Bộ môn Địa chất Môi trường

     Bộ môn Địa chất Môi trường được thành lập từ năm 1996, từ Bộ môn Địa kỹ thuật - Địa chất môi trường và tách ra phát triển thành Bộ môn riêng từ năm 2006. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã đáp ứng được nhu cầu xã hội về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện các nghiên cứu khoa học đỉnh cao về địa chất môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và các lĩnh vực liên quan. Bộ môn Địa chất Môi trường đã thực sự trở thành địa chỉ đào tạo và nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, được xã hội, các viện và cơ quan nghiên cứu,  các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ đánh giá cao. 
     Bộ môn liên tục nỗ lực, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín trong nước và khu vực hướng tới trở thành trung tâm xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực Địa chất môi trường biển và đới bờ, Địa chất môi trường đô thị, nông thôn; Địa chất môi trường miền núi; Tai biến địa chất; Đánh giá, dự báo biến đổi môi trường, tác động và các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến, ô nhiễm môi trường và an ninh phi truyền thống; Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững; Địa sinh thái và công nghệ địa môi trường. 


GS.TS. Mai Trọng Nhuận – Chủ nhiệm Bộ môn cùng đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP 21, Paris)

Bộ môn Địa chất Môi trường đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học.
1. Về đào tạo: 
     Bộ môn Địa chất Môi trường luôn giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo đại học và sau đại học của Khoa Địa chất. Các cán bộ của Bộ môn luôn có các đóng góp tích cực trong xây dựng, đổi mới các chương trình đào tạo bậc đại học của các ngành Địa kỹ thuật - Địa môi trường (nay là Kỹ thuật địa chất), Công nghệ Quan trắc và Giám sát Tài nguyên môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Địa chất. Bên cạnh đó, các cán bộ của Bộ môn tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy các ngành bậc thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) gồm: địa chất môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, khoa học bền vững, biến đổi khí hậu và phát triển, quản lý phát triển đô thị, quản trị an ninh phi truyền thống; tiến sĩ địa chất (chuyên sâu về địa hoá môi trường, địa chất môi trường), quản lý tài nguyên và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường trong phát triển bền vững,...
     Các cán bộ của Bộ môn tích cực phát triển và khai thác hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, phục vụ đào tạo – luôn chú trọng giữa “đào tạo lý thuyết” và “thực hành”. Hàng năm, các cán bộ của Bộ môn hướng dẫn số lượng lớn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Nhiều sinh viên đã được giải cao trong nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ môn Địa chất Môi trường có các hợp tác về đào tạo với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới gồm: Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Ehime, Đại học Kumamoto (Nhật Bản); Đại học Maryland, Đại học Illilois (Hoa Kỳ); Đại học Oslo, Viện Địa kỹ thuật Na Uy (Na Uy); Đại học Seoul, Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju, Đại học Korea, Viện Địa Khoa học và Khoáng sản Hàn Quốc (Hàn Quốc); Đại học Công nghệ Sydney (Úc); Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Sư phạm Đài Loan, Đại học Chengkung (Đài Loan) và nhiều tổ chức khác. Thông qua các chương trình hợp tác này, nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ đã được tham gia vào các chương trình trao đổi quốc tế về học tập và nâng cao trình độ. Nhiều sinh viên và học viên cao học đã được cấp học bổng để học lên bậc học cao hơn ở các nước phát triển.
Các môn học giảng dạy:
- Đại học: Địa chất môi trường; Địa chất môi trường biển và đới bờ; Địa hóa; Địa hóa môi trường; Địa chất sinh thái; Địa chất đô thị; Mô hình hóa các hệ thống trái đất; Đất ngập nước Việt Nam; Địa tin học ứng dụng; Các phương pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên; Các phương pháp nghiên cứu khoa học trong quản lý tài nguyên và môi trường; Phương pháp nghiên cứu khoa học trong địa chất; Các phương pháp tổ chức khảo sát, điều tra địa chất; Các phương pháp điều tra, khảo sát, giám sát tài nguyên và môi trường; Thực tập Tài nguyên thiên nhiên.
- Sau đại học: Địa chất môi trường nâng cao; Địa hóa môi trường nước; Đánh giá tổn thương phục vụ giảm thiểu tai biến; Các phương pháp hiện đại trong nghiên cứu địa chất môi trường; Khoa học bền vững; Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu; Biến đổi khí hậu và an ninh toàn cầu; An ninh nguồn nước; Phân phối và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên.
 
Bộ môn Địa chất Môi trường hợp tác với Đại học Tokyo (Nhật Bản) và các nước trong đào tạo và nghiên cứu khoa học
2. Về nghiên cứu khoa học
Bộ môn đã đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực địa chất môi trường, địa chất tai biến, khoa học biển, biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, công nghệ địa môi trường cho phát triển bền vững, địa chất sinh thái, các mô hình thông minh với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn,… Các cán bộ của Bộ môn đã chủ trì, tham gia nhiều đề tài và dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ các cấp: cấp Nhà nước (nay là cấp quốc gia), cấp Bộ và ngang Bộ, hợp tác quốc tế,... Các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vùng biển và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học,… ở nhiều địa phương; cũng như xây dựng và phát triển các hướng nghiên cứu khoa học liên ngành, độc đáo tại ĐHQGHN và Việt Nam.
 
Khảo sát thực địa cùng chuyên gia trong và ngoài nước tại Hà Giang
Các cán bộ của Bộ môn đang quản lý và vận hành các phòng thí nghiệm và trang thiết bị hiện đại gồm: Phòng thí nghiệm đồng vị bền, Phòng thí nghiệm quang phổ hấp phụ nguyên tử, Phòng thí nghiệm quang phổ phát xạ nguyên tử. Thông qua vận hành các phòng thí nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Bộ môn đã làm chủ được các công nghệ phân tích hiện đại, tương đương với các phòng thí nghiệm ở các nước phát triển.
 
Vận hành phòng thí nghiệm đồng vị bền
Bộ môn cũng là đơn vị luôn tích cực xuất bản các công trình khoa học trong nước và quốc tế. Đến năm 2020, tỷ lệ các công trình khoa học của Bộ môn là: 4 sách và chương sách/cán bộ, 15 bài báo khoa học quốc tế (ISI, Scopus)/cán bộ, 21 bài báo trong nước/cán bộ, 22 kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước/cán bộ.
Bộ môn Địa chất Môi trường đã đạt những thành tích cụ thể:
+ Giải thưởng Bảo Sơn vì sự nghiệp phát triển kinh tế bền vững năm 2011;
+ Bằng khen Bộ môn đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2009 - 2010 của Giám đốc ĐHQGHN (2525/QĐ-CTHSSV);
+ Bằng khen Bộ môn đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2015 - 2016 của Giám đốc ĐHQGHN (29511/QĐ-ĐHQGHN)
+ Giấy chứng nhận Danh hiệu thi đua Bộ môn đạt Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc các năm học: 2003 - 2004 68/2004), 2014 - 2015 (3319/QĐ-ĐHQGHN), 2015 - 2016 (2951/QĐ-ĐHQGHN), 2016-2017 (3925/QĐ-ĐHQGHN), 2017-2018 (3576/QĐ-ĐHQGHN), 2018-2019.

  • Website cựu sinh viên