Bộ môn Quản lý Môi trường

1. Lịch sử phát triển

     Ngày 13/2/1996 đánh dấu sự ra đời của Bộ môn Quản lý môi trường. Lúc bấy giờ, Khoa Môi trường gồm có 4 Bộ môn, trong đó có Bộ môn Quản lý môi trường. Cán bộ của Bộ môn trong những ngày đầu thành lập tuy không nhiều, bao gồm, TS. Lưu Đức Hải, TS. Hoàng Xuân Cơ, CN. Phạm Thị Việt Anh, CN. Lê Thị Lan Anh và các sinh viên mới tốt nghiệp được giữ lại Khoa như CN. Nguyễn Thị Hoàng Liên, CN. Đàm Duy Ân; nhưng đó lại là những người đã có những cố gắng và đóng góp rất tích cực và để lại nhiều dấu ấn cho sự phát triển và trưởng thành của Bộ môn, Khoa và Nhà trường. Các cán bộ của Bộ môn có nhiều người đã hoặc đang nắm giữ những vị trí quan trọng của Trường và Khoa, như GS.TSKH.NGND. Nguyễn Cẩn, nguyên phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); GS.TS. NGƯT.Phạm Ngọc Hồ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường (1996 – 2004), nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường; PGS.TS. Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường (2004 – 2013), Đảng uỷ viên đảng bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (2005 – 2013); GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Môi trường (1996 – 2000), nguyên Phó trưởng Phòng KHCN (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường; PGS.TS. Vũ Quyết Thắng, nguyên PGĐ Trung tâm Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Liên nguyên Phó trưởng Khoa Môi trường (2012-2013) Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế và Đảm bảo chất lượng trường ĐHKHTN, TS. Đỗ Hữu Tuấn, nguyên Phó trưởng Khoa Môi trường (2015 – 2020). 

     Qua chặng đường dài phát triển, đến nay đội ngũ cán bộ của Bộ môn đã không ngừng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tập thể cán bộ, giảng viên của Bộ môn Quản lý môi trường được đào tạo chuyên sâu, có bài bản ở trong nước và quốc tế đã tạo nên đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao và uy tín với xã hội. Các lĩnh vực chuyên môn uy tín bao gồm quản lý môi trường, luật và chính sách môi trường, quản lý tài nguyên biển đảo, kinh tế môi trường, đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá chất lượng môi trường, quy hoạch môi trường, quan trắc và mô hình hóa môi trường, kiểm toán môi trường, kinh tế tuần hoàn, môi trường không khí v.v.

     Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, Bộ môn đã là đối tác tin cậy, hợp tác vững vàng với nhiều Trường Đại học, Viện nghiên cứu quốc tế trong nước và quốc tế về các vấn đề khoa học môi trường. Cán bộ của bộ môn đã tham gia vào nhiều dự án hợp tác quốc tế, chương trình đào tạo ở nước ngoài với Mỹ (Indiana University), CHLB Đức (University of Rostock, Greifswald University, Bremen University of Applied Sicence, Hamburg University of Applied Sicence, Elberswalde University of Applied Sicence, TU Dresden, TU Berlin, TU Munich, IOER, LIKAT…), Tây Ban Nha (Valladolid University, Polytechnical University of Valencia,…), Vương quốc Anh (University of Kent, Manchester Metropolitan University, University of Edinburgh, University of York, University of East Anglia,…), Phần Lan (South Eastern Finland University of Applied Science, Turku University of Applied Science, Helsinki University,…), Bỉ (KU Leuven, VUB,…), Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology, Korea University, Hanseo University…), Úc (The University of Queensland,…), Nhật (Tokyo University, SYLFF,…), Trung Quốc (Hefei University,…), Đài Loan (Da Yeh University,…), Singagpore (NUS,…), các nước Đông Nam Á (Asian Institute of Technology, National University of Laos,…) v.v.

2. Đội ngũ cán bộ hiện tại: 5 cán bộ giảng dạy có trình độ từ TS trở lên  trong đó có 2  PGS,TS, GVCC và 4 PGS.TS là cán bộ  kiêm nhiệm 

3. Chức năng và nhiệm vụ

+ Bộ môn Quản lý môi trường là đơn vị trực thuộc Khoa Môi trường, có chức năng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và nghiên cứu khoa học chuyên sâu có định hướng.

+ Bộ môn Quản lý Môi trường thông qua đào tạo và nghiên cứu khoa học để nâng cao kiến thức về quản lý bền vững môi trường tự nhiên và con người. Nhiệm vụ của Bộ môn chủ yếu tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng cho các nhà quản lý môi trường tương lai; đào tạo nhân lực để giải quyết các vấn đề có tính chiến lược, xây dựng các chính sách phù hợp nhằm cải thiện, bảo vệ môi trường quốc gia và khu vực.

4. Các hướng nghiên cứu chính:

+ Nguyên tắc và công cụ quản lý môi trường: tập trung vào những vấn đề quản lý môi trường chung, cũng như vấn đề quản lý môi trường khu vực (đô thị, nông thôn, rừng, biển…), hoặc quản lý môi trường thành phần (nước, đất, không khí, khoáng sản, v.v.).

+ Chính sách môi trường: định hướng tập trung vào các vấn đề luật, chiến lược và chính sách môi trường Việt Nam và quốc tế cũng như chiến lược và chính sách môi trường cho từng ngành và từng loại hình tài nguyên.

+ Quy hoạch và kế hoạch môi trường: tập trung vào các nội dung sản phẩm, phương pháp và công cụ quy hoạch môi trường chung và quy hoạch môi trường cho các loại đối tượng cụ thể.

+ Triển khai ứng dụng quản lý môi trường: tập trung vào những vấn đề như xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, truyền thông môi trường, mô hình hóa công tác quản lý môi trường.

+ Đo đạc, đánh giá môi trường: định hướng tập trung vào các nội dung đánh giá chiến lược và tác động môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, đánh giá rủi ro môi trường, kiểm toán môi trường, đánh giá chất lượng môi trường, quan trắc môi trường.

5. Định hướng phát triển

+ Ưu tiên định hướng thế mạnh của công tác quản lý môi trường: nghiên cứu, xây dựng luật và chính sách quản lý môi trường ở Việt Nam; đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược; lập và triển khai các chương trình quan trắc môi trường, quy hoạch môi trường; quản lý biển và đới bờ; chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng; kiểm kê phát thải; ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Đẩy mạnh áp dụng các công cụ quản lý môi trường: kiểm toán môi trường; kinh tế trong quản lý tài nguyên môi trường; mô hình hóa trong quản lý môi trường; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý tài nguyên môi trường.

+ Tiếp cận với định hướng mới về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường: nghiên cứu, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; đề xuất giải pháp và thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống gây ô nhiễm môi trường.

6. Những thành tựu chính

+ Bằng khen ĐHQG Hà Nội; Tập thể lao động xuất sắc các năm học;

+ Cán bộ của bộ môn được nhận Bằng Khen của Bộ Giáo dục và Đạo tạo; Bằng khen, Kỷ niệm chương của Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bằng khen của ĐHQG Hà Nội, Khen thưởng của Hiệu trường; Danh hiệu Gương mặt trẻ ĐHQG; Giảng viên xuất sắc; chiến sỹ thi đua cấp Bộ; Bằng khen, Kỷ niểm chương của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

+ Cán bộ BM đạt giải nhất cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam.

  • Website cựu sinh viên