Giới thiệu


     Bộ môn Hóa học Dầu mỏ được hình thành năm 2000 trên cơ sở định hướng phát triển chiến lược ngành Công nghiệp Dầu khí của đất nước. Là bộ môn mới thành lập, Bộ môn có đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ và được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Trong công tác đào tào, Bộ môn tiến hành đào tạo trên cả ba cấp: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, với các hệ thường và các hệ hợp tác quốc tế. Góp tỷ phần quan trọng với Khoa, Trường và Đại học Quốc gia trong mảng nghiên cứu khoa học, Bộ môn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế với các đề tài từ cấp Đại học Quốc gia đến cấp Bộ, cấp Nhà nước. Các hướng nghiên cứu chính là: tổng hợp các vật liệu hấp phụ, xúc tác tiên tiến mới cho các quá trình chuyển hóa hóa dầu, hóa dược, chuyển hóa sinh khối thành polyme sinh học, quang tổng hợp và xử lý môi trường. Với những thành tựu đạt được trong hơn hai mươi năm qua, tập thể Bộ môn và nhiều cán bộ giảng viên đã được nhận các bằng khen, khen thưởng các cấp như cấp Đại học Quốc gia, cấp Bộ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 

Thành lập năm 2000 với mục tiêu đào tạo các cử nhân có trình độ cao phục vụ cho ngành Công nghiệp Lọc hóa dầu trong nước, đội ngũ cán bộ Bộ môn gồm 01 GS, 02 PGS, 01 TS và 02 ThS, 01CN. Đáp ứng như cầu phát triển nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực dầu khí, năm 2004 Bộ môn đã tiến hành bậc đào tạo Sau đại học. Bộ môn Hóa học Dầu mỏ đã có nhiều bước phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu trong thời gian qua. Tính đến nay, Bộ môn đã đào tạo hơn 400 sinh viên, hơn 82 học viên cao học và 25 tiến sĩ. Hiện tại, đội ngũ cán bộ của Bộ môn gồm có 2 GS, 1 PGS, 4 TS. 

     Từ nguồn vốn đầu tư ban đầu của World Bank, Bộ môn đã trang bị nhiều thiết bị phục vụ cho thực tập, giảng dạy và nghiên cứu. Trong mảng nghiên cứu khoa học, với thế mạnh là đội ngũ các giảng viên, nghiên cứu viên đều được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, cùng mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều phòng thí nghiệm tại các nước tiên tiến như Đại học Osaka (Nhật Bản), Đại học Laval (Canada), đại học Lille1 (Pháp), Đại học Illinois (Mỹ), Viện xúc tác Likat (Đức), …, công tác nghiên cứu được quan tâm phát triển mạnh. Các cán bộ Bộ môn đã chủ trì thành công nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia, đã công bố hàng chục bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Với thành tích đạt được trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học đó, các thầy cô của Bộ môn đã nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng như Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, bằng khen Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ giáo Dục và Đào tạo, Nhà Khoa học trẻ, …

Những thành tựu chính:

+ Về đào tạo: Bộ môn đã cùng Khoa xây dựng và triển khai thành công chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra ở cả ba bậc: đại học, cao học và tiến sĩ. Cán bộ của Bộ môn cũng tham gia nhiều chương trình đào tạo quốc tế, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, cụ thể, đã tham gia đào tạo:

-         Hệ cử nhân ngành Công nghệ Hóa học.

-          Hệ Tài năng – Tiên tiến, kết hợp với đại học Illinois, Hoa kỳ.

-          Hệ hai văn bằng Pháp – Việt, kết hợp với đại học Toulon Var, Pháp.

+ Về Nghiên cứu khoa học: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn là hướng đi được quan tâm trong Bộ môn. Cụ thể, trong 5 năm vừa qua, Bộ môn đã thực hiện các đề tài sau:

-          01 đề tài cấp Nhà nước.

-          04 đề tài quỹ Nafosted.

-          02 đề tài cấp ĐHQG

Các kết quả được đăng trên hơn 20 bài trên tạp chí quốc tế ISI/SCOPUS, hơn 10 bài trong các hội thảo quốc tế, và hàng chục bài trên tạp chí trong nước.

+ Về hợp tác quốc tế:

Bộ môn có nhiều quan hệ, hợp tác với các Phòng thí nghiệm, các Viện nghiên cứu  tiên tiến quốc tế:

-          GS. Stephane Siffert, Phòng thí nghiệm Môi trường và Tương tác thực thể sống, Đại học Côte d’Opal et Litoral, CH Pháp.

-          Dr. Dirk Hollmann, Viện xúc tác Likat, CHLB Đức.

-          GS.Yusuke Kawakami-Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST)

-          GS.Serge Kaliagunine, GS. Đỗ Trọng Ơn, Đại học Laval, Canada

+ Về khen thưởng:

 - Bằng khen của Giám đốc ĐHQG Hà nội (2018-2019).

- Tập thể Lao động xuất sắc cấp ĐHQG Hà nội (2018-2019).

- Tập thể Lao động xuất sắc cấp ĐHQG Hà nội (2016-2017).

- Bằng khen của Giám đốc ĐHQG Hà nội (2016-2017).

- Tập thể Lao động xuất sắc cấp ĐHQG Hà nội (2015-2016).

- Tập thể Lao động xuất sắc cấp ĐHQG Hà nội (2014-2015).


Khoa Hóa học
  • Website cựu sinh viên