Giới thiệu


     Bộ môn Hóa học phân tích, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội, được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân (bậc đại học) và đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Hóa phân tích đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học cơ bản, chuyên sâu với nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao phương pháp, công nghệ phân tích phục vụ nhu cầu phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm trong thực tế.

CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHÍNH TẠI BỘ MÔN 
- Nghiên cứu xây dựng phương pháp và thẩm định phương pháp phân tích định lượng các cấp hàm lượng từ lượng lớn đến lượng vết, siêu vết nhiều nhóm chỉ tiêu vô cơ, hữu cơ trong các đối tượng công nghiệp, môi trường, sinh học, thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng,… bằng các phương pháp phân tích công cụ hiện đại, bao gồm các phương pháp phân tích quang học (AAS, UV-Vis, huỳnh quang, hồng ngoại, Raman, NMR), các phương pháp phân tích điện hóa (điện thế, von-ampe hòa tan, von-ampe hòa tan hấp phụ), các phương pháp tách sắc ký (GC, HPLC, UPLC, CE), các phương pháp phân tích khối phổ và ghép nối với khối phổ (ICP/MS, GC/MS, LC/MS, HPLC-ICP/MS).
- Nghiên cứu chế tạo và xây dựng các qui trình ứng dụng cho nền mẫu cụ thể trên các thiết bị phân tích cầm tay, thiết bị phân tích nhanh ngoài hiện trường, thiết bị phân tích thời gian thực, phân tích ngay trong quá trình sản xuất và các kit thử nhanh.
- Nghiên cứu chế tạo các vật liệu mới ứng dụng trong tách, làm giàu lượng vết và chế tạo sensor do nhanh trong Hóa phân tích và xử lý môi trường.
- Áp dụng ISO 17025 trong đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng (QA/QC) trong phòng thí nghiệm Hóa phân tích;

Nghiên cứu phát triển các phương pháp phân tích mới và ứng dụng toán thống kê và tin học trong xử lí số liệu để đánh giá ô nhiễm môi trường, truy tìm nguồn gốc và cách thức phát tán, phân loại đặc tính và đánh giá chuyển hóa của các độc chất trong môi trường; áp dụng trong phân loại nguồn gốc địa lý và nguồn gốc động thực vật trong an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra nhanh chất lượng thuốc và sản phẩm tiêu dùng, giám định hình sự, phục vụ phân tích các đối tượng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

     Bộ môn Hóa học phân tích, một trong các bộ môn lớn của Khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội) được thành lập cùng với Khoa Hóa và Trường Đại học Tổng hợp vào năm 1956.  
     Trong 60 năm qua cùng với sự phát triển của trường và Khoa Hóa, bộ môn Hoá Phân tích đã được dẫn dắt và phát triển không ngừng dưới sự lãnh của NGND. GS Nguyễn Thạc Cát- ông tổ của ngành Hóa phân tích Việt Nam đạo trong suốt những năm 1956- 1982. Các nhiệm kỳ tiếp theo, dưới sự lãnh đạo của các CNBM gồm NGƯT. GS. TS. Trần Tứ Hiếu (1982-1987), NGƯT. GS. TS. Từ Vọng Nghi (1987-1996) , NGƯT. PGS. TS. Trần Chương Huyến (1996- 2001), NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Xuân Trung ( 2001- 2006) và NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Văn Ri (2006-2012), Bộ môn đã và đang là đơn vị đầu ngành về Hóa phân tích ở Việt Nam.  

     Hiện nay Bộ môn Hóa phân tích hiện có 9 cán bộ giảng dạy và 2 kĩ thuật viên, trong đó có 5 phó giáo sư, 3 tiến sĩ và 3 Thạc sĩ hoá học. Hàng năm, BM đào tạo khoảng 3-5 tiến sỹ, 22 thạc sỹ, 30 cử nhân ngành hóa phân tích.

Những thành tựu chính :

Về đào tạo: Giảng dạy môn Hóa phân tích và phân tích công cụ, kèm theo hướng dẫn thực tập cơ sở Hóa phân tích và phân tích công cụ  cho các lớp sinh viên thuộc khoa Hóa và khoa ngoài của các loại hệ đào tạo cũng như giảng dạy các môn chuyên đề cho các lớp cao học, nghiên cứu sinh. 

Bộ môn đã đảm nhận việc hướng dẫn khoảng 40 nghiên cứu sinh, hàng trăm học viên cao học, hàng vài trăm sinh viên năm cuối làm khóa luận tốt nghiệp và sinh viên năm thứ 3 làm nghiên cứu khoa học.

Về nghiên cứu khoa học: Trong 5 năm trở lại đây, Bộ môn Hoá hữu cơ đã đảm nhiệm và thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp như đề tài nghị định thư Việt Pháp (2014-2017), đề tài  Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội (2014-2016), 09 đề tài Nafosted (từ 2014 đến 2019), 07 đề tài cấp ĐHQGHN (từ 2014 đến 2019); 07 đề tài cấp trường ĐHKHTN (từ 2014 đến 2018); đã có 10  nghiên cứu khoa học sinh viên đoạt giải cấp Bộ: 2014 (1 giải nhì cấp Bộ), 2016 (1 giải nhì cấp ĐHQG), 2017 (2 giải nhì, 1 giải Ba), 2018 (1 giải nhì, 1 giải ba); 2019 ( 1 gaiir nhì, 2 giải ba); có 12  nghiên cứu khoa học sinh viên đoạt giải cấp trường.

Trong 5 năm trở lại đây, bộ môn công bố hàng trăm công trình dưới dạng các bài báo đăng trên các Tạp chí chính thức trong và ngoài nước hoặc Báo cáo ở Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có  60 bài đăng trên các tạp chí quốc tế ISI/SCOPUS. Hàng năm số lượng các bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống xếp hạng ISI tính trung bình là 2-3 bài/ 1 cán bộ.

Với định hướng nghiên cứu cơ bản phục vụ ứng dụng thực tiễn, hiện bộ môn thường xuyên đảm nhận vai trò giảng dạy các chuyên đề cho các viện nghiên cứu và trung tâm bên ngoài trường cũng như tư vấn về dịch vụ phân tích và phát triển phương pháp phân tích.

Khen thưởng:

- Danh hiệu tập thể lao động xuất sắc hàng năm.

- Bằng khen ĐHQG Hà nội (các năm 2009, 2011, 2013, 2015)

- Huân chương lao động hạng ba (2003)

Khoa Hóa học
  • Website cựu sinh viên