Bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển

- Trưởng bộ môn: PGS.TS. Đặng Văn Bào

- Phó trưởng bộ môn: TS. Ngô Văn Liêm

 

1.  Năm thành lập:  1966 – Bộ môn Địa lý – Địa mạo;  năm 1973 - Bộ môn Địa mạo; năm 2000 - Bộ môn Địa mạo - Địa lý và Môi trường Biển.

2. Nhân lực:

Năm 1973, khi tách ra thành bộ môn độc lập, Bộ môn có 7 cán bộ, trong đó có 1 tiến sĩ, 5 cử nhân và một kĩ thuật viên.

Năm 1996, sau khi thành lập khoa Địa lý, bộ môn đã san sẻ một số cán bộ nòng cốt cho việc xây dựng các bộ môn Địa chính và Địa lí kinh tế Nhân văn, 2 cán bộ đã nghỉ hưu, chỉ còn lại 5 người, trong đó có 1 GS, 2 PGS, 1 ThS và 1 nghiên cứu viên.

Hiện nay, bộ môn có 6 cán bộ, trong đó có 3 PGS.TS., 1 Thạc sỹ, 2 cử nhân.

3. Một số thông tin chung

- Bộ môn Địa mạo được tách ra từ Bộ môn Địa lí-Địa mạo vào năm 1973, nhưng lúc đầu vẫn là một bộ môn ghép chung với chuyên ngành Bản đồ.

- Cho đến nay, đây là một đơn vị đào tạo chuyên ngành duy nhất ở Việt Nam, nơi đào tạo ra những kỹ sư có đủ năng lực thực hiện công việc nghiên cứu địa mạo trong các cơ quan địa chất, địa lí, môi trường và tai biến thiên nhiên, quy hoạch lãnh thổ, tìm kiếm khoáng sản, địa chất công trình, v.v.

- Chuyên ngành địa mạo đã có một lịch sử phát triển tương đối dài. Ngay từ ngày thành lập Ngành Địa lí tại trường ĐHTH đã có lớp sinh viên địa mạo đầu tiên (1966-1970), cán bộ của bộ môn đã vừa đào tạo, vừa không ngừng học tập để nâng cao trình độ; đã có 2 người được phong hàm giáo sư, 5 phó giáo sư và 1 thạc sĩ.

- Bộ môn địa mạo có đối tượng nghiên cứu phong phú và luôn nắm bắt được những vấn đề mới và đổi mới hoạt động của mình.

+ Các cán bộ của bộ môn đã nghiên cứu địa mạo khu vực, địa mạo Việt nam, những vấn đề kinh điển của địa mạo, như vấn đề pediment hóa, vấn đề laterit hóa, đặc điểm vỏ phong hóa ở những vùng có chế độ khí hậu khác nhau, v.v. Một hướng nghiên cứu đạt nhiều kết quả là nghiên cứu vấn đề xói mòn và bảo vệ đất đã được các cán bộ của bộ môn tham gia đông đảo.

+ Hướng nghiên cứu hang động học cũng được quan tâm thích đáng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch hang động và góp phần vào việc xây dựng hồ sơ công nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho 2 khu du lịch nổi tiếng là Hạ Long và Phong Nha Kẻ Bàng. Năm 2010, sau 20 năm hợp tác nghiên cứu hang động với Hội hang động Hoàng gia Anh, bộ môn cùng các chuyên gia hang động Anh đã đo được hơn 243km hang động trên khắp các vùng núi đá vôi ở Việt Nam. Thành tựu nổi bật là kết quả khám phá và khảo sát hang Khe Ry - hang dài nhất Việt Nam, hang nước dài nhất thế giới- vào các năm 1997, 1999 và hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - hang lớn nhất thế giới hiện nay - vào các năm 2009, 2010.

+ Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và giải quyết những vấn đề tài nguyên - môi trường đới bờ biển, bộ môn đã phát triển một hướng nghiên cứu mới trên cơ sở hướng Địa mạo bờ và đáy biển, đó là Địa lí và Môi trường biển. Như vậy, trong bộ môn địa mạo đã có tới 3 chuyên môn hẹp là Địa mạo lục địa, Địa mạo biển và Địa lý & Môi trường biển.

+ Trong thời gian từ hơn 20 năm nay, các cỏn bộ của bộ môn đã có những đóng góp đáng kể cho hướng nghiên cứu tai biến thiên nhiên, như lũ lụt, trượt lở đất, lở núi, lũ bùn - đá, xói lở – bồi tụ bờ biển và ảnh hưởng của nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

+ Địa mạo có mối liên quan chặt chẽ với Lịch sử và Khảo cổ học. Theo hướng này, Bộ môn đã có nhiều công trình hợp tác với các nhà sử học như: Nghiên cứu vùng cửa sông Bạch Đằng, nghiên cứu địa mạo đô thị cổ Hội An, nghiên cứu địa mạo thành Cổ Loa, nghiên cứu địa mạo thành phố Hà Nội mới...và góp phần vào sự thành công của Hồ sơ công nhận hai Di sản văn hóa Thế giới: Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

+ Đặc biệt cần nhấn mạnh một bước chuyển biến mới trong cách tư duy về chuyên môn của các nhà địa mạo trong bộ môn, đó là trên cơ sở địa mạo học thực hiện những nghiên cứu địa lý tổng hợp, đánh giá tài nguyên, vận dụng trong lĩnh vực quy hoạch phát triển theo nguyên lý kinh tế sinh thái.

4. Công tác đào tạo

+ Đào tạo đại học

 - Bộ môn đã xây dựng được 2 chuyên ngành đào tạo đại học là Địa mạo & Cổ địa lý, Địa lý và môi trường biển.

- Từ khi thành lập đến nay đã đào tạo được 30 khoá với trên 100 sinh viên đã tốt nghiệp, hiện đang công tác tại các cơ quan chuyên môn như: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoỏng sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Địa lý, Viện Địa chất, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, viện Tài nguyên và Môi trường Biển thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng Công ty Dầu-khí, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, Ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới...

- Các thầy giáo trong bộ môn đã rất cố gắng biên soạn giáo trình và dịch các tài liệu giáo khoa của các nước tiên tiến. Đến nay đã có 7 giáo trình và 5 sách chuyên khảo được xuất bản, 5 giáo trình và sách tham khảo khác sẽ được in trong thời gian tới.

- Các thày giáo trong bộ môn đã rất cố gắng biên soạn giáo trình và dịch các tài liệu giáo khoa của các nước tiên tiến. Đến nay đã có 4 giáo trình được xuất bản, 4 giáo trình khác sẽ được in trong thời gian tới.

+ Đào tạo sau đại học

Từ năm 1988 đến nay, Bộ môn được phân công quản lý 02 mã số đào tạo sau đại học là Chuyên ngành Địa mạo & Cổ địa lý - Mã số 60/62.44.02.18 và Chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, mã số: 60/62.85.01.01 (Trước đây là chuyên ngành Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tái tạo tài nguyên thiên nhiên, mã số 10714; kể từ năm 2006 được đổi tên thành Sử dụng và Bảo vệ Tài nguyên Môi trường - Mã số 62 85 15 01Đến nay Bộ môn đã quản lý và tổ chức đào tạo được trên 55  thạc sỹ và 29  Tiến sỹ.

5. Công tác nghiên cứu khoa học:

- Từ khi thành lập, Bộ môn đã tham gia và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu thuộc các cấp từ trung ương đến địa phương. Trong thời kỳ từ sau khi Thống nhất đất nước đến nay, các thành viên của Bộ môn đó chủ trì và tham gia trên 20 đề tài thuộc các Đề đề án và Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và Chính phủ, 6 đề tài cấp tỉnh, 16 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Đại học Quốc gia, chủ trì 10 đề tài nghiên cứu cơ bản. Những công trình nghiên cứu này đều đạt chất lượng cao, có ý nghĩa thiết thực cho phục vụ thực tiễn của đất nước và cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

- Bộ môn Địa mạo đã tham gia có hiệu quả vào việc lập hồ sơ công nhận 4 di sản Thế giới là: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (1994), Di sản văn hoá thế giới Đô Thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (1999) và Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (2003).

6. Hoạt động hợp tác Quốc tế

Bộ môn Địa mạo có truyền thống Hợp tác Quốc tế trong nghiên cứu khoa học từ hơn 20 năm nay với Bộ môn Địa mạo trường Đại học Tổng hợp Macxcơva, trường Đại học Tổng hợp Utchech Hà Lan, với Hội Hang động Hoàng gia Anh, Hội Hang động Bungari, với ĐH Boocđô Pháp và với một số trường Đại học Nhật Bản.

7.  Các hướng phát triển ưu tiên hiện nay

1. Hướng nghiên cứu địa mạo nhằm giảm thiểu tai biến thiên nhiên là một thế mạnh đặc biệt của bộ môn (nghiên cứu tai biến trong quy hoạch và phát triển đô thị, nghiên cứu trượt lở đất, lũ lụt, lũ bùn đá, tai biến xói lở - bồi tụ,...)

2. Hướng nghiên cứu, đánh giá tài nguyên, môi trường biển và quản lý đới bờ

3. Hướng nghiên cứu, thành lập bản đồ địa mạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Nghiên cứu đánh giá các vùng karst và khảo sát đo vẽ hang động, địa mạo trong quy hoạch lãnh thổ, tìm kiếm khoáng sản rắn.

4. Hướng ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong nghiên cứu địa mạo, địa lý-môi trường biển và đánh giá tai biến thiên nhiên.

8.  Khen thưởng

Bộ môn Địa mạo đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000, được nhân Huân chương lao động hạng III năm 2010, các cán bộ từng và đang là người của bộ môn đã được tặng huân chương lao động hạng  nhất (1 người), hạng 2 (2 người), hạng 3 (2 người) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (9 người).

9. Tên bộ môn và các chủ nhiệm bộ môn qua từng thời kỳ

Thời kì

Tên bộ môn

Chủ nhiệm bộ môn

1966-1973

Tổ Địa lý chung

PGS.TS. Nguyễn Vi Dân

1973-1975

Tổ Địa lý - Địa mạo

GS.TSKH. Nguyễn Quang Mỹ

1975-1985

Bộ môn Địa mạo

GS.TSKH. Nguyễn Quang Mỹ

1986-1990

Bộ môn Địa mạo

PGS.TS. Nguyễn Hoàn

1991-1995

Bộ môn Địa mạo

GS.TSKH. Nguyễn Quang Mỹ

1996-2000

Bộ môn Địa mạo

PGS.TS. Vũ Văn Phái

2000-2004

Bộ môn Địa mạo-Địa lý&Môi trường Biển

PGS.TS. Vũ Văn Phái

2004-nay

Bộ môn Địa mạo và Địa lý-Môi trường Biển

PGS.TS. Đặng Văn Bào

II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Chuyên ngành Địa mạo cùng với chuyên ngành Địa lý tự nhiên tổng hợp tuy là 2 đơn vị đào tạo đầu tiên của Khoa Địa lý, nhưng lúc đầu cùng tồn tại trong một bộ môn ghép là bộ môn ''Địa lý - Địa mạo'' được thành lập từ năm 1966. Đây là đơn vị đào tạo chuyên ngành Địa mạo duy nhất ở Việt Nam, nơi cung cấp cho đất nước những nhà chuyên môn có kiến thức và tay nghề đủ sức để thực hiện những công trình  nghiên cứu về địa mạo, tai biến thiên nhiên, tham gia vào công tác quy hoạch lãnh thổ, tìm kiếm khoáng sản, địa kỹ thuật và công trình, v.v.

Kể từ khi được thành lập đến nay, Bộ môn đã tạo ra được những bước phát triển và trưởng thành không ngừng, luôn luôn tự biến đổi mình để bám sát được nhu cầu của thực tiễn. Có thể  nhận ra những mốc phát triển chính sau đây.

Giai đoạn 1966-1973

Với đặc thù của một chuyên ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam, một chuyên ngành có vị thế nằm ở miền giáp ranh giữa hai nhóm ngành lớn của các Khoa học về Trái Đất là Địa chất và địa lý, trong những năm đầu này bộ môn với lực lượng gồm 5 cử nhân trẻ mới trở về từ các trường Đại học của Liên Xô (Nguyễn Quang Mỹ, Nguyễn Hoàn, Lê Đình Vần, Nguyễn Vi Dân và Đào Đình Bắc) đã tập trung sức lực chủ yếu cho việc đào tạo. Tuy lực lượng chỉ gồm những cán bộ giảng dạy trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng những khóa đào tạo đầu tiên đã đem lại thành quả chất lượng khá cao. Đội ngũ sinh viên tốt nghiệp đầu tay của bộ môn đã làm việc một cách tự tin cả trong ngành Địa chất cũng như trong công tác nghiên cứu Địa Lý. Được khích lệ bởi những thành công bước đầu đó, đồng thời lại được bổ sung thêm 2 cán bộ mới (Nguyễn Xuân Trường trở về từ Leningrad và Nguyễn Đức Khả được giữ lại làm cán bộ giảng dạy từ khóa đào tạo thứ 2 của chính bộ môn), bộ môn đã bắt đầu thử sức mình một cách thành công trong những công trình nghiên cứu phục vụ thực tế đầu tiên: điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch lãnh thổ các vùng Kinh tế IA Ba Vì và IB Chương Mỹ Hày Tây, điều tra địa mạo công trình cho Thủy Điện Sông Đà và Xi măng Bỉm Sơn, v.v.

Sau 7 năm tự đào tạo và trưởng thành, năm 1973 Bộ môn Địa mạo đã chính thức tách thành bộ môn độc lập, kết thúc giai đoạn chập chững đầu tiên của mình.

Giai đoạn 1974-1990

Đây là giai đoạn phát triển sung sức nhất của Bộ môn, bởi vì, một mặt,  đội ngũ đã trưởng thành thực sự (với 3 PGS – Nguyễn Quang Mỹ, Nguyễn Hoàn và Nguyễn Vi Dân, một TS – Đào Đình Bắc và 4 cử nhân giảng viên chính: Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Đức Khả, Vũ Văn Phái và Đặng Văn Bào và KTV. Nguyễn Thị Thanh Hải), mặt khác, đầu vào - đầu ra cho công tác đào tạo hoàn toàn được đảm bảo bởi nhu cầu cán bộ địa mạo của cả Tổng Cục Địa chất cũng như từ phía các cơ quan nghiên cứu, phân vùng, quy hoạch có sử dụng cán bộ địa mạo.

Với sự nhạy bén chính trị của lãnh đạo và tập thể giáo viên, Bộ môn đã nắm bắt rất kịp thời những cuộc vận động lớn của đất nước để động viên sức lực đóng góp cho sự nghiệp phát triển Đất nước. Với Phong trào thực hiện Chỉ thị 228 - TTg của Thủ tướng chính phủ, các nhà địa mạo đã tỏa về các đoàn Địa chất để tiến hành những nghiên cứu địa mạo có tầm cỡ rộng lớn, tham gia các đoàn điều tra cơ bản phục vụ Quy hoạch và Tổ chức lãnh thổ ở Bắc Quang, Hà Giang, Lâm Đồng, Hòa Bình, Tây Nguyên và Hà Nội, v.v. Đầu những năm 1980 với sự phát triển mạnh mẽ của Chương trình Môi trường, Bộ môn đã kịp thời xây dựng và thực hiện những nghiên cứu thực nghiệm về xói mòn đất ở Tây Nguyên và Vĩnh Phú, thực hiện các Đề tài cấp Nhà nước về sử dụng đất khai hoang phục hóa, ''Chương trình điều tra tổng hợp các tỉnh giáp biển miền Trung'' (Mã số-52E); ''Chương trình Biên giới Tây Nam Việt Nam - Campuchia”.

Nửa cuối những năm 80, khi trình độ của đội ngũ đã đạt tới tầm bao quát những vấn đề khoa học rộng lớn, tập thể bộ môn đã hợp tác với trường ĐHTH Lômônôxôp Liên Xô để thành lập bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1: 1 000 000 và với kinh nghiệm thu được từ công trình hợp tác này đã đảm nhận việc thành lập bản đồ địa mạo Đông Dương tỉ lệ 1: 1 000 000 trong khuôn khổ một dự án hợp tác lớn giữa Tổng cục Địa chất Việt Nam với Campuchia và Lào (Bản đồ Địa mạo Campuchia Lào và Việt Nam).

Giai đoạn 1990-đến nay

Nếu giai đoạn trước đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ và rất thuận lợi, thì nay Bộ môn Địa mạo đã phải chuyển hướng đáng kể mới có tiếp tục phát triển trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Do sự hạn hẹp về biên chế, Tổng cục Địa chất đã không còn tiếp nhận nhiều như trước các tân cử nhân của Bộ môn. Đầu ra khó khăn, thì tất yếu đầu vào cũng không thể dễ dàng. Tập thể Bộ môn đã phải tự biến đổi thật sự để có được ngày hôm nay: như tên gọi mới của bộ môn đã cho thấy, giờ đây bên cạnh chuyên môn sâu về địa mạo học, đã có thêm hướng đào tạo Địa lý và Môi trường biển, đồng thời hướng nghiên cứu tai biến thiên nhiên trên cơ sở địa mạo, nghiên cứu hang động, nghiên cứu các quá trình và cấu trúc địa mạo phục vụ cho các mục đích kinh tế với sự trợ giúp của công nghệ viễn thám và GIS đã trở thành hướng ưu tiên trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Bô môn. Đáng chú ý nhất là giờ đây mọi nghiên cứu của Bộ môn và khóa luận tốt nghiệp của sinh viên đều phải và thực sự đã mang màu sắc ứng dụng. Chính nhờ vậy mà sinh viên ra trường đã dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm, các thày thì dễ dàng hơn trong việc xác định và được chấp nhận các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc nhiều cấp độ khác nhau.

Trên bình diện quốc tế, các nhà khoa học của Bộ môn Địa mạo trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội đã hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều trường ĐH danh tiếng, như Đại học Tổng hợp Lômônôxôp (Liên bang Nga), ĐH Paris 1, ĐH Boocđô 3 Michel de Montaign (Cộng hòa Pháp), Đại học Sherbrook (Canada), trường Đại học Tổng hợp Tokyo và Chiba (Nhật Bản), Đại học Catholic Bruxel (Vương quốc Bỉ), Hội Hang động Hoàng gia Anh, Hội Hang động Bungari, v.v.

Thay lời kết

Có thể nói những khó khăn một thời nay đã qua, tập thể Bô môn địa mạo đang đi đúng hướng, và phần lớn các chuyên gia của Bộ môn đã  vượt ra khỏi chuyên môn hẹp về địa mạo đơn thuần để đến với Địa lý Tổng hợp, bao gồm cả những hướng về kinh tế sinh thái, kinh tế môi trường, quy hoạch và quản lý lãnh thổ và môi trường. Về mặt lý thuyết, đó là cái đích tất yếu phải vươn tới của mọi nhà địa lý: đến với mục đích phục vụ thực tiễn tối hậu trên cơ sở vận dụng những kiến thức chuyên ngành của mình. Cách làm đó đã góp phần cho thấy tính cần thiết, thậm chí tính không thể thay thế, của những kiến thức về các quy luật địa lý trong mọi hoạt động phát triển của xã hội loài người.

Thực tiễn trên bốn mươi năm hoạt động và trưởng thành của Bộ môn Địa mạo đã khẳng định rằng muốn đạt tới trình độ của một trường Đại học nghiên cứu thì phải kết hợp nhuần nhuyễn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lãnh thổ phục vụ thực tiễn sản xuất. Những bài giảng chỉ có hồn khi người thày có vốn thực tiễn sinh động, chỉ có thể hướng dẫn được các luận văn, luận án chất lượng cao, khi người thày có đề tài khoa học để mài giũa óc sáng tạo của chính mình và của học các trò, chìa khoá vàng để mở ra những phát hiện mới.

  • Website cựu sinh viên