm nay, chúng tôi sát cánh bên bạn ngày mai

  • Website cựu sinh viên