Từng được giới thiệu làm việc tại một công ty dược của Mỹ nhưng Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Nhung đã từ chối để trở về Việt Nam làm việc. Với việc sớm theo đuổi hướng nghiên cứu về Coronavirus, tiến sĩ trẻ đã có những chia sẻ giúp cộng đồng nâng cao ý thức và phòng chống COVID-19 ngay khi dịch mới xuất hiện ở Việt Nam.

Vượt qua thách thức

Tuyết Nhung rất say mê nghiên cứu khoa học. Theo học “Hệ cử nhân tài năng” trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ hội giúp cô gái trẻ được học tập, cạnh tranh cùng những người xuất sắc.

Tốt nghiệp đại học, Tuyết Nhung nhận học bổng học Thạc sĩ ở Ý với chuyên ngành Sinh học phân tử và Di truyền học tại Đại học Pavia. Cơ duyên đến khi cô gái trẻ sang Marseille (Pháp) thực tập theo chương trình trao đổi Erasmus của Châu Âu. Tại đây, Nhung được nhận học bổng Marie Curie để thực hiện một trong 15 đề tài nghiên cứu nằm trong chương trình đào tạo của Châu Âu về nghiên cứu và phát triển thuốc chống virus.

Tiến sĩ trẻ và hành trình đấu trí với Coronavirus
Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Nhung.

Cơ hội đến kèm theo thách thức với Tuyết Nhung khi hướng nghiên cứu về virus Corona tuy đã được triển khai từ trước nhưng vẫn chưa có nhiều kết quả khả quan. Ngoài ra, ở tại thời điểm đó virus này chưa được nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới quan tâm nên có rất ít tài liệu tham khảo.

“Mình đã tìm cách khắc phục bằng cách tăng cường trao đổi với các thầy và đồng nghiệp tại những buổi báo cáo kết quả cũng như họp mặt của nhóm nghiên cứu. Dự án là sự kết hợp giữa 7 trường đại học và 5 công ty dược ở Châu Âu nên ngoài cơ hội được học hỏi kiến thức chuyên ngành về virus và phát triển thuốc mình còn có thêm các kỹ năng mềm…”, Nhung chia sẻ.

“Đặc thù môn Sinh học là có nhiều thí nghiệm kéo dài; Nhiều khi phải làm từ sáng đến tối muộn mới xong. Đôi khi, kết quả không được như mình mong đợi nên phải thử đi thử lại rất nhiều lần. Ngoài ra, mình cũng phải thường xuyên tiếp xúc với những hóa chất độc hại hay các chất phóng xạ. Tuy nhiên, khi đã chọn nghề mình sẽ dành tình yêu cho nó, hướng đến mục đích chung là bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Nhung chia sẻ.

Bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu tại Pháp, Nhung được thầy hướng dẫn giới thiệu vị trí nghiên cứu tại Công ty dược Gilead Sciences ở Mỹ. Tuy nhiên, cô gái trẻ lại lựa chọn trở về Việt Nam mang theo ấp ủ tìm ra thuốc chống virus. Trong đó, đề tài luận án thạc sĩ của Nhung cũng là về nghiên cứu cấu trúc và chức năng của enzyme polymerase của Coronavirus. Đây là 1 trong những enzyme quan trọng trong quá trình nhân lên của virus này nên là yếu tố hàng đầu để phát triển thuốc.

Hạnh phúc khi phát hiện ra cái mới

Trở về Việt Nam nhưng Tuyết Nhung nhận lời làm việc cho Tổ chức Hiệp hội các phòng xét nghiệm Y tế công cộng (APHL) của Mỹ. Cô gái trẻ thực hiện một số đề tài của CDC Mỹ nhằm theo dõi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam.

Theo Nhung, virus và vi khuẩn luôn là đề tài cần quan tâm, đặc biệt là những nước có khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần có sự quan sát, theo dõi, phát hiện các tác nhân gây bệnh mới để có sự chuẩn bị cho các dịch bệnh có thể có trong tương lai.

Tiến sĩ trẻ và hành trình đấu trí với Coronavirus
Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Nhung tham gia hội thảo khoa học (ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, con đường nghiên cứu khoa học không dễ dàng, nhất là với nghiên cứu khoa học cơ bản. “Nhiều khi phải thử đi thử lại rất nhiều lần, nhất là ở trong những giai đoạn đầu của một nghiên cứu mới chưa có nhiều người làm, đôi khi mình thấy nản lòng. Tuy nhiên, cảm giác khi tìm ra được một vấn đề dù nhỏ nhưng đi đúng hướng sẽ rất hạnh phúc đối với những người làm nghiên cứu”, Nhung chia sẻ.

Nhung cũng đã từng mất gần 3 năm mất phương hướng. May mắn nhờ thầy cô, đồng nghiệp hỗ trợ nên cô gái trẻ cùng các thành viên trong nhóm đã thiết lập được một phức hệ enzyme in vitro của virus SARS-CoV-1. Đây là mô hình để có thể thực hiện những nghiên cứu sâu hơn và hiểu rõ cơ chế hoạt động của từng enzyme trong phức hệ này tham gia vào quá trình nhân lên của virus SARS-CoV-1 nói riêng và các virus thuộc họ Coronavirus nói chung.

Ngoài ra, phức hệ này cũng được sử dụng để sàng lọc các hợp chất (nucleoside analog) có khả năng chống lại virus Corona. Từ nghiên cứu này, nhóm của Nhung kết hợp với đơn vị khác thực hiện các nghiên cứu đa hướng nhằm mục đích chung là tìm ra được một loại thuốc chống virus ở phổ rộng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô.