Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN

Ngày 24/3/2021, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đảng bộ ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ năm với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN.

Cùng tham gia chủ trì Hội nghị có Phó Bí thư thường trực, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải và Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, ĐHQGHN Nguyễn Hiệu.

Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN

Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị và giới thiệu một số nội dung làm việc.

Các đại biểu đã nghe và thảo luận nội dung dự thảo các đề án: Đề án duy trì và gia tăng chỉ số xếp hạng quốc tế của ĐHQGHN; Đề án thành lập Trường Quốc tế trực thuộc ĐHQGHN; Đề án thành lập Trường Quản trị và Kinh doanh trực thuộc ĐHQGHN; Đề án thành lập Trung tâm Dữ liệu Việt Nam học.

Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN

Đồng chí Nghiêm Xuân Huy, Viện Trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng đã trình bày dự thảo Đề án duy trì và gia tăng chỉ số xếp hạng quốc tế của ĐHQGHN. Dự thảo đề án đã nêu bật tính tất yếu của xếp hạng đại học, nghiên cứu đánh giá thực trạng các chỉ số xếp hạng của ĐHQGHN trên các bảng xếp hạng quốc tế có quy tín (QS, THE, Webometrics), đồng thời đề xuất, triển khai được các kế hoạch, giải pháp nhằm duy trì và gia tăng hạng của ĐHQGHN trên các bảng xếp hạng quốc tế giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035, đáp ứng các mục tiêu về xếp hạng đại học của ĐHQGHN nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI.

Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, ĐHQGHN Nguyễn Hiệu đã trình bày tóm tắt 03 dự thảo Đề án thành lập Trường Quốc tế trực thuộc ĐHQGHN; Đề án thành lập Trường Quản trị và Kinh doanh trực thuộc ĐHQGHN; Đề án thành lập Trung tâm Tư liệu Việt Nam học.

Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy cho biết, về cơ bản Khoa Quốc tế, Khoa Quản trị và Kinh doanh đã hội đủ các điều kiện để thành lập thành Trường trực thuộc ĐHQGHN. Hai đơn vị hiện đang đào tạo trình độ đại học, sau đại học trực thuộc ĐHQGHN; được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; được hạch toán độc lập và hoạt động theo phương thức ưu tiên xã hội hóa các nguồn lực. Đề án thành lập thêm 2 Trường trực thuộc ĐHQGHN trên cơ sở Khoa là bước đệm phù hợp và quan trọng cho một giai đoạn phát triển mới của 2 Khoa. Trường Quốc tế, Trường Quản trị và Kinh doanh trực thuộc ĐHQGHN sẽ góp phần đạt được những mục tiêu trong Chiến lược phát triển của ĐHQGHN đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Việc hình thành Trung tâm Tư liệu Việt Nam học có vai trò đặc biệt với sự phát triển của quốc gia, Tư liệu Việt Nam học là tài sản quý của quốc gia, cần được bảo tồn và khai thác để phát huy giá trị tổng thể, Sự bất cập trong công tác sưu tầm, lưu trữ và quản lý khai thác các nguồn tư liệu về Việt Nam hiện nay; Sự cần thiết phải chuyển đổi, lưu trữ, quản lý và khai thác nguồn tư liệu Việt Nam học theo chuẩn số hóa để đáp ứng xu hướng công nghệ mới; Tư liệu Việt Nam học cần được tổ chức sưu tầm, lưu trữ kết hợp với triển khai khai thác một cách đồng bộ và hiện đại; Việc thành lập Trung tâm phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về Việt Nam trên thế giới. Theo đề án, Trung tâm Tư liệu Việt Nam học dự kiến xây dựng tòa nhà tại Hòa Lạc với tổng diện tích xây dựng khoảng 10.000 m2 sàn, được thiết kế theo hướng thông minh, hiện đại.

Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN

Tại hội nghị, 100% đại biểu nhất trí tán thành đề án thành lập Trung tâm Tư liệu Việt Nam học bởi tính cấp thiết của Trung tâm. Đảng ủy đã thống nhất biểu quyết thông qua các chủ trương đề xuất việc thành lập Trường Quốc tế, Trường Quản trị và Kinh doanh trực thuộc ĐHQGHN sẽ đổi lại tên gọi là chuyển đổi hoặc tái cấu trúc từ Khoa thành Trường; Tiếp tục sửa chữa, hoàn chỉnh 03 đề án tại phiên họp tới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh về dự thảo Đề án tăng xếp hạng quốc tế sẽ điều chỉnh lại tên gọi để phù hợp với các tiêu chí và xứng tầm với ĐHQGHN - đại học hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, trong đề án cần nêu rõ các giải pháp xếp hạng gia tăng cốt lõi. ĐHQGHN sẽ có văn bản yêu cầu rõ, đặt ra mục tiêu cụ thể cho công tác xếp hạng.

Ban tổ chức Đảng ủy cần tích cực, chủ động thúc đẩy điều chỉnh 03 Đề án đã được thông qua phiên họp này. Đồng thời các đồng chí đã được phân công tham gia xây dựng 7 chương trình hành động của Đảng ủy ĐHQGHN cần phải tích cực, chủ động hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 6 của ĐHQGHN dự kiến sẽ tập trung vào thông qua các đề án của phiên họp lần thứ 5 và phê duyệt 07 chương trình.

ĐHQGHN đã tham gia và xuất hiện trên 03 bảng xếp hạng lớn, có uy tín cao là: QS, THE và Webometrics. Đặc biệt, là một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam, ĐHQGHN liên tục được xếp vào nhóm 801-1000 trường đại học hàng đầu thế giới; một số lĩnh vực của ĐHQGHN được các tổ chức uy tín đánh giá cao và xếp thứ 1 Việt Nam như: Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học máy tính, Khoa học vật lý xếp số 1 Việt Nam (theo THE, tháng 10/2020); Toán học, Vật lý và Thiên văn học xếp số 1 Việt Nam (theo QS, tháng 3/2020).

Những con số Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được trong xếp hạng đại học là đáng khích lệ, khẳng định vị thế của một trường đại học trên bản đồ giáo dục thế giới, là sự khẳng định chất lượng đào tạo; Điều đó có nghĩa: sinh viên ĐHQGHN có uy tín với nhà tuyển dụng.

 

  • Website cựu sinh viên