Công nghệ sinh học - Ngành học gắn liền với sự sống

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ sinh học đã và đang tạo nên những thay đổi to lớn trong xã hội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển Nông Lâm Ngư nghiệp bền vững, nâng cao chăm sóc sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Có thể nói, Công nghệ sinh học là ngành học gắn liền với sự sống.

Những cán bộ Công nghệ sinh học đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội và kinh tế đất nước, từ những người đang làm trong phòng thí nghiệm, đến các chuyên gia ở các công ty, tập đoàn kinh tế lớn.

Nắm bắt nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ sinh học để cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

CÔNG NGHỆ SINH HỌC - NGÀNH HỌC GẮN LIỀN VỚI SỰ SỐNG
Giảng viên và sinh viên khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên luôn hăng say trong nghiên cứu khoa học.

Nội dung chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ sinh học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ được học những kiến thực tổng thể về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng như các kiến thức chuyên sâu của ngành. Cụ thể:

            Khối kiến thức khoa học tự nhiên (bao gồm các môn học thuộc các lĩnh vực Toán, Lý, Hóa học, Khoa học trái đất) giúp tăng cường sự hiểu biết chung về khoa học tự nhiên;  sinh viên sẽ hiểu rõ hơn mối tương quan giữa các môn khoa học này với sinh học, quan trọng hơn là giúp sinh viên có các kiến thức nền tảng để có thể tiếp thu và phát triển một cách có hệ thống.

Các môn khoa học xã hội giúp sinh viên có nhận thức tốt hơn về xã hội, tạo nền tảng cho sinh viên tiếp thu kiến thức xã hội và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết.

Ngoài ra, chương trình còn tập trung đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh) cho sinh viên, nhằm tạo nền tảng ngoại ngữ tốt; sinh viên có thể giao tiếp cơ bản cũng như trao đổi, tiếp thu các vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh, sẵn sàng tự tin giao tiếp với đồng nghiệp nước ngoài, đồng thời hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thế giới hiện đại.

            Phần trọng tâm của chương trình Công nghệ sinh học là các môn học cơ bản, cơ sở và chuyên sâu của Sinh học. Trong đó, các môn học cơ sở, cơ bản giúp sinh viên hiểu và giải thích được những nguyên lý cơ bản, các quá trình sinh học ở các mức độ khác nhau của khoa học sự sống, đồng thời giúp sinh viên hình thành phương pháp tự học chủ động, tư duy phân tích, đánh giá, và bước đầu làm quen với các kỹ năng thực hành thông qua các phần thực tập của các môn cơ sở.

Các môn học chuyên sâu (bao gồm Sinh học phân tử, Sinh học tế bào, Sinh học cơ thể thực vật, động vật và người, Đa dạng sinh học, Sinh thái học và tiến hóa) giúp sinh viên có kiến thức về các hướng nghiên cứu quan trọng trong sinh học, đồng thời trang bị và củng cố các kỹ năng thực hành, năng lực tự học, các kỹ năng tư duy (thu thập số liệu, tổng hợp, phân tích, đánh giá trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa), các kỹ năng trình bày, thể hiện các ý tưởng và kết quả học tập (thông qua các hoạt động báo cáo tiểu luận, seminar trong một số môn học).

Phần thực tập giúp sinh viên thực hành các kiến thức đã học khi đi ra thực tế của thế giới sinh vật, quan trọng hơn, là qua đó giáo dục lòng yêu thiên nhiên, hiểu được việc cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học cũng như củng cố các năng lực làm việc theo nhóm - năng lực không thể thiếu đối với người làm khoa học.

CÔNG NGHỆ SINH HỌC - NGÀNH HỌC GẮN LIỀN VỚI SỰ SỐNG
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học (hệ chất lượng cao) thăm quan, trải nghiệm ngoại khóa Khu nhà kính trồng Dưa lưới tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Vinaseed).

            Đặc biệt, tất cả các sinh viên ngành Công nghệ sinh học đều được khuyến khích làm khóa luận tốt nghiệp. Việc làm khóa luận giúp sinh viên được tham gia vào quá trình nghiên cứu, học tập và vận dụng các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật thực hành để giải quyết một vấn đề khoa học cụ thể, kết thúc bằng việc viết và trình bày khóa luận trước hội đồng chuyên môn.

Quá trình làm khóa luận cũng giúp sinh viên củng cố và phát huy các kiến thức, kỹ năng có được từ trước đó, tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, bên cạnh đó là sự kích thích sáng tạo, tiếp thu, thực hành kỹ năng viết, trình bày và bảo vệ một công trình khoa học trước công chúng. Đây là những bước quan trọng để tạo nền tảng cho sự thành công trong tương lai.

            Các công việc cử nhân ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có thể đảm nhận

            -Giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng trong các lĩnh vực Nông, Lâm, Thuỷ sản, Y, Dược,...

            -Là nghiên cứu viên nghiên cứu các lĩnh vực như Sinh học thực nghiệm, Di truyền học, Vi sinh vật học, Sinh y,… ở các Viện nghiên cứu, các Trung tâm và Cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành, các trường Đại học.

            -Chuyên viên Công nghệ sinh học ở các cơ quan, Bộ, Ngành, các cơ sở sản xuất có ứng dụng Công nghệ sinh học ở trong nước và nước ngoài.

            -Làm việc tại các Doanh nghiệp,  Bệnh viện, công ty, khu công nghệ cao,… với vai trò chuyên gia kĩ thuật, quản lý dự án,….

            Ngoài ra, nếu có nhu cầu chuyên sâu về Công nghệ sinh học, muốn trở thành chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này, cử nhân ngành Công nghệ sinh học có thể học tiếp bậc sau đại học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên hoặc các trường đại học nước ngoài.

            Công nghệ sinh học - ngành học lý thú, đầy tiềm năng trong tương lai đang chờ các bạn khám phá!

 

  • Website cựu sinh viên