Lịch sử phát triển

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Hơn 50 năm trước, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi hai năm, mùa thu năm 1956, theo quyết định của Hội đồng chính phủ, trong nền Giáo dục đại học non trẻ của đất nước, trường Đại học Tổng hợp Hà nội được thành lập cùng với 5 trường Đại học. Đầu tiên về khoa học cơ bản Nhà nước cho thành lập một khoa Toán-Lý chung cho cả hai trường ĐHTH và ĐHSP do GS. Lê Văn Thiêm làm chủ nhiệm. Đội ngũ của những ngày đầu tiên ấy vẻn vẹn chỉ có 16 cán bộ, trong đó có những tên tuổi mà các thế hệ sau còn được biết qua các trang sách giáo khoa, như Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Tụy, Nguyền Hoàng Phương, Nguyễn Bác Văn, Nguyễn Thừa Hợp...

Hai năm sau, năm 1958, trong quá trình trưởng thành, một bộ phận cán bộ toán lý của Khoa được tách ra hợp với một bộ phận cán bộ sinh hoá lập nên khoa Tự nhiên của trường ĐHTH Hà nội do GS. Lê Văn Thiêm phụ trách. Khoa Tự nhiên được hai tuổi, năm 1960, bộ phận Toán Lý được giao trọng trách làm hạt nhân cho sự ra đời của khoa Toán-Lý ĐHTH Hà nội do GS. Hoàng Tụy làm chủ nhiệm, GS. Hoàng Phương, Nhà giáo Trần Văn Dung làm phó chủ nhiệm. Khoa Toán-Lý ĐHTH lớn mạnh nhanh chóng. Năm 1963 được tách ra thành hai Khoa anh em: khoa Toán và khoa Lý.

Khoa Toán ĐHTH Hà nội mà người chủ nhiệm đầu tiên là GS. Hoàng Tụy, lúc mới thành lập có 4 bộ môn: Giải tích, Xác suất, Cơ học và Toán học tính toán. Từ những ngày đầu, khi đang bước những bước chập chững trên con đường phát triển, khoa Toán non trẻ đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Toán học đến từ đất nước Xô viết anh em: các Giáo sư Ersov (1961-1963), Lukianov, Ovchinhikov, Ghirsanov (1962-1963), Viện sĩ Lavrenchev (1963). Vẫn còn lưu mãi trong ký ức của những lớp đàn anh trong Khoa các giờ giảng của các chuyên gia. Những mái đàu xanh cặm cụi trên các trang sách nước ngoài, vừa đọc, vừa tra từ điển dưới ánh đèn thâu đêm. Lớp cán bộ trẻ đầu tiên của Khoa với nhiệt huyết tràn đầy vừa dạy vừa học, để góp phần xây dựng đội ngũ khoa học cơ bản của Việt nam. Nhiều hướng chuyên môn hiện đại được triển khai trong nghiên cứu, bồi dưỡng, đào tạo sinh viên toàn diện. Những ngày hòa bình thật quí giá để cho đất nước hồi sinh sau chiến tranh giải phóng dân tộc.

Giữa lúc đó, tháng 8/1964 không quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc XHCN. Đất nước lại bước vào thời chiến. Năm 1965, cũng như đa số các cơ quan nhà nước, khoa Toán cùng trường ĐHTH Hà nội sơ tán lên núi rừng Đại Từ, Bắc Thái. Khoa Toán đóng quan tại xã Văn Yên. Tranh, tre, nứa, lá dựng lớp, dựng nhà, dựng thư viện. Giữa những ngày đó một lớp Toán đặc biệt được triệu tập. Khoa Toán được giao thêm nhiệm vụ đào tạo học sinh năng khiếu cho đất nước.

Cuộc sống sơ tán gian khổ không làm nhụt chí thầy trò Khoa Toán. Có những bài báo khoa học tác giả người Việt Nam với địa chỉ Khoa Toán ĐHTH Hà nội từ núi rừng Việt Bắc bay sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Cuối năm 1966, Giáo sư Grothendick, người vừa được giải thưởng Field từ Paris bay sang làm Xemina về Giải tích hàm và Tô pô đại số ngay tại Đại từ, trong một hội trường nứa lá bốn bề thông ra các ngả hầm tránh bom Vượt qua mọi khó khăn, thầy trò Khoa Toán vẫn giảng dạy nhiệt tình, học tập hăng say. Bên ngọn lửa hồng anh chị em sinh viên vui vẻ ca hát. Nhiều bài hát, câu thơ rất trữ tình, sinh động được cán bộ và sinh viên sáng tác cho những buổi liên hoan tự biên tự diễn. Năm 1969, dường như đã dày dạn với thời chiến, thầy trò Khoa Toán kéo quân về xã Đông hội, Đông anh, Hà nội để rồi sau đó năm 1970 trở lại nội thành Hà nội. Cũng vào năm đó, sau khi Cơ học đã trở thành Ngành đào tạo chính thức, Khoa được đổi thành Khoa Toán-Cơ.

Năm 1972, một lần nữa Mỹ ném bom trở lại Hà nội, thầy trò Khoa Toán-Cơ lại đèn sách sơ tán lên Hiệp hòa, Hà bắc. Vượt mọi khó khăn thời chiến, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu vẫn được đảm bảo với tinh thần tất cả cho chiến thắng. Sinh viên vẫn lớp lớp tốt nghiệp để đi vào cuộc sống xã hội. Một loạt các đợt tuyển quân bổ sung cho tiền tuyến. Thầy trò Khoa Toán luôn sẵn sàng khi tiền tuyến gọi. Một số không ít sinh viên, chưa kịp làm luận văn tốt nghiệp, đã xếp bút nghiên, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, không chút băn khoăn, do dự. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để rồi hoà bình lập lại, với công thức Toán trong ba lô có không ít người lại trở về với ngọn đèn trang sách.

Sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, một số cán bộ của Khoa được chi viện cho miền Nam. Giữa những năm 70, một loạt các đợt thi tuyển NCS đi đào tạo ở nước ngoài được tổ chức. Phần lớn cán bộ trẻ của Khoa Toán-Cơ được cử đi thi đã trúng tuyển với số điểm rất cao và hầu như năm nào cũng có người đạt thủ khoa. Điều này góp phần vào bản xác nhận của xã hội đối với tính nghiêm túc và chất lượng cao trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Khoa Toán-Cơ. Không ít cán bộ trong Khoa với tinh thần tự lực, lớp trước giúp lớp sau đã tự đào tạo trên đại học ngay trong nước. Khoa Toán-Cơ tự hào là một trong những cơ sở khoa học đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học. Con số cán bộ trong Khoa đã bảo vệ thành công luận văn TSKH, TS ở trong nước đến nay đã lên tới trên 30, trong đó có 6 TSKH. Việc sinh hoạt đều đặn của Xemina bộ môn và liên cơ quan tại Khoa như Giải tích, Cơ học, Toán ứng dụng, Xác suất Thống kê, Phương pháp toán sơ cấp,... đã hỗ trợ rất lớn cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và tự bồi dưỡng của Khoa.

Năm 1987, để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của tin học, Khoa Toán-Cơ được đổi thành Khoa Toán-Cơ-Tin học, tương ứng với 3 Ngành đào tạo Toán học, Cơ học và Tin học. Ngày nay Khoa Toán-Cơ-Tin học với tiềm năng và truyền thống về các ngành cơ bản Toán học, Cơ học, Tin học đã tận dụng mọi thế mạnh của mình để mở rộng các loại hình đào tạo ở tất cả các bậc học: học sinh năng khiếu Toán và Tin học, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo các chuyên Ngành Toán học, Cơ học, Tin học, Toán-Tin ứng dụng.

Thành tích của Khoa Toán-Cơ-Tin học là do công sức đóng góp của nhiều thế hệ thầy trò trong Khoa, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các Ban chủ nhiệm Khoa tiền nhiệm mà đại diện là các đồng chí Chủ nhiệm Khoa qua các thời kỳ:

- 1956-1959: GS. Lê Văn Thiêm

- 1959-1968: GS. Hoàng Tụy

- 1968-1970: PGS. Trần Vinh Hiển (Quyền Chủ nhiệm Khoa)

- 1970-1982: GS. Phan Văn Hạp

- 1982-1991: GS. Hoàng Hữu Như

- 1991-1992: GS. Trần Văn Nhung

- 1992-1993: GS. Nguyễn Duy Tiến

- 1993-1995: GS. Phạm Trọng Quát

- 1995-1999: GS. Đặng Huy Ruận

- 1999 - 2006: GS. Phạm Kỳ Anh 

- 2006-2008: GS. Nguyễn Hữu Dư

- 2008 - 2014: PGS. Vũ Hoàng Linh

- 2014-2018: PGS.TS. Lê Minh Hà

- 2018-2020: TS Trần Mạnh Cường

- 2020-2022: PGS.TS. Phó Đức Tài


  • Website cựu sinh viên