Giới thiệu chung

Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề về thiên tai, biến đổi khí hậu toàn cầu,... ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng. Do đó, chiến lược dự báo, phòng chống thiên tai, bão lụt đang được đặt ra ngày càng cấp bách từ quy mô vùng, quốc gia đến toàn thế giới,... Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Biến đổi khí hậu và ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu đã được Chính phủ thông qua và duyệt triển khai với ngân sách lớn nhằm cải tạo điều kiện làm việc và đầu tư nghiên cứu; Chiến lược phát triển Kinh tế biển đã được đề cập trong các Hội nghị Trung ương với gói ngân sách đầu tư nghiên cứu gần 3000 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có các Chương trình Nước sạch nông thôn và Quy hoạch tài nguyên nước và Kiểm soát môi trường và Năng lượng sạch (Thủy điện, Phong điện,…). Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược đó, Khoa học Khí tượng – Thuỷ văn – Hải dương học đã được Đảng và Nhà nước đầu tư rất lớn trong những năm gần đây. ĐHKHTN thuộc ĐHQGHN là trường đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo cử nhân ngành Khí tượng và Hải dương học.

Hiện nay, ở nước ta mạng lưới hoạt động trong lĩnh vực Khí tượng – Thủy văn đã được mở rộng và triển khai tới tận các tỉnh, thành, do đó nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là rất cao (ước tính cần khoảng 400 – 500 cử nhân/năm) so với lượng cử nhân ra trường hằng năm chỉ khoảng 150. Do vậy, trong những năm gần đây, 100% sinh viên theo học ngành này tại ĐHKHTN ra trường đều được các cơ quan đón nhận, có việc làm ngay. Đây thực sự là một cơ hội, một lựa chọn sáng suốt đối với các em học sinh khi lựa chọn ngành học này tại trường.

Khoa học Khí tượng – Thuỷ văn – Hải dương học, ĐHKHTN đã có truyền thống đào tạo hơn 40 năm với nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Bắt đầu từ năm học 2009 – 2010, Khoa đã kết hợp với Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN mở “hệ đào tạo kép” ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học và Công nghệ thông tin. Sinh viên theo học hình thức đào tạo này sẽ học 4 năm ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học tại Trường ĐHKHTN, năm thứ năm học Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghệ. Sau 5 năm học, sinh viên sẽ có 2 bằng tốt nghiệp của 2 ngành học, càng có nhiều cơ hội tìm và lựa chọn việc làm tốt hơn. Như vậy, sinh viên sẽ chỉ cần học thêm 1 năm đại học để có trong tay 02 bằng đại học. Một lợi thế nữa đối với học sinh khi thi tuyển vào học hệ đào tạo này là nếu thi vào Công nghệ thông tin thì điểm chuẩn đầu vào thường cao (do chỉ tiêu đào tạo hằng năm là hạn chế), nhưng khi chọn thi đầu vào ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học và theo học “hệ đào tạo liên thông hai bằng” sẽ có nhiều cơ hội đỗ hơn.

Được quan tâm và đầu tư lớn, đây cũng là ngành học được ưu đãi với mức học phí thấp nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cũng là mức thấp nhất trong trường. Sinh viên không chỉ có cơ hội được nhận học bổng tài trợ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn,... mà còn có cơ hội được đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Khoa là nơi có nhiều đề tài khoa học cấp Bộ và Nhà nước, 100% giảng viên là chủ trì các đề tài. Đây cũng là một thuận lợi cho sinh viên, các em được thực hành trực tiếp cùng giảng viên làm đề tài, được tiếp cận công nghệ và phần mềm tiên tiến; được tham gia nhiều chuyến đi thực địa bổ ích nên có kỹ năng làm việc tốt, có thể bắt kịp ngay công việc tại các cơ quan sau khi ra trường.

1.     Ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương

​Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Đồng thời, sinh viên còn được trang bị kiến thức khá đầy đủ về toán học, vật lý và tin học, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về kỹ năng lập trình, xử lý tính toán trên máy tính. Sinh viên được tham quan, thực tập thực tế tại nhiều viện, cơ sở nghiên cứu, triển khai trong đất liền, hải đảo, trên biển. Các đề tài, luận án, luận văn và khóa luận tốt nghiệp của sinh viên đều gắn với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học của giảng viên về các hướng nghiên cứu như: dự báo thời tiết, mô phỏng và mô hình hóa bão – xoáy thuận nhiệt đới, mô hình hóa khí hậu khu vực và dự báo khí hậu, dao động và biến đổi khí hậu, khí hậu và môi trường, khí tượng ứng dụng,…

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên các ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải dương có nhiều cơ hội làm việc tại các Cơ quan trung ương và địa phương, như Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Cao không Trung ương, Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn, Các Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực), Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, các Trường Đại học và Cao đẳng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Quy hoạch thủy lợi, Các công ty khảo sát điện, Viện thiết kế Bộ Giao thông vận tải, Viện Hải dương học, Viện nghiên cứu Hải sản, các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Dự án quốc tế, với nhu cầu hàng năm khoảng 400 – 500 người. Các Trung tâm Tin học, cơ sở, công ty có nhu cầu ứng dụng nhiều về Công nghệ Thông tin, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực tin học – tính toán, hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

2.     Ngành Công nghệ biển

Nước ta là một quốc gia giàu có về tài nguyên biển với 28/63 tỉnh thành phố có biển nhưng đội ngũ cán bộ về quản lý, khai thác tài nguyên biển còn rất hạn chế và chưa được đào tạo theo một hệ thống. Trước đòi hỏi của đất nước, thực hiện chiến lược biển của Quốc gia và xu thế hội nhập khu vực và Quốc tế, Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học, Trường ĐHKHTN được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân ngành Công nghệ Biển từ năm 2008.

Công nghệ biển là lĩnh vực ứng dụng các kiến thức khoa học về môi trường biển và những nguyên lý công nghệ: Kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật, v.v... trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển và ven bờ. Việt Nam có 28 tỉnh và thành phố tiếp giáp với biển với nhiều công trình, dự án liên quan đến biển, đến cửa sông, nhiều đô thị, khu công nghiệp, công trình, làng nghề ven biển, các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải thủy... cùng các hoạt động kinh tế – xã hội khác liên quan đến biển đang diễn ra hết sức sôi động.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản về toán, vật lý, hóa học, tin học, các văn bản pháp quy, chính sách, kiến thức chủ yếu về khoa học biển, những nguyên lý công nghệ – kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật,... trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển, các kỹ năng làm việc với tư cách nhà chuyên môn tư vấn, phân tích, quy hoạch, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật liên quan đến môi trường biển, đủ kiến thức để tự hoàn thiện hoặc được tiếp tục đào tạo thành chuyên gia bậc cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ biển.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực triển khai nghiên cứu khoa học bao gồm các khoa học cơ bản của Hải dương học và Công nghệ biển cũng như các khoa học ứng dụng của công nghệ biển trong các ngành công nghiệp, xây dựng, ngư nghiệp, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường biển v.v... có thể làm việc trực tiếp như một chuyên gia tư vấn, thiết kế, giám sát và quản lý trong từng lĩnh vực khoa học và công nghệ biển theo các chuyên ngành đào tạo: công nghệ bờ biển, công nghệ biển khơi, công nghệ môi trường biển, v.v... thuộc các lĩnh vực kinh tế xã hội, môi trường, đảm bảo anh toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển; các Cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, tư vấn, thiết kế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước… hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Nhu cầu nhân lực về Công nghệ biển ở nước ta hàng năm cần hàng 100 cán bộ.

Các chuyên ngành đào tạo:

Công nghệ bờ biển nghiên cứu quá trình tương tác động lực giữa biển và bờ biển, bảo vệ bờ và bãi biển, thiết kế cảng biển, đánh giá hệ quả xây dựng công trình lên môi trường đới bờ,...

Công nghệ biển khơi nghiên cứu thiết kế các công trình trong môi trường biển: công trình cố định, di động, công trình dầu khí, công trình dân sự và quân sự, công trình nổi, ngầm,... công nghệ lặn sâu, công nghệ vật liệu, công nghệ hàn trong môi trường biển.

Công nghệ môi trường biển nghiên cứu bảo vệ biển và đại dương, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên biển.

Chi tiết xem tại website của khoa

  • Website cựu sinh viên