Trường Đại học khoa học Tự nhiên – Chủ trì kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2014

Năm 2014, Trường Đại học khoa học Tự nhiên vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm tổ chức kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IchO) lần thứ 46.

Năm 2014, Trường Đại học khoa học Tự nhiên vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm tổ chức kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IchO) lần thứ 46.

Ngày 9/1/2014, Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế gồm 13 thành viên là các nhà hóa học có uy tín của các nước do Chủ tịch Peter Wothers dẫn đầu đã tới làm việc tại Việt Nam nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Kỳ họp của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) từ ngày 09 - 12/1/2014 là cuộc họp vô cùng quan trọng nhằm bàn thảo các nội dung liên quan tới cuộc thi như: kiểm duyệt đề thi, kiểm tra cơ sở vật chất (địa điểm tổ chức thi lý thuyết, thi thực hành; nơi ăn, ở của cán bộ, học sinh,…); xét duyệt những nước mới đăng ký tham dự kỳ thi; cập nhật quy chế IchO,...

PGS.TS Bùi Duy Cam - Trưởng ban tổ chức IchO 2014 cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho một trường đại học tổ chức kỳ thi Olympic quốc tế. (Khác với Olympic Toán học quốc tế 2007 và Olympic Vật lý quốc tế 2009 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo là Trưởng ban tổ chức). Ban chuyên môn chuẩn bị đề thi được thành lập từ năm 2012 gồm các nhà Hóa học tài năng của Việt Nam đến từ Trường ĐHKHTN, Trường ĐH Sư phạm và Viện Hóa học. Trưởng ban chuyên môn là PGS.TS Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN. Đến nay, Ban chuyên môn đã chuẩn bị được ngân hàng đề thi gồm 30 đề thực hành và 100 đề lý thuyết. Về số lượng đã đáp ứng yêu cầu và chất lượng đề thi đã được phản biện từ một số chuyên gia trong và ngoài nước, tuy nhiên vấn đề chất lượng sẽ được Ủy ban Hóa học quốc tế cho ý kiến chính thức trong kỳ họp này. Theo lộ trình, cuối tháng 1/2014, Việt Nam phải đưa ít nhất 25 đề thi lý thuyết và 5 đề thi thực hành lên website để các nước tham khảo, biết được nội dung và độ khó. Đây là yêu cầu với tất cả các nước đăng cai, còn đề thi chính thức thì bí mật, tháng 7 phải hoàn thành và được dịch ra tiếng Anh.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế Peter Wothers cho biết, đây là kỳ thi quốc tế có quy mô lớn với sự tham gia của khoảng 320 thí sinh xuất sắc đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, đề thi phải được chuẩn bị kỹ, các câu hỏi phải phù hợp với khả năng của thí sinh. Tôi rất hài lòng về ngân hàng đề thi Việt Nam đã chuẩn bị, tuy nhiên một số đề còn hơi khó, cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Ngoài ra, địa điểm thi; chỗ ăn, ở và các địa điểm cho thí sinh tham quan cũng cần được chuẩn bị chu đáo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho kỳ thi và giới thiệu được hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Olympic Hóa học quốc tế (International Chemistry Olympiad, viết tắt là IChO) là kỳ thi Hóa học dành cho học sinh phổ thông tuổi dưới 20 của tất cả các nước trên thế giới, được tổ chức thường niên từ năm 1968 (trừ năm 1971).

Việt Nam đã chính thức tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế từ năm 1996 và tại các kỳ thi này, luôn đạt thứ hạng cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

IChO 2014 được tổ chức với sự tham gia của khoảng 80 đoàn đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được gửi giấy mời tham dự. Mỗi đoàn có tối đa 8 thành viên, gồm 01 trưởng đoàn, 01 phó đoàn, 02 quan sát viên khoa học và 04 học sinh.

Thí sinh thi hai ngày, một ngày thi lý thuyết và một ngày thi thực hành. Địa điểm thi lý thuyết là ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ đình, Hà Nội; thi thực hành tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Việc tổ chức Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 năm 2014 tại Việt Nam góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước; tăng cường mối quan hệ hữu nghị, giao lưu giữa thế hệ trẻ cũng như các thầy cô giáo dạy Hóa học giữa các nước, khích lệ sự hiểu biết và hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới; khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học Hóa học nói riêng trong thanh, thiếu niên Việt Nam; góp phần thực hiện chiến lược nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức cuộc thi cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

( Hoàng Quy )

 

 

  • Website cựu sinh viên